Đọc nhanh sáng 15/4: Viện phí chính thức tăng 3-20 lần từ 15/4

15/04/2012 09:09
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Viện phí chính thức tăng 3-20 lần từ 15/4, bánh bông lan bị mốc – nhà sản xuất nói gì?... là những tin kinh tế đáng chú ý sáng 15/4.
Viện phí chính thức tăng 3-20 lần từ 15/4
Theo Vietnamnet, từ ngày 15/4 mức viện phí mới sẽ được áp dụng tại tất cả các bệnh viện trong cả nước. Theo đó, sẽ có khoảng 447 dịch vụ y tế tăng giá, mức tăng từ 3-20 lần so với giá hiện hành.

Từ 15/4, khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng (Ảnh: N.A)
Từ 15/4, khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng (Ảnh: N.A)

Theo Bộ Y tế, giá được quy định trong Thông tư được coi là mức giá tối đa, các tỉnh sẽ căn cứ vào đó để phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với điều kiện riêng của địa phương mình. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ do Bộ phê duyệt mức giá căn cứ vào khung giá đã ban hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá viện phí mới được áp dụng từ 15/4 nhưng có thể sẽ không tăng đồng loạt ngay bởi có nhiều địa phương sẽ phải tính toán, cân nhắc và còn chờ UBND tỉnh, thành phê duyệt. 
Với các dịch vụ còn quy định viện phí tối thiểu - tối đa thì chênh lệch giữa hai mức chỉ từ 3.000-30.000 đồng.

Bánh bông lan bị mốc – nhà sản xuất nói gì?

Theo nguồn tin từ Dân Trí, Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Naboco cho biết: “Đây là một sự cố ngoài mong muốn, và tỷ lệ sản phẩm bị lỗi là rất nhỏ so với số lượng sản phẩm mà chúng tôi sản xuất và đưa ra thị trường”.

Naboco gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng qua sự việc này (ảnh: Dân Trí)
Naboco gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng qua sự việc này (ảnh: Dân Trí)

Nguyên nhân là do dây chuyền mới nhập ngoại, nên gặp điều kiện thời tiết có độ ẩm rất cao tại Việt Nam trong thời gian qua thì có trục trặc nhỏ. Do hàm lượng đạm trong sản phẩm quá cao và sản phẩm sử dụng nguyên liệu tươi tự nhiên (hạn chế tối đa chất bảo quản công nghiệp), nên dẫn tới một lô sản phẩm bị ẩm, gây mốc như đã phản ánh.
Cũng theo Giám đốc Naboco, thời gian tới công ty sẽ khắc phục tối đa và chấm dứt tình trạng này bằng cách điều chỉnh hoạt động của dây chuyền để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. 
Naboco gửi tới người tiêu dùng lời xin lỗi và cam kết sẽ xử lý triệt để để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. 

Giá sữa âm thầm tăng liên tục

Theo nguồn tin từ Người lao động, giá sữa tại thị trường thế giới tháng 3 nói riêng và trong cả quý I đều giảm so với tháng trước và cuối năm ngoái. Tuy nhiên, giá trong nước lại tăng.

Giá sữa âm thầm tăng liên tục
Giá sữa âm thầm tăng liên tục

 Tại thị trường Việt Nam, kể cả sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (nằm trong danh mục mặt hàng phải đăng ký giá và phụ thuộc vào giá nhập khẩu) đã liên tục tăng từ đầu năm đến nay..ừ ngày 16-2, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tăng 9%-10% đối với 4 sản phẩm. Mới đây nhất, ngày 12-3, Công ty Netstle Việt Nam tăng giá 12% đối với một sản phẩm.
Một số loại sữa nước như Cô gái Hà Lan, TH True Milk cũng chuẩn bị tăng giá 10%-15%. Nhìn chung, đối với các loại sữa bột đã tăng 7%-8% từ đầu năm, sẽ tiếp tục tăng giá đủ 15% trong tháng 4 này…
Lý do quan trọng nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này viện dẫn là chi phí đầu vào tăng cao.

Hải sản ở các cửa biển Bạc Liêu bị tận diệt

Theo thông tin từ Thanh niên Online, trong những ngày qua, tại các cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu có hàng chục chiếc ghe cào đôi có công suất lên đến 350-450 CV khai thác hải sản trái phép.
Theo ông Trần Xí Khuôl, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu, mặc dù vùng biển ven bờ cấm tuyệt đối các phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động khai thác, thế nhưng gần đây qua kiểm tra, mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe cào có công suất lên đến 350-450 CV hoạt động vi phạm ngư trường, vùng khai thác.

