Chủ tịch Vinashin nhẹ nhõm khi giải quyết xong "núi nợ khổng lồ"

11/10/2013 14:24
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - "Trong cả tháng vừa qua, chúng tôi rất mệt mỏi, căng thẳng khi đàm phán với chủ nợ để phát hành trái phiếu. Xử lý xong thấy nhẹ cả người", Chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự cho biết.
Đây là thông tin chính thức được tập đoàn này công bố tại buổi họp báo tối qua (10/10). Cụ thể tại buổi họp báo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin - Nguyễn Ngọc Sự cho biết nghĩa vụ của Vinashin theo hợp đồng vay cũ (tổng giá trị 626 triệu USD) sẽ được hoán đổi lấy trái phiếu do Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) phát hành có thời hạn 12 năm, lãi suất 1% một năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn.

"Toàn bộ khoản trái phiếu này đã được lưu ký và ngày 11/10 sẽ chính thức niêm yết trên thị trường Singapore", lãnh đạo tập đoàn cho hay.

Lãnh đạo Vinashin trong buổi họp báo công bố hoán nợ tối 10/10.
Lãnh đạo Vinashin trong buổi họp báo công bố hoán nợ tối 10/10.

Chia sẻ cảm xúc sau khi giãn được khoản nợ then chốt trong "núi nợ khổng lồ" trị giá 70.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), lãnh đạo Vinashin và Bộ Tài chính cho biết đều cảm thấy rất "nhẹ nhõm".

"Trong cả tháng vừa qua, chúng tôi rất mệt mỏi, căng thẳng khi đàm phán với chủ nợ để phát hành trái phiếu. Xử lý xong thấy nhẹ cả người", Chủ tịch Vinashin cho biết.

Trong 3 năm qua, Vinashin phải đối phó với các vụ kiện do một số chủ nợ của khoản vay trên tiến hành tại Tòa án tối cao Luân Đôn.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của các chủ nợ thiện chí để đi đến một thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng với tất cả các chủ nợ của khoản vay.

Tại hội nghị chủ nợ tổ chức tại Singapore ngày 5/8 vừa qua, Vinashin đạt được 64,71% sự chấp thuận của chủ nợ đại diện cho 79,35% số nợ biểu quyết thông qua “Thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng” do Vinashin đề xuất.

Dựa trên cơ sở đó, ngày 4/9, Tòa thượng thẩm Luân Đôn đã ra phán quyết phê chuẩn “Thỏa thuận tái cấu trúc trong trong tố tụng” do Vinashin đệ trình lên. Với phán quyết này, hợp đồng vay cũ sẽ không còn hiệu lực và tất cả các chủ nợ phải chấp thuận “Thỏa thuận tái cấu trúc trong trong tố tụng” của Vinashin. Các nghĩa vụ của tập đoàn này theo hợp đồng vay cũ sẽ được hoán đổi lấy trái phiếu do DATC phát hành với thời hạn 12 năm (lãi suất 1%/năm), thanh toán cả gốc và lãi 1 lần trong thời gian đáo hạn.

Liên quan đến kế hoạch thu xếp tài chính để trả nợ khi trái phiếu đến hạn, ông Sự cho hay sẽ dùng nguồn từ việc xử lý hơn 200 đơn vị trong tập đoàn và khi kinh doanh, Vinashin sẽ trích một số khoản thu vào quỹ tích lũy trả nợ. "Hy vọng sau 12 năm sẽ trích đủ để trả nợ", vị thuyền trưởng này cho biết.

Đai diện Vinashin cũng cho biết, phương án hoán đổi khoản nợ thành trái phiếu do DATC phát hành là "có lợi nhất cho Vinashin" bởi theo quy định "có vay có trả", đáng ra từ năm 2010 tập đoàn đã phải thanh toán 60 triệu USD tiền gốc và khoảng 5 triệu USD tiền lãi, song đến nay Vinashin mới trả 5 triệu USD và khi được tái cơ cấu, số còn lại sẽ được thanh toán sau 12 năm với lãi suất chỉ 1% một năm.

Trong khi đó theo ông Phạm Thanh Quang – Tổng Giám đốc DATC, trong số 200 doanh nghiệp thuộc Vinashin số doanh nghiệp mà nhà nước chiếm 100% vốn tại Vinashin khoảng 70 đơn vị. Nhà nước sẽ xem xét tái cơ cấu số doanh nghiệp này trên tinh thần phải giữ lại tài sản cho Nhà nước. 

Về cách xử lý khoản nợ xấu Vinashin của DATC, ông Quang nói: “Nguồn lực cũng không cần quá nhiều tiền. Trước mắt, chúng tôi sẽ lấy tiền từ nguồn vốn chủ sở hữu của DATC để mua lại một số khoản nợ của ngân hàng. Có một số chủ nợ có thể bán rất rẻ, chỉ 30% trở lại. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ can thiệp để các khoản nợ được kéo dài thời hạn trả nợ, lãi suất cho vay cũng giảm nhiều so với hợp đồng...”

Ông Phạm Thanh Quang cho biết, các khoản nợ được DATC mua lại chỉ bằng 20-30% giá trị. Vinashin vẫn là tập đoàn quan trọng với đất nước, với Chính phủ do vậy việc tái cấu trúc Vinashin là nhiệm vụ của bản thân tập đoàn và cũng là của Chính phủ, các bộ ngành liên quan.

Được biết trong 12 năm, Vinashin phải kinh doanh để trả nợ cho DATC, từ đó công ty có nguồn thanh toán cho chủ nợ quốc tế. Trường hợp Vinashin không trả nổi số nợ đó, Chính phủ phải trả nợ thay, không thiếu một đồng cho các chủ nợ nước ngoài.
Hồng Minh (Tổng hợp)