Chân dung chủ nhân lăng mộ triệu đô bị thế chấp ở Hải Phòng

02/05/2013 13:57
Theo VTC News
Ông Vũ Hồng Khánh không đơn giản chỉ là xây cho vợ chồng mình một ngôi mộ, mà ông muốn biến quần thể lăng mộ thành một công viên đồ đá có ý nghĩa về mặt văn hóa, điêu khắc.
Cách đây gần chục năm, người dân cả nước được dịp xôn xao về công trình lăng mộ trị giá gần 1 triệu USD của đại gia đất cảng Vũ Hồng Khánh (Kiến An, Hải Phòng). Mấy ngày nay, người dân đất Cảng lại xôn xao với câu chuyện một ngân hàng đang tìm cách xử lý tài sản, là mảnh đất có ngôi mộ này. Là người từng được ông Khánh dẫn đến thăm ngôi mộ gần 10 năm trước, tôi thực sự choáng với công trình đồ sộ này. Ông Vũ Hồng Khánh không đơn giản chỉ là xây cho vợ chồng mình một ngôi mộ, mà ông muốn biến quần thể lăng mộ thành một công viên đồ đá có ý nghĩa về mặt văn hóa, điêu khắc.
Ông Vũ Hồng Khánh trước trung tâm phần mộ.
Ông Vũ Hồng Khánh trước trung tâm phần mộ.
Chuyện về ngôi mộ kỳ lạ ấy dần chìm vào ký ức, cho đến một ngày, ông Khánh điện thoại cho tôi, giọng buồn rầu: “Đời chú buồn quá, nhục quá cháu ạ. Từng này tuổi đầu, về với đất đến nơi rồi, lại gặp chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Nhà đất, trụ sở công ty thì bị thu hồi chưa được đền bù, ngôi mộ bị ông con đem cắm ngân hàng, giờ có nguy cơ bị xiết nợ nốt, thì đời chú chắc chết chẳng có chỗ chôn”.
Nghe câu chuyện buồn bã ấy, tôi về ngay Hải Phòng, tìm gặp người kỹ sư già nổi danh đất Cảng một thời cả về tiền bạc lẫn danh tiếng. Ông Khánh tiếp tôi trong căn biệt thự rộng mênh mông mà buồn tẻ, chỉ có cặp vợ chồng già. Với mái tóc bạc như cước, ông Vũ Hồng Khánh già hơn so với tuổi 75 của mình. Năm 1967, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng Vũ Hồng Khánh không chịu làm việc ổn định ở đâu vì muốn có nhiều thời gian để nghiên cứu sáng chế các loại máy móc. Một lần ra Đồ Sơn tắm, Khánh chứng kiến cảnh hàng trăm cô gái thôn quê dùng chiếc "bàn chải" làm bằng gốc tre tua tủa rễ kiên trì nghiền tôm cá thành bột để làm mắm. Tò mò lại gần, Khánh đau xót khi thấy đôi bàn tay của các thiếu nữ có những ngón tay bợt bạt, nhăn nheo vì bị râu tôm, càng cua, xương cá muối mặn hủy hoại. Hình ảnh những thôn nữ trẻ trung mà khi nói chuyện cứ giấu đôi tay trong áo khiến mấy đêm liền Khánh trăn trở. Khánh tìm gặp ông Đỗ Lộc, khi ấy là Chủ nhiệm HTX Duyên Hải hỏi: "Sao HTX mình không dùng máy để nghiền tôm cá?". Ông Đỗ Lộc cười: "Từ xưa đến giờ làm gì có máy làm ra mắm đâu". Khánh thức khuya để kẻ vẽ, rồi tạo ra một chiếc máy trông như cái cối xay gồm các bánh răng và thớt nghiền bằng thép. Khánh chở chiếc máy ấy tặng cho HTX Duyên Hải. Hôm vận hành, ai cũng ngỡ ngàng. Tôm, cua, cá đổ vào máy trong chớp mắt là ra bột, ra bã. Nó có công suất bằng cả 200 cô gái ở HTX miệt mài làm thủ công. Từ bấy, 200 nữ công nhân được chuyển sang nghề làm thêu ren. Ông Chủ nhiệm HTX Duyên Hải Đỗ Lộc cảm kích tặng Khánh 5.000 đồng. Khánh dùng số tiền này mua một mảnh đất 420 m2 và ngôi nhà hai tầng ở phố Tô Hiệu (TP Hải Phòng). Cũng từ đó, cả nước dùng chiếc máy nghiền cua cá làm mắm, nhưng ít ai biết rằng, sản phẩm đó là của chàng kỹ sư trẻ Vũ Hồng Khánh. Những năm đất nước còn chiến tranh, các xí nghiệp của Nhà nước toàn làm thủ công, vừa tốn sức lao động lại kém hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà kỹ sư Khánh có dịp tung hoành, bộc lộ tài năng. Ông đã nghiên cứu chế tạo thành công khá nhiều loại máy móc tự động hóa như: Máy chế biến xà phòng, máy ép mùn cưa, máy cải tạo đồng cói, máy ép cói, máy chẻ cói, máy đan cói xuất khẩu, máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ... Năm 1989, Nhà nước cho phép thành lập doanh tư nhân, ông Khánh đã thành lập doanh nghiệp Khánh Hòa. Tên doanh nghiệp ghép tên ông với tên người con trai Vũ Đức Hòa. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Hải Phòng. Doanh nghiệp có cả chục dây chuyền, máy móc sản xuất tự động các sản phẩm bằng nhựa. Sản phẩm của Khánh Hòa có mặt trên khắp đất nước.
