Điều kiện kinh doanh không hợp lý phải cắt giảm, bãi bỏ

24/04/2018 14:53
Trúc Diệp
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp có ý kiến rõ ràng và kiên quyết từ chối các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh chung chung, chồng chéo...

Đối với việc rà soát, đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ điều kiện kinh doanh của Bộ được kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, không cụ thể, không lượng hóa được để tiếp tục đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ, bảo đảm đạt 50% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

Việc đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh phải giải quyết được căn cơ những bất cập, tồn tại hiện nay và đạt được mục tiêu về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia thị trường.

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung các luật quy định về điều kiện kinh doanh để kịp thời đưa vào chương trình xây dựng Luật của năm 2019; xây dựng, trình Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chính phủ liên tục đốc thúc cải cách thủ tục hành chính. ảnh minh họa: TTXVN.
Chính phủ liên tục đốc thúc cải cách thủ tục hành chính. ảnh minh họa: TTXVN.

Đối với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc quy định các điều kiện kinh doanh của các Bộ thông qua hoạt động thẩm định; có ý kiến rõ ràng và kiên quyết từ chối các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh còn chung chung, chồng chéo, bất cập, không cụ thể, không lượng hóa, gây cản trở, khó khăn gia nhập thị trường của doanh nghiệp;

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế, tranh chấp quốc tế; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý dứt điểm các vụ kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế, nhất là những vụ việc phức tạp; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp trung ương, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu để cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp, trong đó chú trọng tới phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Trúc Diệp