Chuyên gia kinh tế: "Xăng giảm 30 đồng là cái cớ để tăng giá"

12/09/2014 08:10
Hồng Minh
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu thời gian tới giá xăng tăng dư luận có quyền đặt nghi vấn động thái giảm 30 đồng/lít vừa qua chỉ là cái cớ.

Nếu để thống kê, đợt giảm giá xăng ngày 9/9 vừa qua đã là lần thứ 5 trong khoảng thời gian hơn 40 ngày giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm xuống. Tuy nhiên điều đặc biệt khi giá xăng lần này giảm 30 đồng/lít, một mức giảm kỷ lục.

Mặt khác tính từ đầu năm đến nay, giá xăng sau khoảng thời gian liên tục tăng cao lại liên tục giảm nhanh chóng, giá xăng điều chỉnh giảm liên tục với mật độ liên tục ít nhiều giảm đi khó khăn cho người dân nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. 

Xăng giảm 30 đồng chỉ lấy con số để báo cáo (ảnh nguồn Internet)
Xăng giảm 30 đồng chỉ lấy con số để báo cáo (ảnh nguồn Internet)

Mặc dù vậy với mức giảm thấp kỷ lục 30 đồng/lít xăng như lần điều chỉnh gần đây, dư luận đặt ra vấn đề mức giảm nhỏ giọt như vậy giải quyết được vấn đề gì? Tác động như thế nào đến giá cả các mặt hàng?.

Trao đổi với phóng viên, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng: Mức giảm 30 đồng/lít xăng là mức giảm nhỏ giọt và không có nhiều tác động đến giá cả thị trường mà chỉ góp phần tăng thêm con số báo cáo số lần giảm giá xăng.

“Vấn đề hiện nay nếu giá xăng dầu thế giới đang tăng lên hoặc không giảm đi nhưng vẫn quyết định giảm 30 đồng/lít trong bối cảnh Chính phủ vừa ra Nghị định mới để lấy lòng xã hội lại chuyện mẹo kỹ thuật”, TS Phong nhận định.

Theo Nghị định kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành chiều 4/9, các doanh nghiệp muốn tăng giá từ 3% trở lên phải gửi đăng ký, kê khai giá chờ ý kiến của liên bộ Tài chính - Công thương.

Theo đó sau khi tính toán yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới liên bộ. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của thương nhân đầu mối, liên bộ có văn bản trả lời về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá. Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu liên bộ không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh không được vượt quá 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó.

Với nghị định mới, chắc chắn giá xăng ở mỗi lần điều chỉnh tăng sẽ cao hơn rất nhiều mức tăng vừa qua. Xuất phát từ thực tế này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhân thời điểm dư luận đang phàn nàn về việc cho doanh nghiệp được tăng giá xăng từ 3% trở lên, do vậy cần tạo một tiền lệ giảm giả xăng qua đó tạo nên sự phấn khởi, sau đó sẽ tăng giá xăng.

Phân tích cụ thể, sau khi tạo tiền lệ giảm giá, tạo phấn khởi cho người dân doanh nghiệp sẽ tăng giá, nếu dư luận thắc mắc khi đó doanh nghiệp bao biện có giảm có tăng, vì thế trong tháng tới nếu có động thái tăng giá xăng, mức tăng cao hơn do nghị định mới… dư luận có quyền đặt nghi vấn việc giảm giá xăng như vừa qua chỉ là cái cớ để tăng gái xăng, để bù khoản giảm giá trước đó.

Theo ông Phong, để tránh “tiếng xấu” giảm giá nhỏ giọt cơ quan quản lý cần đưa ra lý giải cụ thể nguyên nhân việc tăng lên hoặc giảm đi giá xăng. Cơ quan quản lý muốn cho người dân thấy cách điều hành giá xăng dầu bám sát với thị trường thế giới hơn. Tuy nhiên dù giảm 30 đồng hay 300 đồng nếu không đưa ra căn cứ cụ thể không thuyết phục được dư luận xã hội sẽ dẫn đến việc dư luận hoài nghi. 

“Thậm chí nếu như việc giảm 30 đồng chỉ nhằm thêm thành tích việc giảm giá xăng dầu làm con số thống kê thì đó không có ý nghĩa, không có lợi ích xã hội”, TS Phong nói. 

Trong khi đó theo TS Lê Đăng Doanh, người dân cần phải làm quen với việc tăng giảm giá xăng dầu trên thị trường bởi chúng ta đang hướng đến mục tiêu giá xăng dầu trong nước bám sát giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Có nghĩa giá xăng trong nước sẽ giảm cùng với giá xăng thế giới và ngược lại.

Về con số giảm 30 đồng như vừa qua, theo ông Doanh nếu cơ quan quản lý đưa ra lý giải về mức giản giá này một cách cụ thể sẽ là mấu chốt vấn đề cũng như giải được những nghi vấn của người dân. Vấn đề phải chứng minh được việc giảm giá tăng giá xăng dầu bám sát được thị trường thế giới.

Hồng Minh