“Chúa tể thảo nguyên” mê hoặc dân chơi Hà thành

24/04/2011 07:27
Mỗi chú chó ngao Tây Tạng có giá cả trăm triệu đồng nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại mua về...

Mỗi chú chó ngao Tây Tạng có giá cả trăm triệu đồng nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại mua về, có lẽ họ bị mê hoặc bởi dáng vóc dũng mãnh và nhiều chuyện huyền hoặc về loài “siêu khuyển” này

Từ khi chú chó ngao Tây Tạng đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội cách đây 2 năm, phong trào nuôi loài “chúa tể của thảo nguyên” này ngày càng có xu hướng phát triển rầm rộ. Vài tháng nay, người chơi chó ngao Tây Tạng tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để sở hữu một con “siêu khuyển”.

Đáng giá cả gia tài

Dân chơi và giới buôn chó ở Hà Nội thường khẳng định: “Có một con ngao Tây Tạng trong nhà là có cả một gia tài”. Giá của chó ngao Tây Tạng ngay ở Trung Quốc cũng rất đắt. Tại Hà Nội, những người sở hữu “siêu khuyển” đều “trọng chó khinh tiền”. Nếu ai đó trả giá hỏi mua chú ngao Tây Tạng thì rất dễ làm chủ nhân của nó bực mình.

Ở Hà Nội, anh Phạm Mạnh Hùng nổi tiếng trong giới chơi chó ngao Tây Tạng. Anh cũng chính là người mang về Hà Nội chú “siêu khuyển” đầu tiên. Đến nay, Hùng là người duy nhất ở Hà Nội sở hữu đến 2 con ngao Tây Tạng, con đực 18 tháng và con cái 14 tháng tuổi.

Hùng cho biết mới đây, khi anh dắt 2 con ngao Tây Tạng của mình đi tập thể dục trên đường thì có một người đàn ông đi ô tô ngang qua nằng nặc đòi xem. Sau một hồi quan sát, ông ta ngỏ ý đổi chiếc xe đang đi lấy một chú “siêu khuyển”. Anh Hùng tỏ vẻ phật ý: “Tôi bỏ tiền ra mua chúng về để nuôi chơi chứ có phải buôn bán gì đâu!”.

Một chú chó ngao Tây Tạng đang được huấn luyện tại PDS
Một chú chó ngao Tây Tạng đang được huấn luyện tại PDS.

Hùng cho biết mỗi lần anh dắt 2 con ngao Tây Tạng ra đường là luôn “gặp phiền phức” vì hết người này đòi ngắm đến người khác gạ gẫm hỏi mua. “Có người trả giá đến 200 triệu đồng rồi đấy nhưng tôi luôn từ chối” - Hùng khẳng định. “Thế, mỗi con ngao Tây Tạng của anh ngoài thị trường đáng giá bao nhiêu?” - chúng tôi thắc mắc. Hùng chỉ chiếc xe máy SHi 150 đời mới của anh dựng trong nhà, bảo: “Lúc tôi mới mua về, nó đã có giá bằng chiếc xe ấy”.

Chú ngao Tây Tạng đực của Hùng được dân chơi và giới buôn chó ở phía Bắc tặng biệt danh“Hà thành đệ nhất ngao Tạng”. Anh tiết lộ: “Bố mẹ của con ngao Tây Tạng này đều là những con có “số má” ở Trung Quốc mà nhiều đại gia bên đó cũng phải mơ ước. Tôi có người nhà ở Trung Quốc nên may mắn mua được con này trong đàn chó mới sinh lúc nó mới 2 tháng tuổi”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS (thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm - Hà Nội),  nơi đang huấn luyện một số chó ngao Tây Tạng, cho biết: “Ở Trung Quốc, giá một con ngao Tây Tạng loại bình thường thôi đã 1.500 USD. Tuy nhiên, để đưa được nó về Hà Nội, người mua phải bỏ ra một khoản phí tương đương như vậy nữa”. Chủ nhân của “Hà thành đệ nhất ngao Tạng” thì khẳng định: “Một con ngao Tây Tạng được coi là chuẩn tại Trung Quốc cũng đã có giá không dưới 100 triệu đồng”.

