Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam…
Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Hàng dệt may Việt Nam sẽ chiếm lĩnh được thị trường? |
Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04% so với tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân với hàng Việt Nam, tuyên truyền quảng bá “Tự hào hàng Việt Nam”... như phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong chủ động, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt...); Huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp...để hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố một cách bền vững: Xây dựng và tổ chức các chương trình kết nối Cung - Cầu (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối của các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp cả nước;
Đồng thời, tham mưu đề xuất với UBND Thành phố quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu Công nghiệp, Khu chế xuất, vùng tập trung đông dân cư, vùng nông thôn.
Trong khi đó, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố TP.Hồ Chí Minh cũng nêu một số kiến nghị như: Cần thực hiện các giải pháp kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;
Đặc biệt, cần triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt, với các giải pháp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu Việt thông qua các Chương trình xét chọn Thương hiệu quốc gia, Chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, Chương trình bình ổn thị trường, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài, v.v…
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp các Bộ ngành, cơ quan tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân, nhất là trong thời điểm chuẩn bị vào năm học mới và các ngày Lễ, Tết.
Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo thiết thực, phù hợp với thực tế để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu.
Tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã với giá thành hợp lý. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, học sinh sinh viên của các đơn vị trực thuộc Bộ ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam.