Đổ xô lắp bình cứu hỏa mini chống... cháy xe

23/02/2012 12:09
Theo An ninh thủ đô
Hùng lật yên chiếc spacy, chỉ cái bình cứu hỏa đỏ chót, to hơn chai nước suối, ra chiều đắc ý: “Có cái này yên tâm hẳn, đỡ lo xe cháy nổ bất thường”.
Bình 400ml đủ để “dập lửa tức thời”? Tôi hỏi mua ở đâu, nguồn gốc xuất xứ thế nào? Hùng bèn mở máy tính xách tay gõ vài dòng, lập tức trên màn hình hiện ra một loạt thông tin: Bình nhãn hiệu FIRE STOP loại mini 400ml, cao 28cm, đường kính 4cm, vỏ thép, vòi bấm xịt tiện lợi, bỏ vừa tất cả các cốp xe. Bình thiết kế chuyên dụng dành chữa cháy trên: Vải, nhựa, xăng dầu... dùng cho ô tô, xe máy, tàu thuyền theo nguyên lý khí CO2 dạng bọt sẽ ngăn không cho ôxy tiếp xúc với lửa, lửa tự tắt. Giá bán lẻ: 105.000 đồng/bình, giá bán buôn: Gọi trực tiếp.
Một chiếc xe máy gắn bình cứu hỏa mini
Một chiếc xe máy gắn bình cứu hỏa mini
Chỉ số điện thoại của người bán, Hùng hất đầu: “Gọi là họ mang tới ngay, giao hàng miễn phí trong nội thành Hà Nội luôn”. Lúc này tôi mới để ý đoạn đầu của tin rao vặt này: “Xăng là nguyên nhân gây ra mọi vụ cháy!!! xe bạn cũng có thể bị cháy bất cứ lúc nào, vì vậy giải pháp hợp lý nhất bây giờ là sắm cho mình một bình cứu hỏa mini sát bên. Bên mình chuyên nhập khẩu và phân phối bình cứa hỏa và chữa cháy. Hiện đang bán loại bình cứa hỏa mini rất tiện dụng đối với xe máy, ô tô. Sử dụng hiệu quả, dập tắt lửa tức thời”. Trong khi chỉ một số ít các vụ cháy nổ xe có nguyên nhân rõ ràng, còn lại trên 50% tổng số vụ cháy vẫn đang là ẩn số bí mật đối với các cơ quan chức năng, thì người bán bình cứu hỏa mini này quả thực mạnh miệng khi dám “kết luận” xăng là thủ phạm; còn câu khẳng định về hiệu quả sử dụng bình thì chắc phải đợi đến lúc… xảy cháy mới hay. Tiếp tục tìm kiếm trên mạng internet, thấy khá nhiều thông tin về bán bình cứu hỏa minni, thậm chí có người bán còn “cẩn thận”, trích cả các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: “Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô không có đủ dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy hoặc có nhưng không còn tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế sẽ bị phạt từ 300-500 nghìn đồng”…trước khi rao bán sản phẩm.
Cách dùng: Tự đọc trên vỏ bình
Tôi quay ra hỏi Hùng: “Ông biết sử dụng chưa đấy?”/ “Tôi chưa thử, nhưng dễ ợt có gì đâu, thấy họ bảo dùng như bình xịt côn trùng thôi mà. Cơ quan tôi có đến gần chục người mua rồi đấy, có cả phụ nữ”.
Lo ngại trước nguy cơ xảy cháy xe máy, nhiều người đã tự mua bình cứu hỏa mini về trang bị dù còn chưa rõ....cách sử dụng
Lo ngại trước nguy cơ xảy cháy xe máy, nhiều người đã tự mua bình cứu hỏa mini về trang bị dù còn chưa rõ....cách sử dụng
Nghe thật mơ hồ, tôi tìm ra phố Yết Kiêu - một trong những tuyến phố bán nhiều bình cứu hỏa cũng nhưng dụng cụ phòng hộ của Hà Nội. Thật bất ngờ khi giá bình cứu hỏa mini trên mạng là… quá đắt nếu so sánh với mức giá bán tại các cửa hàng trên con phố này: chỉ có 80.000 đồng/bình (loại to cỡ chai nước suối nhỏ) hay 105.000 đồng/bình (loại to như phích nước). Hỏi chị bán hàng về cách sử dụng bình mini, được trả lời gọn lỏn: “Có ghi trên vỏ bình đấy”. Giơ ra nhìn, thấy chi chít toàn tiếng Anh, tuyệt nhiên không có một dòng tiếng Việt. Hẳn không có nhiều người đi mua bình cứu hỏa rồi lại về ngồi tự (hoặc thuê) dịch hướng dẫn sử dụng.
Chữa…tâm lý lái xe là chính?
Một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay: Loại bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với đám cháy nhỏ, mới khởi phát, dạng như xe mới xì khói tại một điểm thì phun ngay. Còn khi đám cháy đã lan rộng, bao trùm xe thì bình chữa cháy mini không phát huy tác dụng.
Chỉ với 400ml, khả năng khống chế đám cháy của bình mini rất hạn chế
Chỉ với 400ml, khả năng khống chế đám cháy của bình mini rất hạn chế
Xét về mặt tâm lý, khi xảy cháy xe máy thường lái xe khá hốt hoảng, nhảy ngay ra khỏi xe để cứu mạng… còn việc đủ bình tĩnh bật yên xe lấy bình cứu hỏa ra để sử dụng gần như không thể; chưa nói đến việc nguồn cháy có thể khởi phát ngay từ nơi đây, hoặc sức nóng gây biến dạng chốt đậy, khiến yên xe không thể mở. Đối với đám cháy xe ôtô, rất nhiều trường hợp điểm khởi cháy lại nằm ở khu vực máy xe, việc không thể bật được nắp ca-pô ra đã khiến cho bình cứu hỏa (kể cả dạng bình lớn, cỡ 4kg) bị vô hiệu hóa. Do có nhiên liệu (xăng, dầu) và cấu tạo bằng nhiều vật liệu dễ cháy (đêm mút, nhựa) nên đám cháy xe thường lan nhanh, rộng. Lực lượng PCCC chuyên nghiệp, dù có nhanh cách nào, khi nhận được tin báo cháy di chuyển đến nơi, dập lửa xong thì hầu như chiếc xe chỉ còn trơ lại khung sắt đen sì.
Ba vụ cháy xe mới nhất: 1. Tối 22/2, diễn viên Lê Khánh lái chiếc xe Nissan mang BKS: 56N-0842 chở một người bạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai vào Huyền Trân Công Chúa (quận 1, TP HCM). Khi đến góc đường Nguyễn Du thì dàn máy lạnh phát khói. Cô chỉ kịp tung cửa tháo chạy ra ngoài thì ngọn lửa bùng lên. Được sự trợ giúp của người dân xung quanh, đám cháy được dập tắt, song chiếc xe trị giá gần 1 tỉ đồng đã bị cháy xém khu vực táp lô, vô lăng.

