Cảnh báo công nghệ chế biến bẩn: Từ sữa Ba Vì tới bát bún chả

11/07/2011 00:14
(GDVN) - Tận mắt chứng kiến cảnh vắt sữa bò bằng tay hay cảnh làm bún chả với thịt ôi thiu, người tiêu dùng đã hiểu tại sao sữa nhanh hỏng, bún lại rẻ đến thế!

(GDVN) - Gần đây, các thông tin Mama sữa non bị nhiễm khuẩn, sữa tươi Mộc Châu vừa mua về, còn hạn sử dụng đã bốc mùi… được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và được dư luận hết sức quan tâm. Sang tuần này, sữa Ba Vì lại “dính scandal” với việc tố cáo “cứ 1 thùng sữa tươi Ba Vì, lại có 1 hộp bốc mùi”, cộng với một loạt các sự kiện khác liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm đủ để chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh.

Giáo Dục Việt Nam xin điểm lại 4 sự kiện nóng trong tuần qua khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình, ớn lạnh về công nghệ chế biến thực phẩn này.

Sữa Ba Vì pha… nước lã, vắt bằng tay nhem nhuốc

Đến thăm một số hộ gia đình thuộc xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, TP.HN) -  nơi chuyên nuôi bò sữa và bán sữa cho nhà máy, phóng viên được chứng kiến tận mắt cảnh sữa Ba Vì được pha nước lã, vắt bằng tay lấm lem, nhem nhuốc.

Tại nhà anh Nguyễn Văn Hưng (trú tại đội 4), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt phóng viên là một chuồng nuôi bò sữa tối tăm, ẩm thấp. Mặc dù gia đình anh Hưng có 3 con bò sữa, nhưng chỉ có 1 con là đang được vắt, còn 2 con đã cai được hơn nửa tháng nay. Con bò sữa đang được vắt bị nhốt cùng chuồng với 2 con đang cai và dưới nền xi măng là hàng chục bãi phân đang bị “3 chú bò” dẫm đạp tung tóe.

a
Một khu chuồng trại nuôi bò kiểu mẫu nhếch nhác,
cũ kĩ và bẩn thỉu.

Theo anh Hưng, thông thường việc đánh giá chất lượng sữa ở đây là chỉ đo nhiệt độ sữa. Sữa đạt yêu cầu là từ 22 đến 25 độ. Sữa tốt là từ 26 độ trở lên. Còn dưới 22 độ là không đạt. Các công ty trả tiền cho hộ dân dựa vào nhiệt độ đạt hay không đạt này. Nhà nào đạt yêu cầu thì được thưởng thêm 200 đồng/1 yến. “Thưởng tuy ít thế nhưng cũng có nhiều nhà sữa không đạt 22 độ thì họ đổ thêm nước nóng vào để tăng nhiệt độ lên khoảng 22 độ hoặc hơn để sữa của họ đạt chuẩn”, anh Hưng chia sẻ.

Cũng giống chuồng bò nhà anh Hưng, “ngôi nhà bò sữa” của gia đình anh Cương cách đó không xa cũng ẩm thấp, phía trên nóc là mạng nhện giăng tứ tung như một ngôi nhà bị bỏ hoang từ nhiều năm trước. Dưới nền xi măng được dọn khá sạch sẽ, không thấy có phân bò nhưng nhìn kĩ hơn một chút thì cũng có vài chục “cục” phân nằm rải rác trên bệ thức ăn của bò, cả khu chồng rộng chừng 200m2 chỉ thấy có 3-4 ô cửa nhỏ với vài tia sáng yếu ớt len lỏi vào.

a

Cận cảnh vắt sữa bò bằng bàn tay nhem nhuốc đất cát.

Khi anh Cương vừa đẩy toang hai cánh cửa thì một mùi hôi khó chịu bốc ra. Hai bên là hai dãy chuồng bò với 19 con bò sữa có số hiệu đính ở tai.“Ở trang trại này có 19 con bò nhưng chỉ có 7 con đang trong thời kỳ cho sữa. Không giống ở các trang trại khác, người ta dùng máy cho đỡ tốn công thì ở chỗ chúng tôi vắt sữa bằng tay, như thế sẽ tốt cho con bò hơn và cho chất lượng sữa tốt” – Anh Cương cho biết.

