Danh sách cổ phiếu hủy niêm yết ngày một dài

16/09/2012 14:43
Tường Vi/vnexpress
Ngoài 15 mã chứng khoán phải rời sàn trong 9 tháng đầu năm, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng như Hà Nội còn thống kê thêm những mã có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Theo thống kê của hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở TP HCM (HSX), từ đầu năm tới nay, tổng cộng 15 cổ phiếu đã bị hủy niêm yết trên sàn. Phần lớn số này rời sàn vì kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp 3 năm, các kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục hoặc giao dịch không phát sinh trong 12 tháng. Tính tới tháng 9/2012, HSX đã công bố hủy 6 mã niêm yết trên sàn. Trong đó, 3 công ty hủy vì lợi nhuận âm liên tiếp 3 năm, bao gồm Công ty cổ phần Basa (BAS), Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) và Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa (VKP). Cổ phiếu của Công ty cổ phần Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV) là mã duy nhất bị “đuổi” vì liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin. Tới nay, MCV vẫn chưa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ từ quý IV/2011, doanh nghiệp bị nhắc nhở 3 lần trước khi hủy niêm yết. Trong quý II và III/2011, MCV thu về lợi nhuận âm liên tiếp, lỗ lũy kế 3 quý đầu xuống âm 3,5 tỷ đồng.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của các mã có nguy cơ hủy niêm yết.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của các mã có nguy cơ hủy niêm yết.
Còn lại 2 mã xin tự nguyện hủy niêm yết là Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) và Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (TRI). Trong đó, việc rời sàn của MKP là trường hợp hiếm hoi xin rút khi doanh nghiệp vẫn thực có lãi. Theo MKP, lý do mã này ra đi là để giải quyết việc tái cơ cấu cổ đông, đưa 5% vốn ngoại ra khỏi công ty. Một tuần trước thời điểm hủy, giá cổ phiếu MKP đạt 46.000 đồng mỗi đơn vị. Sàn HNX cũng đưa ra kết quả thống kê với 9 mã lĩnh “án” hủy niêm yết. Hơn nửa số này là hủy bắt buộc do kinh doanh thua lỗ, bao gồm cổ phiếu Công ty cổ phần Vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP), Công ty cổ phần Cafe An Giang (AGC), Công ty cổ phần Xây dựng số 11 (V11), Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB). Riêng HBB bị hủy tới 405 triệu đơn vị để sáp nhập sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Đây cũng là lượng cổ phiếu hủy nhiều nhất danh sách. Các mã còn lại tự nguyện xin rút lui để sáp nhập với các doanh nghiệp khác, tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội kinh doanh hoặc chuyển sang sàn UpCoM, bao gồm Công ty cổ phần Sông Đà 6.04 (S64), Công ty cổ phần Sông Đà 6.06 (SSS) và Công ty cổ phần Xây lắp & Đầu tư sông Đà (SDS).
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của các mã bị hủy niêm yết trên sàn HNX.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của các mã bị hủy niêm yết trên sàn HNX.
Bên cạnh đó, HSX cũng đưa ra thống kê những cổ phiếu thuộc diện có nguy cơ cao bị “đuổi” khỏi sàn giao dịch trong thời gian tới. Danh sách này xuất hiện cổ phiếu của những doanh nghiệp từng vấp phải các vụ thua lỗ ồn ào như Công ty cổ phần chứng khoán Sacombank (SBS), Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG)… Trường hợp của SBS, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ 138,6 tỷ đồng. Riêng lỗ lũy kế đã lên tới 1.772 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu bị âm 256 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài việc bị vào "tầm ngắm" vì hoạt động kinh doanh thua lỗ liên miên 3 năm, gần 43% mã trong danh sách hủy do công ty tự nguyện xin đề xuất.