2. Khoảng 3 giờ sáng 22/2, chiếc xe máy Honda Dream mang biển kiểm soát 85R3-8079 của gia đình bà Ngô Thị Liên, ngụ tại khu phố 7, phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đang dựng trong nhà bỗng nhiên bốc cháy rồi lan sang tủ lạnh, bếp gas, máy giặt, nồi cơm điện, bộ loa giàn và một chiếc xe đạp điện gia đình dựng cạnh đó.

3. 8h sáng nay (23/2), anh Du ( trú tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) đi chiếc Air Blade đến đầu ngõ 218 đường Phạm Văn Đồng (Từ Liêm) thì phát hiện xe có mùi khét. Thấy khói và lửa bốc lên từ cốp xe, anh vội dừng lại nhờ mọi người giúp. Do lửa sớm được khống chế nên chiếc xe mua từ năm 2009 chỉ bị hư hỏng nhẹ phần nhựa và cháy một số đoạn dây phía dưới cốp.

Đổ xô lắp bình cứu hỏa mini chống... cháy xe ảnh 4
Chiếc Honda AirBlade của anh Du sau vụ cháy (Ảnh: VNE)


Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, CATP. Hà Nội cho hay, từ đầu tháng 12/2010 đến ngày 18/12/2011, riêng tại Hà Nội xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy. Còn qua báo chí, trong năm 2011 trên cả nước đã ghi nhận 89 trường hợp tương tự (trong đó ôtô cháy 50 xe, xe máy cháy 39 vụ) gây thiệt hại nặng nề về tài sản; đồng thời làm 2 người chết, 2 người bị thương.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Giao tiết lộ, theo số liệu đơn vị này nhận được, chỉ một số ít các trường hợp cháy nổ ô tô, xe máy hiện đã xác định được nguyên nhân. Khoảng hơn 50% số vụ còn lại vẫn chưa được làm rõ. Cục trưởng Giao cũng cho hay, hiện Viện khoa học hình sự Bộ Công An đã cơ bản xác định và phân loại nguyên dân dẫn đến các sự cố nói trên.

Theo đó, về nguyên nhân cháy nổ xe máy, ngoài sự việc đau lòng tại Bắc Ninh xác định có yếu tố hình sự, nguyên nhân do chập điện gây nên 5 sự cố, chiếm 11,6% tổng số vụ; va chạm hai xe khi lưu thông trên đường gây cháy là 2 xe, chiếm 4,6%. Nguyên nhân hỏa hoạn tại khu để xe gây cháy 3 xe, chiếm 6,9%; cố ý đốt xe chiếm 1 vụ. Đáng lưu ý là vẫn còn đến 72% số vụ việc (chiếm 31 trường hợp xe máy cháy nổ) hện vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Riêng về sự cố xảy ra với ô tô, số vụ chưa xác định được nguyên nhân cũng chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 50% với 25 trường hợp. Ngoài ra, cơ quan chức năng xác minh việc cháy, nổ loại phương tiện này còn do chập điện, va chạm, ống xả tiếp xúc với vật dễ cháy và cháy do hỏa hoạn tại khu vực để xe.
Theo An ninh thủ đô