Có lẽ, chính vì lý do sữa được vắt bằng tay không đảm bảo vệ sinh, cộng thêm việc pha nước lã nên sữa Ba Vì bị khách hàng tố “cứ 1 thùng sữa tươi Ba Vì, lại có 1 hộp bốc mùi” gây bức xúc cho không ít các bà mẹ có con nhỏ.

Một phút tẩm hóa chất, thịt lợn ốm, ôi "lên đời" thành thịt tươi ngon

Khoảng hơn 11h trưa, theo quan sát của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tại chợ đầu mối Kim Ngưu (Hà Nội),  nhiều phản thịt tại đây, nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận biết thịt "có vấn đề". Mặc dù màu thịt vẫn đỏ hồng nhưng các thớ thịt ấn vào đã mềm nhũn trong khi người bán hàng vẫn luôn miệng chào mời, quảng cáo thịt nhà chị là thịt ngon, người mua yên tâm vì "không tẩm ướp các hóa chất như các hàng khác".

Theo tiết lộ của một tiểu thương bán thịt tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), cứ đến mùa nắng nóng, đặc biệt là các ngày nắng gắt, những hàng thịt bán buổi sáng còn tồn bao giờ cũng phải sử dụng một ít hóa chất chống ôi, thiu để bảo quản thịt, từ thịt bò đến lợn, gà… “Nói là bảo quản nhưng chẳng mấy ai bảo quản bình thường trong tủ lạnh đâu. Vì như thế, thịt vừa bị tái màu mà lại bốc mùi nên mỗi hàng thịt đều phải có những kỹ thuật riêng”, chị M. – người bán thịt tại đây cho biết.

a
Nhiều người bán thịt tiết lộ, mùa nóng cũng là mùa nhiều dịch
bệnh nên thịt lợn được ngâm hóa chất bảo quản nhiều nhất.
Tại phố phụ gia, hương liệu Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thứ “thuốc thần kỳ” tẩy mùi thịt ôi này được bán với giá 30 nghìn đồng/kg. Gói bột trắng không nhãn mác, thành phần được người bán quảng cáo là hàng Thái Lan, chuyên để bảo quản thịt. Khi sử dụng người dùng cho bao nhiêu là tùy ý. Nếu muốn bảo quản thịt được lâu thì cho nhiều hơn.

Tuy nhiên, “nếu người bán hàng sử dụng hóa chất bảo quản không dùng trong thực phẩm mà trong công nghiệp sẽ gây ra 4 nguồn độc: độc trong thịt lợn, vi sinh vật phát triển trong đó, NO3 cao và tạp chất” – PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết.

Vì vậy, khi mua thịt, người tiêu dùng cần phân biệt 3 đặc điểm màu, mùi, trạng thái. Miếng thịt tươi thường mềm và có độ dẻo, thịt ươn nhão hơn. Khi tẩm hóa chất sẽ chỉ cứng bề mặt còn bên trong vẫn nhão.

Bún chả chế từ thịt ôi thiu và tẩm hóa chất lạ của Trung Quốc


Vào những ngày hè oi bức, quán bún chả trở nên đông đúc hơn hẳn ngày thường. Đây trở thành món ăn quen thuộc của người dân Hà Thành. Nhưng mấy ai biết được đằng sau nó là cả một quá trình chế biến bẩn từ những dụng cụ nướng thịt từ hôm qua, hôm nay mang ra nướng tiếp mà không cần cọ rửa, những rổ rau sống đặt ngay cạnh bồn cầu, bát rửa tiết kiệm trong một xô nước nhỏ cáu bẩn...  Tất cả điều đó sẽ vẫn chưa đủ kinh hoàng nếu thực khách biết rằng, nguyên liệu làm chả chế từ thịt ôi, được chủ quán bún chả thu gom từ chiều hôm trước, tẩm ướp sẵn.