Dnah sách những cổ phiếu có nguy cơ cao bị hủy niêm yết. Nguồn: HSX
Dnah sách những cổ phiếu có nguy cơ cao bị hủy niêm yết. Nguồn: HSX
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định: "Những công ty làm ăn hiệu quả, nhưng giá cổ phiếu rơi liên tục sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu trong mắt các nhà đầu tư. Chưa kể, đây còn là cơ hội vàng cho những kẻ nhanh tay muốn thâu tóm doanh nghiệp, trường hợp này thì tự nguyện hủy niêm yết là chiến lược tốt nhất". Ông Khánh dự đoán: "Năm sau lượng cổ phiếu hủy niêm yết có thể còn nhiều hơn cả năm nay nếu tình hình kinh tế không được cải thiện". Tuy nhiên, đôi khi số lượng vẫn chưa nói lên điều gì vì thị trường chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Giả sử nền kinh tế đang dần phục hồi, lãi suất bắt đầu hạ thì các doanh nghiệp cũng chưa thể xử lý ngay lập tức các khoản nợ xấu, do đó, nguy cơ hủy niêm yết vì thua lỗ sang năm thứ 3 vẫn cao, vị chuyên gia phân tích. Để tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả nhưng vẫn ì ạch trên sàn, gây ảnh hưởng lớn tới nhà đầu tư, ông Khánh còn cho rằng: "Thời gian quy định hủy niêm yết nên rút ngắn từ 3 năm xuống còn 1 hoặc 2 năm là đủ, nhất là đối với những doanh nghiệp đã bị lỗ trên mức vốn". Trong khi các doanh nghiệp đua nhau tự nguyện rời sàn hoặc bị buộc hủy niêm yết, vấn đề lợi ích cổ đông sau đó luôn là đề tài tranh luận của nhiều nhà đầu tư. Anh Vũ Văn Hùng, một người chơi chứng khoán lâu năm tại Hà Nội chia sẻ: “Nói đến việc loại bỏ các cổ phiếu khỏi sàn, người thiệt hại nhiều nhất vẫn là các nhà đầu tư”. Trước đây, những vụ hủy niêm yết cũng từng diễn ra với cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Cuối cùng, chỉ có nhà đầu tư là gần như mất trắng, anh Hùng nói thêm. Lãnh đạo HNX xác nhận, từ đầu năm đến nay, số cổ phiếu bị hủy niêm yết tăng lên trong khi lượng doanh nghiệp đăng ký mới lại giảm đi so với nhiều năm trước. Tính đến tháng 8/2012, số doanh nghiệp mới đăng ký niêm yết trên cả 2 sàn chỉ vỏn vẹn 16 công ty, 8 mã mới cho sàn HOSE và 8 mã mới trên sàn HNX. Năm 2011, HNX có tổng cộng 29 doanh nghiệp đăng ký niêm yết trong khi HSX cũng thêm 25 mã mới nhập sàn. Năm 2010, con số này ở HNX còn lên tới 113 đơn vị còn HSX có 80 công ty đăng ký niêm yết.
Biểu đồ so sánh lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên 2 sàn.
Biểu đồ so sánh lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên 2 sàn.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc huy động vốn cổ phần trên thị trường trong giai đoạn khó khăn có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định lên sàn của một số doanh nghiệp. Theo ông, thị trường chứng khoán đã trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ từ năm 2006-2010. Số lượng doanh nghiệp niêm yết đã vươn lên với mức tăng trưởng rất nhanh qua các năm, hệ quả tất yếu là "nguồn hàng" có chất lượng trở nên khan hiếm so với trước đây. Bên cạnh đó, vấn đề loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, công bố thông tin không đảm bảo lại là một đòi hỏi khách quan trong quá trình lành mạnh hóa thị trường. Thực tế tại các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới cho thấy, tiêu chuẩn niêm yết cao gần như không hạn chế số lượng doanh nghiệp lên sàn mà ngược lại, đây có thể là động lực để các công ty tự khẳng định chất lượng của mình, lãnh đạo HNX nói thêm. Hiện nay, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, các đơn vị chịu nhiều thua lỗ do chi phí vốn tăng cao, vòng quay hàng tồn kho giảm, cá biệt bị đình trệ sản xuất dẫn đến không đảm bảo điều kiện niêm yết. Tuy nhiên, lãnh đạo HNX cho rằng, tỷ lệ công ty thua lỗ trên sàn vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình  theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Tường Vi/vnexpress