Cuộc sống giống như ly cà phê thơm ngon nguyên bản

24/05/2014 07:59
Đỗ Khoa
(GDVN) - “Cà phê ngon nguyên bản cần hòa quyện giữa hương và vị, nó ấp ủ đam mê tròn 5 hương vị từ chua thanh, đắng dịu, ngọt nhẹ quyện hòa cùng chút chát và hậu vị êm"

“Anh không thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì” - Đó là một lời tỏ tình bất hủ của chàng “ngốc” Forrest Gump trong bộ phim cùng tên. Phim Oscar năm nào của Hollywood vẫn còn một câu “để đời” không kém của mẹ Forrest Gump hay nói với cậu con trai: “Cuộc đời như một hộp sô-cô-la”. 

Đến khi trò chuyện với những nghệ nhân làm nên hương vị café nguyên bản, người viết cũng nhận ra những điểm chung “kinh điển”. Đó như chính là tình yêu đậm vị và nóng ran trong tim dành cho cái nghề mà mình đã gắn bó cả đời. Đối với họ, đó là nghề làm nên hương vị nguyên bản, giản dị và sâu sắc như cuộc sống.

Tình yêu chắt chiu với hạt

“Ly cà phê ngon bắt nguồn từ hạt cà phê ngon. Chúng tôi mang sứ mạng tìm ra những vùng đất riêng biệt để vun đắp cho những hạt cà phê chiều lòng người”, anh Tuấn - chuyên gia chọn hạt đã có hơn 12 năm làm việc tại Vinacafé đã khởi đầu thật từ tốn. 

Anh Tuấn - Chuyên gia chọn hạt.
Anh Tuấn - Chuyên gia chọn hạt.

Hạt cà phê cũng như con người, cần đến 9 tháng 10 ngày để hấp thụ tinh hoa của đất trời tại những vùng đất có nước trong, gió sạch… Người chuyên gia phải thật sự tinh tế mới có thể “đào bới” để chạm đến sự thuần khiết trong những hạt cà phê “chất”. Đó là bước khởi đầu trong việc tạo ra một ly cà phê hương vị thơm ngon nguyên bản. Với những chủng loại cà phê khác nhau như Arabica hay Robusta sẽ được gieo hạt tại những vùng thổ nhưỡng khác nhau. 

Đến mùa thu hoạch trái cà phê chỉ được hái xuống khi “chín đã”, điều này có ý nghĩa về thời gian là không quá sớm cũng không quá muộn, thời khắc lúc đàn chim bay về ăn và trái chín rụng trong một đêm. Những người trồng cà phê có tinh thần như thế sẽ sẵn sàng dành nguyên đêm “thức trắng” cho một vạt rừng cà phê thu về đầy ắp. 
Như kinh nghiệm của anh Tuấn chia sẻ, “cà phê bị 'khát' thì mùi thơm, no nước thì vị nhạt, tưới tốt thì vị đậm". Hẳn người chuyên gia này phải có một tình yêu vô cùng to lớn với những hạt cà phê nhỏ bé nên mới chắt chiu nhiều đến vậy!
Tình yêu nồng nàn với lồng rang

Nếu giai đoạn chọn hạt cần một tấm lòng “chăm chút” suốt 365 ngày để có được từng hạt cà phê hảo hạng thì khi rang xay cần một thứ tình yêu nồng nàn của người nghệ nhân để có thể “lắng nghe” những tiếng nổ cách nhau đến từng mili giây. 

Cô Ánh - Chuyên gia rang xay.
Cô Ánh - Chuyên gia rang xay.

Cô Ánh - người đã cống hiến 30 năm tại Vinacafé khẽ khàng với điều tuyệt mật: “Sau 15 phút đầu của mẻ rang, 60 giây tiếp theo quan trọng đến từng khoảnh khắc. Lúc này cần đến sự tinh tế của người nghệ nhân để căn chỉnh từng yếu tố cho hương vị hoàn hảo”. 

Người phụ nữ này đã gắn tình yêu cả đời với nhiệt độ lồng rang trong háo hức chờ mong chưa bao giờ vơi cạn, cô Ánh bộc bạch: “Những tầng hương được bóc tách, được thăng hoa không ngừng trong những giây như thế giúp tôi luôn cảm nhận cuộc sống thật đẹp và trọn vẹn biết bao!”.