Các ghe cào ven bờ chỉ đánh bắt được hải sản nhỏ, không có giá trị kinh tế
Các ghe cào ven bờ chỉ đánh bắt được hải sản nhỏ, không có giá trị kinh tế

Đặc biệt, có lúc cao điểm mỗi ngày có khoảng 30 cặp ghe cào đôi (60 chiếc) ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… ngang nhiên khai thác hải sản ven bờ. Các ghe cào đôi có công suất lớn gấp nhiều lần cho phép không chỉ vi phạm vùng biển khai thác, mà còn ảnh hưởng, tàn phá nghiêm trọng đến môi trường, nguồn lợi hải sản.
Mỗi mẻ lưới cào lên đến hơn một tấn hải sản, nhưng trong đó có chưa đến 10% hải sản lớn, có giá trị, còn lại hơn 90% là các loại hải sản cỡ nhỏ, cá con, cá phân (cá bán để làm phân, có giá trị kinh tế rất thấp). 

Ế ẩm, dự án mới vẫn đồng loạt được chào hàng

Theo thông tin từ Vnmedia, tuần qua, thị trường bất động sản đón nhận thêm nhiều dự án bất động sản mới được mở bán và công bố.
Một số dự án được mở bán như công ty CP May Hồ Gươm mở bán căn hộ dự án Hồ Gươm Plaza tại KĐT Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội với mức giá từ 19,6 triệu đồng/m2. Dự án có tổng diện tích 11.000m2 với tổng mức đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng.

Nhiều dự dán mới vẫn đồng loạt chào hàng
Nhiều dự dán mới vẫn đồng loạt chào hàng

CTCP Đất vàng Cường Phát đang chào bán nhà phố liên kế Khu dân cư An Thạnh. Khi mua dự án khách hàng được hưởng ưu đãi trả trước 50% và trả nốt 50% trong thời gian 2 năm với lãi suất 0%. 
Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Đông và Công ty Nihon Sekkei International (Nhật Bản) vừa ký biên bản hợp tác thực hiện quy hoạch dự án khu đô thị mới phía Nam thành phố Hải Dương.
Dự án khu đô thị mới phía Nam TP Hải Dương có diện tích quy hoạch 500ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, nằm tại cửa ngõ mới của TP Hải Dương.

Nhật muốn Trung, Hàn nới lỏng hạn chế nhập khẩu

Vietnam+ dẫn lại tin, Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản - Michihiko Kano ngày 14/4 đã kêu gọi hai người đồng cấp Trung Quốc và Hàn Quốc nới lỏng những hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tại các cuộc gặp song phương ở Jeju, Hàn Quốc.

Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản Michihiko Kano. (Ảnh: Getty)
Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản Michihiko Kano. (Ảnh: Getty)

Xuất khẩu thực phẩm của Nhật Bản sang Trung Quốc năm 2011 giảm 35,5% so với năm trước, còn xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 12%. Hai nước này vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm từ Nhật Bản, phần lớn có xuất xứ từ tỉnh Fukushima và vùng Kanto.
Đáp lại đề nghị của ông Kano nối lại nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản dựa trên các cơ sở khoa học, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Han Changfu nói rằng Trung Quốc sẽ xem xét lại lệnh cấm nếu cần thiết, trong khi Bộ trưởng nông nghiệp Hàn Quốc Suh Kyu Yong cho rằng cần phục hồi lòng tin của người tiêu dùng.

Người Australia chi "khủng" cho dịch vụ thẩm mỹ

Cũng theo Vietnam+, hiệp hội Bác sĩ thẩm mỹ của Australia ngày 13/4 công bố một dữ liệu công nghiệp cho biết tính từ đầu năm 2012 đến nay, người Australia đã chi tổng cộng hơn 664,4 triệu USD cho các liệu pháp thẩm mỹ, bất chấp điều kiện nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng và những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo kết quả điều tra của tổ chức trên thì đây quả là một con số đáng nể khi chi phí này cách đây 5 năm là 309 triệu USD.
Thư ký của Trường đại học phẩu thuật thẩm mỹ Australia, tiến sĩ Russell Knudsen tiết lộ chỉ riêng liệu pháp mịn hóa da bằng chất độn đã khiến người dân Australia chi tới gần 500 triệu USD.
Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy người Australia cũng có thể đã chi một lượng tiền tương tự cho những ca phẩu thuật phức tạp hơn như cấy ghép ngực, hút mỡ thừa, gọt mặt...
Hương Trà (tổng hợp)