Chuyên gia tài chính ngân hàng: Nợ của HAGL không phải nợ xấu!

08/05/2012 10:29
Bình An
(GDVN) - Tuy nhiên cũng theo chuyên gia ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, vì chưa nắm được báo cáo tài chính cụ thể của DN nên không thể đánh giá chính xác nhất...
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tính đến 31/12/2011, tổng nợ phải trả là 15.493 tỷ đồng, tăng hơn 5.200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng tài sản của HAGL là 25.576 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên tài sản là 63%.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu
Tuy chưa xem qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, nhưng theo TS Hiếu, ở tỷ lệ 63% chưa nói lên điều gì vì con số này rất chung chung đối với một doanh nghiệp. Muốn biết số nợ đó có đáng báo động hay không cần phải 'soi" số vốn của doanh nghiệp trên chủ sở hữu.
“Nếu thực sự tổng số nợ là 63% trên tổng số nợ và vốn sở hữu, ngoài ra còn có những số nợ như nợ nhân viên, nợ nhà cung cấp vậy phải lấy tổng số nợ chia cho vốn sở hữu mới có thể thấy số nợ đó cao hay không”, TS Hiếu phân tích.
 
TS Hiếu nhấn mạnh, nợ trên không phải nợ xấu vì trong đó có số nợ vẫn trả tốt. Nếu biết nợ đó có xấu hay không phải xem xét kỹ báo cáo tài chính của HAGL.

Thời gian gần đây, nhiều đồn đoán về việc HAGL lâm vào nợ nần sau khi công ty này tung ra gói khuyến mại giảm giá tới 50% căn hộ tại một số dự án bất động sản trong quận 7. Lãnh đạo HAGL khẳng định, công ty không bán phá giá bất động sản mà chỉ là đưa ra giá thấp hơn do có lợi thế về chi phí, giá thành.

Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc họ có tài sản, họ giảm giá, họ nợ Sở thuế không có nghĩa là họ chậm lãi, chây ì trong vấn đề trả nợ. Trong lúc giảm giá BĐS nhưng họ vẫn thanh toán sòng phẳng cho ngân hàng. Còn việc nợ thuế, chây ì thuế cũng không thể nói họ sẽ đối xử với các ngân hàng như vậy.

Năm 2011, thị trường chứng khoán suy giảm liên tục từ đầu năm đến nay đã kéo theo sự giảm giá mạnh của một loạt cổ phiếu, cùng với đó là tài sản của các doanh nhân cũng “bốc hơi” theo. Người bị thiệt hại nhiều nhất chính là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – chủ tịch của HAGL. Cộng với việc bất động sản "đóng băng" khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến “số phận” của HAGL.

Đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, TS Hiếu chia sẻ kinh nghiệm: Có thể nhìn trong bảng báo cáo lời lỗ của HAGL, sau đó làm phép tính “lấy tiền lãi sau trả thuế + các khoản khấu hao + tiền lãi trả cho ngân hàng/ tiền gốc phải trả mỗi năm cho ngân hàng + lãi, nếu tỷ lệ trên 1 thì tốt nhưng dưới 1 thì đáng báo động".
“200 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng/quý là con số lớn nhưng so với lợi nhuận của doanh nghiệp thì đó lại không quá lớn nếu doanh nghiệp lãi cả nghìn tỷ đồng/quý. Con số tuyệt đối phải so sánh với một con số khác mới có thể quyết định được là số tiền đó có lớn hay không?”, TS Hiếu chia sẻ.
Bình An