Cách đây không lâu - đầu năm 2011, dư luận ở Trung Quốc từng xôn xao khi một tỉ phú ngành bất động sản ở nước này đã bỏ ra 1,6 triệu USD để mua một chú chó ngao Tây Tạng có bộ lông đỏ rực độc nhất vô nhị. Trước đó, một nữ tỉ phú ở Trung Quốc cũng bỏ ra 1,3 triệu USD sắm “chúa tể của thảo nguyên” và dùng cả đoàn xe Limousine để đón nó về nhà.

Tốn của, lại tốn công


Đem được một chú chó ngao Tây Tạng về tới Hà Nội là cả một hành trình vất vả. Muốn đưa động vật qua cửa khẩu phải có rất nhiều loại giấy tờ chứng nhận và thực hiện đầy đủ các thủ tục tiêm phòng ở trạm kiểm dịch thú y. Hầu hết các chú chó được mang về theo con đường chính thống như vậy đều khó có thể khỏe mạnh do bị tiêm quá nhiều thuốc. Anh Hùng kể: “Tôi phải nhờ những người vác hàng bằng đường tiểu ngạch cõng chú ngao Tây Tạng của mình qua biên giới”.

Anh Phạm Mạnh Hùng và chú chó “Hà thành đệ nhất ngao Tạng” của mình

Anh Phạm Mạnh Hùng và chú chó “Hà thành đệ nhất ngao Tạng”
của mình.

Đưa về đã khó nhưng để nuôi được loại “siêu khuyển” này cũng là thách thức với bất kỳ ai. Nhà anh Hùng có hẳn một phòng riêng rộng gần 20 m2 cho chú chó 18 tháng tuổi do chính anh thiết kế trên lầu. Có nguồn gốc từ vùng thảo nguyên cao trên 2.000 m, chó ngao Tây Tạng lông rất dày nhưng khi đem về nuôi ở TP, chúng thường bị rụng lông. Bờm quanh cổ chúng tựa bờm sư tử cũng rất dễ rụng dần. Anh Hùng cho biết: “Ngoài sữa tươi và thức uống canxi, thuốc bổ các loại…, người nuôi phải bổ sung cho chúng thịt bò tươi bởi chó ngao Tây Tạng vốn có nguồn gốc hoang dã. Có thịt tươi thì lông của chúng mới mượt”.

Mỗi tháng, một con chó ngao Tây Tạng ngốn của chủ không dưới 5 triệu đồng tiền ăn, kèm theo đó là rất nhiều thời gian và công sức chăm sóc. Hằng ngày, người nuôi chó ngao Tây Tạng phải dắt chúng đi “tập thể dục” để giữ được thể lực sung mãn và dáng vóc dũng mãnh. Loài “siêu khuyển” này đến tuổi trưởng thành có thể đạt trọng lượng 120 kg. Mỗi con ngao Tây Tạng của anh Hùng đang ở tuổi “trẻ con” đã nặng trên 60 kg. Phải từ 4-5 tuổi, con đực mới trở thành “đàn ông” thực sự, còn con cái phải bước sang tuổi lên 3 mới có thể sinh sản.

Khi anh Hùng mới mang chú ngao Tây Tạng 2 tháng tuổi về nhà, nhiều người cứ ngỡ nó là một sư tử con. Nay tuy bờm ở cổ của chú chó tên Bin này đã rụng nhiều nhưng nó vẫn còn đầy vẻ dũng mãnh. Hầu hết các chủ nhân của chó ngao Tây Tạng phải gửi chúng đến các trung tâm huấn luyện với chi phí cho khóa học khoảng 10 triệu đồng.

Sống chết với chủ


Ngao Tây Tạng có sức hút mãnh liệt, tạo nên cơn sốt với giới dân chơi có lẽ chúng là loại chó kỳ lạ nhất ở cả vóc dáng, phẩm chất lẫn những câu chuyện đầy huyền hoặc. Tại Trung Quốc, không biết bao nhiêu giấy mực đã tốn vì loài chó được mệnh danh là “sư tử núi tuyết”, “chúa tể của thảo nguyên” này. Hai cuốn tiểu thuyết thuộc hàng best- seller ở Trung Quốc trong những năm gần đây, Mật mã Tây Tạng của Hà Mã và Chó ngao Tây Tạng của Vương Chí Quân, đều ca ngợi đây là loài chó bước ra từ thần thoại, mang những đặc tính phi thường.

