Căng thẳng Biển Đông, Việt Nam xuất nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh

06/07/2014 08:25
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Do chịu tác động của tình hình Biển Đông, xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc 6 tháng đấu năm đều giảm.
Ngày 05/7/2014, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết số liệu thống kê sơ bộ tháng 6 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang thị trường Trung Quốc là 1,18 tỉ USD, giảm 2,5% so với tháng 5. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc tháng 6 sơ bộ là 3,43 tỉ USD, giảm 14,6% so với tháng trước.

Tổng cục Hải quan cho rằng tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đến kim ngạch xuất nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2014, số thu ngân sách ngành Hải quan đạt 117.523 tỷ đồng, đạt 52,5% dự toán, tăng 24,4% (117.523/94.450 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: thuế xuất nhập khẩu là 38.173 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 6.912 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường là 94 tỷ đồng, thuế GTGT là 72.216 tỷ đồng và số thu khác là 127 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân dẫn tới việc thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2014 tăng do kim ngạch của một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn, thuế suất cao tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013: xăng dầu tăng 6.650 tỷ đồng, ô tô nguyên chiếc tăng 3.300 tỷ đồng, linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 1.100 tỷ đồng, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 2.440 tỷ đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự khởi sắc, bên cạnh đó, chịu tác động về tình hình Biển Đông, tuy nhiên, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng thu, kết hợp các hoạt động nghiệp vụ, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đề ra.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác thu ngân sách, Tổng cục Hải quan đã tập trung đẩy mạnh những mặt hoạt động khác. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện hiệu quả từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nắm vững diễn biến tình hình tại địa bàn, để chủ động đấu tranh, phát hiện, bắt giữ. 

Tính đến ngày 15/06/2014 đã phát hiện xử lý 8.915 vụ (giảm 19,8% so với cùng kỳ 2013), trị giá hàng vi phạm ước tính 168 tỷ 904 triệu đồng (tăng 14,3% so với cùng kỳ 2013), khởi tố hình sự 6 vụ, chuyển các cơ quan khác khởi tố 27 vụ, thu nộp NSNN 59 tỷ 652 triệu đồng. 

Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì bắt giữ, xử lý 43 vụ, trị giá hàng vi phạm ước 92 tỷ 539 triệu đồng, khởi tố 3 vụ, thu nộp NSNN 5 tỷ 366 triệu đồng.

Tính đến hết 30/6/2014, đã tiến hành kiểm tra 767 cuộc (trong đó kiểm tra tại cơ quan Hải quan 523 cuộc, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp: 244 cuộc), bằng 85% so với cùng kỳ 2013. Toàn ngành đã ra quyết định ấn định và truy thu (bao gồm cả thuế và phạt) 238,2 tỷ đồng, bằng 66% so với cùng kỳ 2013, đã thu nộp NSNN 204,2 tỷ đồng, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể số thu từ xăng dầu TNTX).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan cần ngăn chặn tình trạng những mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng phục vụ sản xuất kém chất lượng được nhập khẩu, tiêu thụ tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân…

Trung Quốc vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu của Việt Nam

Bộ Công thương cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc với 7,4 tỷ USD, tăng 20,8%, trong đó dầu thô tăng 336,2%; gạo tăng 5,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 763,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 52,7%.

Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 với một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Máy móc tăng 30,3%; điện thoại tăng 11,3%; vải tăng 25,6%; sắt thép tăng 35,5%. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng với giá trị ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%.

Việt Nam đang nhập khẩu trên 90% tư liệu sản xuất từ Trung Quốc (gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, phụ liệu... ), do đó khó có thể hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ngay trong thời gian ngắn.

Bộ Công thương cho rằng những hàng hóa này sản xuất trong nước chưa đáp ứng được đầy đủ nên vẫn phải nhập khẩu.

Trong 3 năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu 70% linh kiện từ Trung Quốc, nhưng không xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện trở lại thị trường này mà chủ yếu là lắp ráp rồi xuất đi các nước khác. Còn các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc đa phần là nông sản, khoảng sản.

NHẤT NGÔN