Có nên ngừng đổi đất lấy hạ tầng?

08/07/2018 06:19
Thành Nam
(GDVN) - BT là hình thức “thuận nhà nước, lợi doanh nghiệp và hài lòng xã hội”, rất phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.

Tuy được đánh giá là “thuận nước, lợi doanh, hài lòng dân” và là phép màu thu hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông nhưng gần đây có một số ý kiến đề nghị dừng thực hiện hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT - đổi đất lấy hạ tầng). 

“BT không có tội”

Hợp đồng BT là hình thức đổi đất lấy hạ tầng giữa chính quyền với nhà đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư chi tiền làm các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, cầu cống, công trình xử lý nước... 

Sau khi hoàn thành xây dựng, nghiệm thu công trình, nhà đầu tư bàn giao cho chính quyền vận hành, khai thác. 

Vốn đầu tư công trình được chính quyền trả cho nhà đầu tư bằng đất, có giá trị bằng tổng vốn đầu tư cho công trình đã được phê duyệt. Nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đúng mục đích sản xuất kinh doanh. 

Đầu tư theo hình thức BT tạo nhiều thuận lợi phát triển hạ tầng, nếu có sai phạm là do những cá nhân thực hiện. ảnh minh họa: TTXVN.
Đầu tư theo hình thức BT tạo nhiều thuận lợi phát triển hạ tầng, nếu có sai phạm là do những cá nhân thực hiện. ảnh minh họa: TTXVN.

Thời gian qua hầu hết các dự án BT trong cả nước đều đầu tư vào công trình giao thông nhằm giải tỏa bức xúc của người dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Nhưng gần đây, có một số ý kiến đề xuất bỏ loại hợp đồng này. Trong 5 dự án BT mà Hà Nội vừa cấp chủ trương đầu tư, có một số dự án khiến dư luận, báo chí nghi ngờ chưa minh bạch, trao nhiều đất cho nhà đầu tư, mức giá đất thấp, dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước… Thậm chí có ý kiến đề nghị Hà Nội ngừng thực hiện BT. 

Tuy nhiên, các nghi ngờ đó mới đây đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội làm rõ trong cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí. 

Qua đó, Hà Nội khẳng định các dự án BT trên địa bàn đều đúng quy định, minh bạch, không gây thất thoát tài sản. 

Có nên ngừng đổi đất lấy hạ tầng? ảnh 2Cơ chế đặc thù triển khai các dự án giao thông theo đối tác công tư tại Hà Nội

Theo đại diện Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, việc báo chí nêu tổng đất đổi cho 5 dự án lên tới 700 ha là chưa chính xác, thực tế là 270 ha và đất đối ứng thuộc diện “nghiên cứu” đổi cho nhà đầu tư, vì còn chờ đánh giá, kiểm toán xác định vốn đầu tư thực tế tại công trình rồi mới giao cho nhà đầu tư theo nguyên tắc ngang giá.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng:

Khung khổ pháp lý cho loại hình hợp tác công - tư này chưa bao quát đầy đủ, chưa tập trung, quá trình thực hiện ở một số dự án gây nghi ngờ tham nhũng. 

Cũng có dự án như ở Hải Dương, đường giao thông mà nhà đầu tư làm cho chính quyền để đổi đất lại chủ yếu phục vụ cho khách hàng của nhà đầu tư này. Điều đó khiến dư luận bức xúc.

Như vậy, vấn đề BT thời gian qua là hàng rào pháp lý chưa hoàn thiện và khâu thực hiện ở một số nơi, một số dự án chưa tốt. Thực tế, loại hợp đồng này rất cần thiết, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.

Vì vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ và giới chuyên gia, nhà quản lý cho rằng “BT không có tội”.  

Vẫn phải trông chờ vốn từ… đất 

Có nên ngừng đổi đất lấy hạ tầng? ảnh 3Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Hiện các công trình giao thông trọng yếu có tổng nhu cầu vốn lên tới 500.000 tỷ đồng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác đang rơi vào tình cảnh không có vốn.

Người dân thì bức xúc vì đường xấu, ùn tắc, kẹt xe. Họ mất quá nhiều thời gian lưu thông, chi phí lưu thông lớn.  