Với kinh nghiệm gần 20 năm tìm hiểu về các loại chó ngao, khi lần đầu tiên nhìn thấy ngao Tây Tạng, ông Nguyễn Mạnh Hà  cũng phải sững sờ vì vẻ đẹp và sự hùng dũng của chúng. “Ấn tượng nhất ở ngao Tây Tạng là bộ lông và đôi mắt. Mắt ngao Tây Tạng không giống chó thông thường mà tinh anh và sáng như mắt người”- ông Hà miêu tả.

Loài ngao Tây Tạng là chiến binh của thảo nguyên. Chúng từng được đội quân của Thành Cát Tư Hãn sử dụng để thống trị và chế ngự các loài thú hung dữ ở thảo nguyên. Giống chó Matiff khổng lồ ở châu Âu được cho là có nguồn gốc từ ngao Tây Tạng. Ngao Tây Tạng còn đủ sức mạnh đánh bại cả gấu, hổ, báo, sư tử. Trước đây, chúng được các nhà thám hiểm châu Âu dùng làm quà tặng cho các vị hoàng đế. Dù đến tận cuối thế kỷ XVIII, người ta mới phát hiện giống chó này nhưng bộ gien của ngao Tây Tạng đã được giải mã là xuất hiện từ 5.000 năm trước, có nghĩa chúng là loài chó cổ xưa nhất thế giới.

Trung thành là phẩm chất nổi bật của loài “siêu khuyển” này. Chó ngao Tây Tạng chỉ trung thành với một chủ và sống chết với người duy nhất ấy. Phẩm chất tuyệt vời của “sư tử núi tuyết”  được Vương Chí Quân ca ngợi trong Chó ngao Tây Tạng: “Trong mắt những người du mục trên thảo nguyên, sói là giống đạo tặc, tùy tiện, vô liêm sỉ, bắt nạt kẻ yếu, khúm núm, sợ kẻ ác, mềm nắn rắn buông, vong ân bội nghĩa, hại người lợi mình. Ngao Tạng, hoàn toàn trái lại, trung thành với chủ, thấy việc bất bình nhất định chẳng tha, dũng mãnh, bất khuất. Suốt đời sói chỉ chiến đấu cho bản thân mình, còn ngao Tạng suốt đời chiến đấu vì người khác. Sói dĩ thực vi thiên, ngao Tạng dĩ đạo vi thiên. Sự chiến đấu của ngao Tạng là vì sự trung thành, vì đạo nghĩa, vì trách nhiệm. Sói và ngao Tạng không thể có ngôn ngữ chung”…

Theo nhiều dân chơi và giới buôn chó, con ngao Tây Tạng đầu tiên được nhập về Việt Nam vào năm 2008. Từ đầu năm 2011 đến nay, dường như nắm bắt được nhu cầu muốn sở hữu loài “siêu khuyển” này của nhiều đại gia, đã có đầu mối nhập chó ngao Tây Tạng về với giá khá rẻ, chỉ 30 triệu đồng/con.

Ông Nguyễn Mạnh Hà nhận xét: “Giá rẻ như vậy thường không phải là giống thuần chủng. Hơn nữa, qua quá trình quan sát, chúng tôi nhận thấy dường như ngao Tây Tạng không thích hợp với điều kiện khí hậu ở ta, nhất là khi chúng được nuôi nhốt trong TP”.

Không chỉ bộ lông dày của chó ngao Tây Tạng bị rụng dần mà khi không còn được sống trong môi trường quen thuộc là thảo nguyên ngút ngàn với khí hậu khắc nghiệt, loài chó này trở nên chậm chạp và nặng nề hơn.

“Nhiều người đã nhìn thấy lợi nhuận từ việc nuôi chó ngao Tây Tạng. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, họ có thể đi theo vết xe đổ của phong trào nuôi chó Nhật đầu những năm 1990 khiến nhiều người khuynh gia bại sản, thân bại danh liệt”- ông Hà cảnh báo.

Theo Người lao động