Tình yêu hòa quyện một cách trọn vẹn

“Cũng như sự phong phú và phức tạp nơi tính cách con người, mỗi loại cà phê đều có hương và vị của riêng mình”, anh Khoa - Chuyên gia đưa ra hương vị đặc trưng của từng dòng cà phê cho biết. 

Anh Khoa - Chuyên gia tạo vị.
Anh Khoa - Chuyên gia tạo vị.

Công việc của người nghệ nhận này không dễ dàng hay vội vàng khi phối trộn cà phê bởi điều này đòi hỏi sự kỳ công và mất khá nhiều thời gian nghiên cứu khi cà phê luôn có những hương và vị rất chỏi nhau. Chỉ có tinh ý, khéo léo mới cho ra hương vị hòa quyện, thăng hoa nhất của từng loại hạt bằng nhiều giác quan. 

Anh Khoa cho biết: “Đây có thể xem là công đoạn quan trọng có sự giao thoa của 5 giác quan. Từ khứu giác để ngửi mùi của hạt, đến thính giác để lắng nghe từng giọt cà phê thong thả nhỏ xuống, và kết lại ở vị giác nếm trải trọn vẹn 5 tầng hương vị của cà phê”. 

Không phải sự kết hợp nào cũng hòa hợp ngay từ đầu như người yêu nhau đi tìm đúng nửa kia của mình. Anh cũng đúc kết rằng: “Mỗi chuyên gia phối trộn đều có tác phẩm riêng thông qua bản sắc cũng như sự nguyên bản của hạt cà phê”.

Tình yêu bất biến giữa đời vạn biến

Nếu đời người có 60 năm thì cô Duy Anh, chuyên gia “thẩm định” chất lượng của thương hiệu Vinacafé đã tận tụy tạo ra và giữ gìn cà phê hương vị thơm ngon nguyên bản của cà phê trong suốt 25 năm qua. Hương vị ấy là bản sắc, linh hồn và “chất” cà phê, mà theo cô Duy Anh tự hào: “Tại Vinacafé, chúng tôi xem việc kiểm nghiệm hương vị nguyên bản là một nhiệm vụ đáng tự hào và cao quý”. 

Công việc thử vị với người nghệ nhân kỳ cựu này thì “được trời phú cho một tài năng thiên bẩm cũng chỉ chiếm 1%, còn lại vẫn là 99% nơi tỉ mỉ từng ly, tinh tường từng phút và nhạy cảm đến từng centimet để chọn ly cà phê đạt chuẩn”. 

Cô Duy Anh - Chuyên gia thử vị.
Cô Duy Anh - Chuyên gia thử vị.

Cô từ tốn giãi bày: “Cà phê ngon nguyên bản cần hòa quyện giữa hương và vị, nó ấp ủ đam mê tròn 5 hương vị từ chua thanh, đắng dịu, ngọt nhẹ quyện hòa cùng chút chát và hậu vị êm thơm lưu lâu nơi cổ họng.” Nhiệm vụ đáng tự hào và cao quý được cô Duy Anh giải thích đơn giản như khi người dùng Vincafé dù có cách xa hàng vạn dặm, hay trải qua hằng qua năm tháng gián đoạn, khi nếm lại vẫn nhận ra một hương vị quen thuộc từ ngớp đầu tiên. Đó là một thứ tình yêu bất biến cả với không gian và thời gian trong dòng đời nhiều biến đổi, duy chỉ có cà phê nguyên bản không gì có thể đổi thay.

Đó là những tình yêu làm nên chuyện “cuộc sống giống như một ly cà phê”. Thực tế, đó không chỉ ứng với những nghệ nhân tài năng và tâm huyết như anh Tuấn, cô Ánh, anh Khoa, hay cô Duy Anh, mà còn gần gũi với hàng triệu người thưởng ngoạn cà phê. 
Có ai đã nói: “Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo…, và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên”. Đúng là chỉ một động tác trong thực tại để lắng lại và nếm trải 5 hương vị cuộc sống: Vị đắng cho gian nan, vị chát khi thất bại, vị chua nếm trải bởi khó khăn, vất vả để nung cho đầy trải nghiệm thành quả ngọt bùi thơm của cuộc đời.
Đỗ Khoa