Xưa nay, để làm các công trình trọng yếu, đặc biệt là giao thông, nguồn đầu tư chủ yếu từ vốn vay ODA và từ ngân sách. 

Nhưng theo chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Phạm Sanh, bình quân hàng năm, chi đầu tư cho hạ tầng chiếm khoảng 10% GDP (20 tỷ USD) từ ngân sách nhưng nước ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 30%. 

Ngân sách hạn hẹp, nợ công sắp kịch trần, khó vay thêm được nữa”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Nguồn ODA thì càng ngày càng giảm, vốn cũng đắt hơn do Việt Nam không còn là nước nghèo để hưởng ưu đãi của các nhà tài trợ. 

Vay thương mại thì không ngân sách nào chịu nổi. Trong khi đó, theo Giáo sư Võ, vốn hình thành từ đất đai lại vô cùng lớn. 

Chính vì vậy, việc huy động nguồn lực tư nhân phát triển hạ tầng đang được nhiều địa phương coi là “phép màu” và là xu thế phát triển chung của thế giới. 

Tại cuộc họp đánh giá quá trình thực hiện nghị quyết trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng cuối tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Bây giờ không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Phải xã hội hóa để nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người dân có lợi mới được”. 

Nhìn vào các công trình, dự án thực hiện theo hình thức BT ở Quảng Ninh và một số địa phương khác, có thể thấy cả 3 bên (nhà nước, doanh nghiệp, xã hội) đều có lợi.

Có nên ngừng đổi đất lấy hạ tầng? ảnh 4Hà Nội sẽ xây 4 cây cầu qua sông Hồng bằng nguồn vốn đổi đất lấy hạ tầng

Nhờ BT, trong 3 năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư vào các công trình trọng yếu trên địa bàn như hàng loạt đường nối với vành đai, cao tốc. 

Sân bay Vân Đồn chuẩn bị đưa vào hoạt động và cảng hành khách quốc tế Hòn Gai đang rầm rập xây dựng cũng được làm từ vốn BT. 

Doanh thu du lịch tăng đột biến. Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Đặc biệt, từ một tỉnh bị đánh giá là “lãng phí tiềm năng”, năm 2017 tổng thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng cao, đạt 38.600 tỷ đồng, tăng 28% so với chỉ tiêu Trung ương giao và cao thứ 6 trong 63 tỉnh, thành. 

BT đã khiến Quảng Ninh lột xác, tăng tốc, người dân không chỉ được hưởng lợi về giao thông mà còn về mức sống, thu nhập, việc làm. 

Ngay cả đất đai ở Vân Đồn trước chỉ vài triệu đồng/m2, nay đã tăng hàng chục triệu đồng/m2”, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết. 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khái quát lợi ích từ BT: Lợi của nhà nước là huy động được vốn để thực hiện các công trình trọng yếu, giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thu cho ngân sách (trong đó có nguồn thu từ dự án hình thành từ đất đổi cho doanh nghiệp).

Doanh nghiệp chi tiền làm hạ tầng giao thông có thêm kinh nghiệm, việc làm và đặc biệt là được đổi lấy đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. 

Người dân và xã hội được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình kết cấu hạ tầng như giao thông và gián tiếp là tăng cơ hội việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống…

BT là hình thức “thuận nhà nước, lợi doanh nghiệp và hài lòng xã hội”, rất phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. 

Do tính chất quan trọng của BT, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, giữa tháng 5 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63, thay thế Nghị định số 15/2015 về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 

Tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng cần nhân rộng, học tập cách làm ở tỉnh Quảng Ninh để mở rộng hình thức này.

Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả của BT, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, cần tiếp tục minh bạch, mạch lạc hóa thể chế và thống nhất phạm vi của BT: Chỉ áp dụng đối với công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu.

Với các nước, để đầu tư cơ sở hạ tầng, ngân sách 7 và khu vực tư nhân 3 Việt Nam chúng ta ngược lại, ngân sách 3 và tư nhân 7. 

“Không làm cơ sở hạ tầng thì không phát triển, thậm chí thụt lùi đi sau các nước trong khu vực. 

Như vậy, việc thu hút vốn tư nhân được xem là phép màu cũng không có gì quá đáng”, ông Sanh nói.

Thành Nam