Chủ đầu tư Keangnam, Richland Southern... chây ì tiền quỹ bảo trì

19/01/2014 07:34
Hồng Anh
(GDVN) - Cư dân các dự án: Keangnam, Sky City, Golden West Lake, The Manor gửi đơn kiến nghị tập thể lên UBND TP.HN yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn trả lại phí bảo trì.

Hàng loạt chủ đầu tư chây ì tiền quỹ bảo trì của cư dân

2% trên giá trị hợp đồng là số tiền quỹ bảo trì mà tất cả khách hàng sẽ phải trả khi mua một căn hộ chung cư. Theo quy định hiện hành, sau khi đi vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này cho ban quản trị khu nhà do người dân bầu ra để thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho tòa nhà. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều chủ đầu từ đang chây ì trong việc bàn giao số tiền này gây bức xúc cho người dân sinh sống tại tòa nhà. 

Vừa bước sang năm 2014, gần 200 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Richland Southern (9A, ngõ 233, Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN) đã bất ngờ bị cắt hết các dịch vụ quản lý cho tòa nhà. Không lễ tân, không nhân viên trực kỹ thuật,... thậm chí, không có người làm vệ sinh là thực trạng tại tòa nhà này hiện nay. Bởi vậy mà lần đầu tiên rác chất đống tại một chung cư cao cấp.

Lý do là chủ đầu tư của tòa nhà - Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lâm Viên đã đơn phương cắt hợp đồng với đơn vị quản lý tòa nhà. Trong khi chưa bàn giao lại phí bảo trì cũng như việc vận hành tòa nhà cho ban quản trị - là những người đại diện cho cư dân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tòa nhà bị rơi vào tình trạng "đem con bỏ chợ".

Khu vực lễ tân tại khu chung cư Richland Southern bỏ không. (Ảnh Vietnamnet chụp ngày 4/1/2014)
Khu vực lễ tân tại khu chung cư Richland Southern bỏ không. (Ảnh Vietnamnet chụp ngày 4/1/2014)
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Ban quản trị khu nhà Richland Southern cho biết: "Theo quy định của pháp luật, một tòa nhà chung cư cao cấp thì phải thuê một đơn vị quản lý chuyên nghiệp. Trước đây, tòa nhà này do chủ đầu tư trực tiếp thuê một đơn vị quản lý để vận hành, quản lý tòa nhà. Theo luật, sau khi tòa nhà vận hành được một năm, chủ đầu tư sẽ thành lập một ban quản trị. Như vậy, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao cho ban quản trị chịu trách nhiệm.
Thực tế, chúng tôi đã thành lập ban quản trị theo đúng luật định. Trong 4 - 5 tháng vừa qua, giữa ban quản trị và chủ đầu tư đã cố gắng tiến hành các công việc cần thiết để thực hiện công tác bàn giao giữa chủ đầu tư và ban quản trị. Nhưng trong quá trình bàn giao, giữa hai bên chưa tìm được tiếng nói chung".
Tương tự như trường hợp của chung cư Richland Southern, mặc dù đã đi vào sử dụng được 2 năm nay, nhưng cho đến giờ cư dân của Keangnam vẫn chưa được chủ đầu tư chuyển giao 2% phí bảo trì cho ban quản trị tòa nhà. Với ước tính khoảng 200 tỷ đồng, số tiền này hiện đang ở đâu và được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích gì không ai có câu trả lời.
Ông Phạm Xuân Đại, đại diện Ban quản trị Keangnam cho rằng: "Tòa nhà Keangnam, quỹ 2% rơi vào khoảng gần 10 triệu USD, tức vào khoảng 200 tỷ đồng Việt Nam. Đây là một con số không nhỏ, với số tiền này nếu gửi ngân hàng sẽ thu lãi hàng tháng rất lớn. Chưa kể việc chủ đầu tư sẽ đem đi kinh doanh. Không loại trừ trường hợp số tiền này sau khi đem đi kinh doanh bị thất thoát và thua lỗ. Nếu như vậy, không viết sẽ lấy đâu để bù đắp và trả lại cho người dân". 

Kẽ hở của luật nằm ở đâu?

Bức xúc trước việc làm của các chủ đầu tư, mới đây cư dân sống tại một loạt các dự án như Keangnam, Sky City, Golden West Lake, hay The Manor đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu can thiệp, buộc chủ đầu tư phải hoàn trả lại phí bảo trì cho người dân.
"Chừng nào mà chủ đầu tư chưa trả số tiền bảo trì cho cư dân, có nghĩa là khoản tiền lãi đó chủ đầu tư vẫn được hưởng. Trong khi, pháp luật mới chỉ quy định chung chung là chủ đầu tư có nghĩa vụ chuyển khoản tiền bảo trì cho cư dân, mà không nói cụ thể trong trường hợp chưa chuyển phải có chế tài. Ví dụ cụ thể như trả cả tiền lãi hay đóng tiền phạt. Bởi đây là điều gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cư dân", ông Đặng Trọng Hiếu, đại diện Ban quản trị Sky City chỉ ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico cho biết: "Về căn bản, trong trường hợp chủ đầu tư có dấu hiệu không trả tiền bảo trì cho cư dân, ban quản lý khu chung cư có thể mạnh bạo hơn bằng cách thực hiện một vụ kiện dân sự, thì chắc chắn lợi thế sẽ nghiêng về ban quản lý chung cư".
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, chừng nào chưa có những quy định cụ thể về chế tài thì câu chuyện về quyền quản lý quỹ bảo trì chung cư sẽ vẫn chỉ là những cuộc tranh cãi không hồi kết.

Đồng thời, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nếu các văn bản luật không có chế tài để xử lý các chủ đầu tư vi phạm thì tình trạng các chủ đầu tư chây ì, chiếm dụng quỹ trên sẽ xảy ra phổ biến hơn. Đó là chưa kể vốn đó được sử dụng vào mục đích khác và không có khả năng thu hồi, trả lại cho cư dân sinh sống tại các tòa nhà. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm có rà soát tổng thể với các dự án chung cư để có biện pháp bảo toàn nguồn vốn trên kịp thời./.

Nguồn VTV

Hồng Anh