Doanh nghiệp Việt gửi 2 đề nghị đến Thủ tướng tại "Hội nghị Diên Hồng”

29/04/2016 09:44
Mai Anh
(GDVN) - Tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, Chủ tịch VCCI đưa ra 2 đề nghị chính của cộng đồng doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ

Sáng nay (29/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam 2016. 

Hội nghị là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp trao đổi, đối thoại với Chính phủ, ngưới đứng đầu chính phủ về những khó khăn, vướng mắc cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Toàn cảnh Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Toàn cảnh Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị.

Nhắc lại di nguyện của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh muốn xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn phải có vai trò quan trọng đặc biệt của doanh nghiệp.

Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.

Thủ tướng: Tinh thần của Chính phủ là bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng: Tinh thần của Chính phủ là bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhấn là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trước thềm hội nghị này, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI đưa ra 2 đề nghị chính của cộng đồng doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ: Thứ nhất, có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…); giảm lãi suất thực cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu-chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động; 

Xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán, thay vào đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh; đồng thời ngăn chặn đặt ra các loại phí sai quy định ở địa phương, quản lý chặt chẽ các khoản phí cầu đường, giao thông…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.

Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối doanh nghiệp, trong đó khuyến khích kết nối khu vực doanh nghiệp trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay...

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhà nước, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như doanh nghiệp nhà nước; thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường…

Trước đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. 

Được biết sau Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Hội trường Thống nhất TP.Hồ Chí Minh có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự.

Còn mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.

Mai Anh