Ngôi mộ và tòa biệt thự nằm trên phần đất bị thế chấp.
Ngôi mộ và tòa biệt thự nằm trên phần đất bị thế chấp.
Một sáng chế làm ngạc nhiên cho giới khoa học nước ta hồi cuối thế kỷ 20 của ông Vũ Hồng Khánh là dây chuyền sản xuất vành xe đạp Inox tự động. Chi phí chế tạo dây chuyền chỉ bằng 1/20 giá trị thiết bị nhập ngoại và sản phẩm vành xe đạp Inox của Khánh Hòa chỉ bằng 1/6 giá thành vành xe đạp Nhật Bản. Sản phẩm do ông chế tạo đã xuất đi nhiều nước. Chính công trình này đã góp phần làm sống dậy ngành sản xuất xe đạp trong nước. Sản phẩm dây chuyền sản xuất vành xe đạp Inox tự động đã đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC). 7 lần ông Khánh mang sản phẩm của mình đi tham dự Hội chợ hàng công nghiệp Việt Nam thì 7 lần đoạt huy chương vàng, bởi không có sản phẩm nào chất lượng tốt mà giá lại rẻ như chiếc vành xe đạp Inox do ông sáng chế. Đang ăn nên làm ra thì doanh nghiệp này phải di chuyển ra ngoài khu dân cư do ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay, việc đền bù vẫn chưa thỏa đáng. Cả chục năm theo đuổi kiện cáo, không thiết gì làm ăn nữa, vả lại nền công nghiệp xe đạp cũng lụi tàn, trong khi không đổi hướng kinh doanh nên từ vị trí một đại gia, ông Khánh dần biến mất trên biểu đồ doanh nghiệp đất Cảng. Cả đời ông chỉ biết cống hiến cho khoa học, dành hết tâm trí cho khoa học nên đâu có hiểu được những lắt léo của cuộc đời. Không thiết làm ăn nữa, chán đấu đá cuộc đời, ông Vũ Hồng Khánh làm một việc kỳ quặc, ấy là xây mộ cho vợ chồng mình, khi ông vừa đến tuổi 60. Làm xong ngôi mộ, ông lại lao vào nghiên cứu và sáng chế ra nhiều thứ có giá trị. Ông Khánh từng dẫn tôi tham quan khu nhà xưởng sáng chế của ông. Có tới cả chục máy móc được ông sáng chế và thử nghiệm. Đình đám nhất là hệ thống xử lý rác tự động, biến rác rưởi thành chất đốt, thậm chí tách xuất thành xăng, dầu. Rồi máy ép dầu điều tự động, máy sản xuất điện di động, máy nghiền sắn tự động, máy sản xuất ôxi từ nước lã làm nhiên liệu hàn. Ông còn ấp ủ tham vọng dùng nước lã làm nhiên liệu chạy ôtô. Các sáng chế của ông được người con trai Vũ Văn Hòa từng bước đưa vào ứng dụng. Tuy nhiên, thất bại nhiều hơn thành công. Mấy lần do bất cẩn, hệ thống xử lý rác thải tự động bốc cháy, tiêu tan nhiều tỉ đồng. Và kết cục, đến ngôi mộ của bố cũng bị anh đem gán nợ ngân hàng, để đến mức, nhà nghiên cứu, đại gia lừng danh đất Cảng một thời có nguy cơ phải ra đường ở.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo VTC News