Để hoàn thiện các dự án BĐS ở Hà Nội, chỉ cần... 904.000 tỷ đồng

25/01/2013 15:36
Theo Vnexpress
Bộ Xây dựng cho biết, nếu hoàn thành toàn bộ các dự án đã giao chủ đầu tư, Hà Nội sẽ tăng thêm 520.000 căn nhà, gồm chung cư, thấp tầng. Muốn vậy, thành phố cần 904.000 tỷ đồng (tương đương 45 tỷ đôla).
TP HCM và Hà Nội là nơi tập trung nhiều dự án lớn, chiếm gần nửa bất động sản cả nước và cũng là những thị trường gặp nhiều khó khăn nhất năm qua, tỷ lệ tồn kho lớn, nhiều dự án dở dang. Theo Bộ Xây dựng, một phần nguyên nhân là thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa có điều tra theo nhu cầu của thị trường.
Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan
Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan
Tại Hà Nội, để hoàn thành toàn bộ các dự án đã giao chủ đầu tư và cung cấp thêm 520.000 căn nhà, gồm chung cư, thấp tầng, thành phố cần khoảng 904.000 tỷ đồng (tương đương 45 tỷ đôla). Khu vực đô thị của thành phố hiện có 733.000 căn hộ, dân số khoảng 3 triệu người, nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, thiếu trường học, bênh viện nên chưa thu hút được người dân, nhà xây xong nhưng chưa có người đến ở mặc dù nhà đầu tư đã bán hết. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/10/2012 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6 % so với 31/12/2011. Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản. Để tháo gỡ thị trường, Bộ Xây dựng cho hay, Bộ sẽ rà soát các dự án, cân đối lại cung cầu. Bộ yêu cầu dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu người dân. Bộ cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản...
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress