Dịch vụ chuyển vùng quốc tế “gánh” quá nhiều khoản phí

03/12/2011 17:24
Về nguyên tắc, cước dịch vụ roaming bao gồm cước cuộc gọi/nhận cuộc gọi, nhắn tin và những dịch vụ giá trị gia tăng khác....
Không muốn tốn thời gian và những rắc rối khi đi mua thẻ để gọi về Việt Nam, nhiều thuê bao khi ra nước ngoài đã sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) để gọi hoặc nhắn tin cho những thuê bao trong nước. Tiện thì có tiện nhưng muốn sử dụng dịch vụ này, bạn nên cân nhắc.

Hiện nay, các nhà mạng đã bỏ quy định đóng khoản tiền cọc khi sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho các đối tượng sau: các cấp lãnh đạo từ tỉnh thành trở lên, các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh, các thuê bao trả sau được hưởng ưu đãi theo quy định của nhà mạng. Những đối tượng còn lại sẽ phải đóng tiền cọc, thông thường là 5 triệu đồng (sau khi ngưng sử dụng dịch vụ roaming sẽ được trả lại số tiền này).
Roaming là dịch vụ cần thiết, tuy nhiên những khoản phí mà người sử dụng phải trả là một khoản tiền lớn so với những gì mà họ đã được sử dụng.
Roaming là dịch vụ cần thiết, tuy nhiên những khoản phí mà người sử dụng phải trả là một khoản tiền lớn so với những gì mà họ đã được sử dụng.
Mỗi nhà mạng sẽ có cách tính và xác định tỷ lệ khác nhau về các khoản tuỳ theo dịch vụ mà chủ thuê bao sử dụng. Về nguyên tắc, cước dịch vụ roaming bao gồm cước cuộc gọi/nhận cuộc gọi, nhắn tin và những dịch vụ giá trị gia tăng khác.

Nếu gọi cho các thuê bao tại Việt Nam, chủ thuê bao phải trả ba khoản phí. Khoản thứ nhất, người sử dụng dịch vụ sẽ bị tính phí cuộc gọi của nhà mạng được roaming ở nước ngoài (gọi tắt là mạng khách) quy định. Khoản thứ hai là cước định tuyến do nhà mạng trong nước tính vào chi phí của thuê bao. Mỗi nhà mạng sẽ có mức cước định tuyến khác nhau. Với nhà mạng Mobifone, cước định tuyến là 3.740 đồng/ phút. Khoản thứ ba là phí quản lý của nhà mạng trong nước. Mức phí này được tính là 15% tổng cước sử dụng.

Nếu nhận cuộc gọi, chủ thuê bao phải trả những khoản sau: cước định tuyến và 15% của tổng cước định tuyến mà chủ thuê bao đã nhận từ các thuê bao khác gọi từ Việt Nam. Trong khoản này còn có cả cước nhận cuộc gọi mà mạng khách quy định.

Với dịch vụ nhắn tin từ thuê bao ở nước ngoài, chủ thuê bao phải trả phí gởi tin và phụ phí (15%) cước gởi tin nhắn của chính mạng khách quy định. Cũng cần nói thêm, với những tin nhắn hoặc cuộc gọi từ các thuê bao trong nước cho thuê bao đang roaming chỉ bị tính mức cước nội hạt.

Những thuê bao thuộc nhóm đối tượng không phải nộp khoản tiền cọc sẽ được mở dịch vụ roaming khi ra nước ngoài, nếu nằm trong liên minh với các nhà mạng trong nước sẽ được sử dụng các dịch vụ có trên mạng khách. Nếu khách hàng phải đóng tiền cọc, khi lấy lại tiền cọc (sau khi đã thanh toán mức cước roaming), dịch vụ roaming sẽ bị cắt, chỉ mở lại khi có nhu cầu.

Tóm lại, roaming là dịch vụ cần thiết cho những ai có nhu cầu muốn giữ liên lạc với người thân ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khoản phí mà người sử dụng phải trả là một khoản tiền lớn so với những gì mà họ đã được sử dụng. Cũng với những dịch vụ như gọi đi, nhận cuộc gọi đến, nhắn tin... nhưng khi sử dụng dịch vụ ở nước ngoài, khách hàng phải trả cao hơn 20 – 25 lần so với mức cước dịch vụ sử dụng trong nước vì họ phải chịu hai đầu thu: nhà mạng trong nước và mạng khách.

Theo Sài Gòn tiếp thị