Đang ngủ, khách hàng bị ép dùng dịch vụ Vinaphone

09/07/2015 07:52
Mai Anh
(GDVN) - Nhận được tin nhắn thông báo đăng ký thành công dịch vụ trong lúc đang ngủ, khách hàng kiểm tra tài khoản mới phát hiện Vinaphone âm thầm kích hoạt dịch vụ...

Đang ngủ cũng bị ép dùng dịch vụ

Phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chị Nguyễn Thị N (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, khoảng 4h30 sáng ngày 8/7 khi đang ngủ, điện thoại chị N liên tục rung chuông báo tin nhắn liên tiếp khiến chị tỉnh giấc. Mở điện thoại, chị N thấy tin nhắn từ số 1344 giới thiệu về chương trình DAY SO VANG của Vinaphone.

Ban đầu chị N tưởng tin nhắn rác, tuy nhiên khi xem lại 3 đoạn tin nhắn, chị N tá hỏa khi nhà mạng thông báo “Chuc mung Quy khach da dang ky thanh cong DV DAY SO VANG (5000 d/ ngay)” (Chúc mừng Quý  khách đã đăng ký thành công dịch vụ Dãy số vàng 5000 đồng/ngày).

Tin nhắn từ số 1344 gửi đến cho chị N lúc 4h30 sáng xác nhận chị tham gia dịch vụ mà chị N không hay biết.
Tin nhắn từ số 1344 gửi đến cho chị N lúc 4h30 sáng xác nhận chị tham gia dịch vụ mà chị N không hay biết.

Nghĩ rằng có thể mình đã vô tình nhắn tin đăng ký dịch vụ này, chị N kiểm tra lại phần lưu tin nhắn đi, tuy nhiên không có bất kỳ tin nhắn nào gửi đi tới số 1344.

Chị N bức xúc: “Chẳng nhẽ tôi đang ngủ cũng có thể đăng ký dịch vụ được? Hay Vinaphone lựa lúc khách hàng ngủ để âm thầm đăng ký dịch vụ rồi trừ tiền lén lút”.

Trước sự việc xảy ra, sáng ngày 8/7 chị N liên hệ tới tổng đài tư vấn khách hàng của nhà mạng Vinaphone (9191) để thắc mắc.

Trước phản ánh của khách hàng, nhân viên nhà mạng Vinaphone lý giải: “Đăng ký dịch vụ này qua hệ thống online, tức khách hàng xem trang báo hoặc thông tin nào rồi vô tình bấm vào đường link dịch vụ sẽ tự động kích hoạt mà không phải nhắn tin gì… Đây là dịch vụ giá trị gia tăng của Vinaphone”.

Theo nội dung tin nhắn chị N đã đăng ký thành công dịch vụ DAYSOVANG nhưng sự thật khách hàng không nhắn tin đăng ký
Theo nội dung tin nhắn chị N đã đăng ký thành công dịch vụ DAYSOVANG nhưng sự thật khách hàng không nhắn tin đăng ký

Trước câu trả lời của nhân viên nhà mạng, chị N thắc mắc “nếu chỉ cần vô tình chạm vào một đường link trên mạng Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ rồi trừ tiền khác nào Vinaphone đang bẫy thuê bao”.

Theo chị N, đăng ký bất kỳ dịch vụ nào phải có sự thỏa thuận thống nhất giữa nhà mạng và khách hàng qua việc tự động nhắn tin đăng ký của khách hàng. Khách hàng không thể biết đâu là đường link trên mạng Internet mà chạm vào đó vô tình đã đăng ký một dịch vụ của nhà mạng.

Do vậy cách trả lời của Vinaphone, theo chị N là thiếu trách nhiệm, không đúng bản chất sự việc.

Bên cạnh tin nhắn từ số 1344, nhiều tháng nay ngày nào chị N nhận được tin nhắn từ số 8926 với nội dung Link tải game. Cũng nghĩ rằng là những tin nhắn rác dù có làm phiền nhưng vô hại nhưng khi liên hệ với tổng đài Vinaphone, chị N mới giật mình biết đây dịch vụ phải trả tiền.

Theo lời chị N, chị hoàn toàn không biết về dịch vụ này và nhiều tháng nay, ngày nào chị cũng bị Vinaphone trừ 5.000 đồng mà không biết.

Đang kiểm tra

Điều đáng nói sau khi chị N phản ánh đến Vinaphone, nhân viên nhà mạng này yêu cầu khách hàng nếu muốn hủy dịch vụ phải thực hiện hàng loạt các thao tác. Trong khi đó, những dịch vụ này của Vinaphone do tự động đăng ký, hàng khách hàng không hề hay biết.

Trước nội dung phản ánh chị N, sáng 8/7 phóng viên liên hệ với đại diện nhà mạng Vinaphone để xác minh làm rõ vấn đề. Chiều cùng ngày, đại diện Vinaphone cho biết, bộ phận kỹ thuật dang kiểm tra để có câu trả lời với khách hàng.

Được biết, Vinaphone hiện nay có khoảng 60 – 70 dịch vụ giá trị gia tăng tính phí. Thông thường thông tin dịch vụ này sẽ gửi đến điện thoại khách hàng. Nhiều khách hàng cho rằng đó là tin nhắn rác, vô tình xóa đi nhưng cũng rất có thể, khách hàng đã bị trừ tiền trong tài khoản mà không biết.

Bất cập này thể hiện ở cả việc hủy dịch vụ. Ví dụ khi giới thiệu dịch vụ A, nếu khách hàng không muốn tham gia dịch vụ hoặc muốn từ chối nhận tin nhắn sẽ phải nhắn tin cú pháp HUY gửi đến số XXX, tuy nhiên tin nhắn này cũng bị tính phí.

Tự động đăng ký dịch vụ, bị phạt từ 20-30 triệu đồng

Hiện nay đã có các văn bản pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến đăng ký dịch vụ di động.

Cụ thể theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, tại Điểm a Khoản 3 Điều 23 quy định, nếu doanh nghiệp có hành vi cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản hoặc dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khi chưa được sự đồng ý của thuê bao viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Còn theo Điểm d Khoản 2 Điều 61 Nghị định này, trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về giá, giá cước, cách thức hủy dịch vụ thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 01 tháng đến 03 tháng.

Nếu doanh nghiệp không chấm dứt việc gửi thư điện tử, tin nhắn hoặc không chấm dứt cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Mai Anh