a
Rổ rau sống đặt cạnh nhà vệ sinh

Qua tìm hiểu, phóng viên giaoduc.net.vn được biết, thịt viên băm dùng trong bún chả phần lớn là thịt vai. Giá thịt vai ngoài chợ hiện 11 nghìn đồng/lạng nhưng ông chủ quán bún chả tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ mua loại 8 đến 9 nghìn đồng/lạng. Mặc dù vậy, ông vẫn không khỏi than phiền: “Thịt "đểu" thế này mà chúng nó còn làm giá cao, không thể trả giá được”.
Người giúp việc cho chủ quán, bà L. cũng tiết lộ: “Đa phần chủ quán thường ướp thịt từ ở nhà "khuất mắt trông coi" từ tối hôm trước, sáng sớm hôm sau chỉ việc mang ra nướng. Không biết có phải thịt lợn chết hay thịt cũ không nhưng nếu thịt ngon như nhà mình ăn thì làm gì có lãi”, bà L. khẳng định.
a
Xô đựng đũa bát thừa cáu bẩn.
Không những thế, khi phóng viên đột nhập phía sau “hậu trường” quán bún chả còn phát hiện thêm sự thật kinh hoàng: Hương liệu chế thịt nướng trong bún chả có nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ cần ướp qua thịt trước khi nướng đã có màu vàng ngon, thay vì màu trắng nhờ nhờ. Thêm vào đó, thịt được tẩm thêm phụ gia tẩy mùi, mà theo khuyến cáo của khoa học, chất này có thể gây loét nội tạng.

Hoang mang mì Omachi chứa phẩm màu độc hại

Thời gian qua, clip quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua, phát đi thông điệp mì có màu đậm là chứa phẩm màu độc hại đã khiến nhiều người dân hoang mang.

Trong khi đó, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm ngày 6/7 đã chính thức thông báo rằng:  phẩm màu E102 được sử dụng đúng hàm lượng thì vẫn đảm bảo an toàn. Hiện tại, chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế việc sử dụng do lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn vốn ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm. Còn lại, hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm.

Mặc dù, Masan tung ra quảng cáo mì tạo ra nước đậm là chứa phẩm màu độc hại nhưng theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường, các sản phẩm đang được bán rộng rãi của chính Masan tại siêu thị, điểm bán lẻ… gồm mì Tiến Vua (loại cũ) và mì Omachi đều chứa E 102. Trên bao bì Omachi và Tiến Vua (loại cũ) đều in rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).

a
Mì Omachi của Masan vẫn đang chứa E 102.

Bình luận về mẫu quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua ‘tố cáo’ Omachi, giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo lớn tại TP.HCM (người có kinh nghiệm trong ngành mì ăn liền) cho rằng, công ty Masan chuẩn bị chưa kỹ cho chiến dịch. Việc đưa ra thông điệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong khi vẫn bán các sản phẩm mà mình quảng cáo có hại cho sức khỏe là điều cấm kỵ.

“Omachi là sản phẩm mì cao cấp vẫn còn chứa chất E102 thì hiệu ứng phản cảm của quảng cáo mì Tiến Vua (phân khúc bình dân) sẽ còn nặng nề hơn. Thêm vào đó, khi chất E102 được cơ quan về an toàn thực phẩm khẳng định không độc hại cho sức khỏe mà lại quảng cáo như vậy thì làm cho người tiêu dùng không tin vào thông điệp được đưa ra nữa. Như vậy là quảng cáo mì Tiến Vua đã tự tay bóp chính mình rồi”.
Kinh hoàng "hậu trường" bếp chế biến món gà rán KFC
Mặc dù không xảy ra ở Việt Nam mà tại một quán gà rán ở Malaysia nhưng cảnh một số nhân viên nhà bếp vừa lau bếp bằng những chiếc khăn nhỏ xíu bẩn thỉu rồi liên tiếp vắt nước từ khăn đó vào chiếc xoong chế biến thức ăn ngay bên cạnh... khiến những ai yêu thích món gà rán KFC phải giật mình hoảng hốt.
Tại forum của tờ AsiaOne, một số đọc giả đã gửi tới những đoạn video quay lại cảnh hậu trường chế biến thức ăn của một quán gà rán tại Malaysia, thu hút rất nhiều sự chú ý của đọc giả.
a
Cảnh "hậu trường" quán gà rán KFC khiến nhiều người rùng mình.


Đoạn video đầu tiên ghi lại cảnh một số nhân viên nhà bếp vừa lau bếp bằng những chiếc khăn nhỏ xíu bẩn thỉu rồi liên tiếp vắt nước từ khăn đó vào chiếc xoong chế biến thức ăn ngay bên cạnh.

Đoạn video thứ hai ghi lại cảnh một nhân viên đang sắp xếp gà từ khay nhôm lên giá (dường như là đang tẩm bột) lại có hành động dùng các miếng gà vừa nhấc từ chậu bột ra cọ vào đế giầy trước khi xếp lên.
Theo nhiều người xem video nhận xét thì các nhân viên lau bếp này dường như đang mặc trang phục của quán KFC tại Malaysia.

Khởi Sự