Cư dân Keangnam bị “cấm cửa” không cho về nhà

03/12/2011 19:25
Trần Nguyên
(GDVN) - Tranh cãi về thu phí dịch vụ, phía Ban quản lý tòa nhà Keangnam đã đơn phương “cấm cửa” thang máy và cắt điện của gần 400 hộ dân tại đây...

Cắt điện, khóa cầu thang máy ép cư dân đóng phí

Không chịu được cách hành xử của Ban quản lý tòa nhà Keangnam khi vô ý cắt điện, cầu thang máy, hôm nay (3/12) toàn bộ cư dân chung cư cao cấp Keangnam đã tập hợp kéo đến “quây” khu vực làm việc của Công ty Chestnut Vina, đơn vị quản lý tòa nhà, đòi lại quyền lợi của mình.

Trước đó, để ép cư dân phải đóng mức phí “khủng” do Keangnam đơn phương đưa ra, đơn vị này đã cho dán thông báo sẽ cắt cung cấp các dịch vụ, trong đó có việc sử dụng thang máy. Sau khi dán thông báo, từ ngày 26/11, BQL Keangnam đã cho tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ tại các sảnh, hành lang, lối ra hầm đỗ xe, bên trong hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn... khiến các vị trí này rơi vào cảnh tranh tối, tranh sáng - bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân Keangnam cho biết
Chăn, chiếu đã được cư dân mang đến văn phòng của Công ty Chestnut Vina để nghỉ ngơi và đòi quyền lợi khi điện, cầu thang máy đã bị "cấm cửa".
Chăn, chiếu đã được cư dân mang đến văn phòng của Công ty Chestnut Vina để nghỉ ngơi và đòi quyền lợi khi điện, cầu thang máy đã bị "cấm cửa".
Ban quản lý Keangnam đã cắt điện, không mở thẻ cho người dân đi thang máy về nhà là một việc làm quá đột ngột và bất ngờ đối với toàn bộ cư dân ở đây.

Đang đi làm cách nhà gần 20 km nhưng khi nghe người giúp việc thông báo là bị cắt điện, chị V (tầng 22) tá hỏa tự nhủ không hiểu vì sao mình đóng tiền điện nước đầy đủ mà vẫn bị cắt. Điện thoại cho nhân viên lúc 12h, chị V nhận được thông báo tình hình sẽ sớm được khắc phục, nhưng đến tận 15h vẫn chưa có điện. Trước sự việc quá vô lý, chị V đã xin nghỉ làm để chạy về nhà đưa hóa đơn cho nhân viên tòa nhà xem với mong muốn được mở lại điện để tối về cắm cơm cho con nhỏ.

Thực tế này cho thấy, không phải chỉ những hộ dân chưa đóng tiền là bị cắt điện, “cấm cửa” cầu thang mà những người đã thanh toán có hóa đơn đầy đủ cũng chịu chung cảnh khổ này. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung đòi lại quyền lợi của cư dân Keangnam “chúng tôi phải được về nhà”, "Công lý ở đâu sao Keangnam lại có thể làm vậy", "Hãy trả lại thang máy cho cư dân, ông Ha Jong Suk là kẻ “móc túi”….”, đã được cư dân đưa ra với mong muốn có được câu trả lời hợp lý từ phía chủ đầu tư tòa nhà.
Tờ rơi được cư dân Keangnam dán khắp nơi nhằm đòi lại lợi ích cho mình.
Tờ rơi được cư dân Keangnam dán khắp nơi nhằm đòi lại lợi ích cho mình.
Cùng cảnh với chị V, chị Thanh Huyền (phòng 1807) cũng là người đóng tiền từ rất sớm nhưng hôm nay nhà chị cũng bị cắt điện. "Phiếu thu của Chestnut tôi vẫn còn cầm đây  nhưng không hiểu sao trưa nay nhà tôi bỗng dưng bị cắt điện. Hơn thế nữa, cầu thang máy chỉ lên rồi xuống tầng 1 chứ khi lên đến tầng của tòa nhà dân ở thì không mở được. Nhiều gia đình có con nhỏ, bố mẹ đi làm về không lên được nhà, có sự cố gì thì ai là người chịu trách nhiệm", chị Huyền bực tức.

"Dịch vụ quản lý yếu kém và nghèo nàn"

Xuất phát từ việc đơn vị quản lý tòa nhà - Công ty Keangnam Vina muốn thu mức phí dịch vụ 18.843đ/m2/tháng; nhưng người dân sống tại đây cho rằng, mức phí này quá đắt và phi lý. Viện dẫn các quy định, họ chỉ đồng ý tạm đóng ở mức 4.000đ/m2/tháng trước khi có sự thỏa thuận về phí dịch vụ giữa cư dân và chủ đầu tư. Liên tục gửi các công văn đề nghị Keangnam Vina đối thoại, thỏa thuận về phí dịch vụ nhưng bị chủ đầu từ “làm ngơ” nên các hộ dân không thực hiện đóng phí.

Đại diện cư dân Keangnam khác là bác Bùi Xuân Trạch cho biết: Keangnam là một trong những chung cư hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, nhưng tai tiếng từ những sự cố xảy ra đã làm mất đi uy tín, mất đi những giá trị của nó, và đặc biệt là đã làm mất đi lòng tin từ cư dân sống trong tòa nhà.

Có thể nói trong tất cả các chung cư, thì phí dịch vụ ở Keangnam cũng nằm vào vị trí top đầu. Trong khi đó, việc phục vụ, quản lý ở đây là yếu kém và nghèo nàn, bac Trạch khẳng định.
Các hộ dân đã phải mang bếp than tổ ong đến văn phòng của Công ty Chestnut Vina để nấu ăn vì không được về nhà,
Các hộ dân đã phải mang bếp than tổ ong đến văn phòng của Công ty Chestnut Vina để nấu ăn vì không được về nhà,
Điển hình là vụ việc xảy ra gần đây nhất ngày 19/11/2011, cư dân đã tập hợp phản đối gay gắt về việc anh  Trần Thanh Hiền, chủ căn hộ A1803 bị nhóm côn đồ đánh trọng thương ngay tại sân chơi tầng 5.

“Chúng tôi không thể chấp nhận được cách làm thiếu văn hóa và bất chấp pháp luật của BQL Keangnam. Chúng tôi đã đóng phí đầy đủ nhưng họ vẫn lấy cớ chưa đóng và cắt điện không báo trước. Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn khi nhà chúng tôi mà mà lại bị đuổi ra. Cư dân đã chuẩn bị mọi đồ dùng sinh hoạt cần thiết để ngủ lại sân, phòng làm việc của toà nhà trong đâm nay để phản đối”.
Rất đông cư dân của chung cư Keangnam đã tập trung tại văn phòng làm việc của Chestnut Vina để được giải thích rõ việc cắt điện, và "cấm cửa" thang máy
Rất đông cư dân của chung cư Keangnam đã tập trung tại văn phòng làm việc của Chestnut Vina để được giải thích rõ việc cắt điện, và "cấm cửa" thang máy
"Khi không có cách nào để lên nhà của mình, cư dân ở đây đành “góp gạo” thổi cơm chung tại phòng làm việc của Chestnut Vina. Trên tinh thần đòi lại quyền lợi chính đáng của mình cư dân Keangnam mong muốn BQL tòa nhà có cách hành xử đúng đắn hơn", bác Trạch cho biết thêm.
Trần Nguyên