Được lên truyền hình, máy mat-xa "made in TQ" đội giá hơn 11 lần

06/06/2013 13:59
Theo Vnexpress
Một chiếc máy mátxa nhập từ Trung Quốc có giá khoảng 8 USD (170.000 đồng) nhưng được bán cho người tiêu dùng gần 2 triệu đồng. Chiếc quần lót chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng bán ra gần 400.000 đồng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh gần đây đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của người tiêu dùng về các hình thức lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua bán hàng qua kênh truyền hình. Trong đó, các phản ánh tập trung vào một số hình thức lừa đảo như bán hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, đề nghị người tiêu dùng đặt cọc tiền mua rồi không giao hàng, không bảo hành, chỉ bán hàng qua điện thoại, không có điểm bán trực tiếp....

Hàng bán trên truyền hình: Chất lượng không giống nội dung quảng cáo?

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đánh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng, các chương trình bán hàng trên truyền hình hầu hết tập trung vào mức giảm giá đặc biệt của sản phẩm. Rất nhiều vụ việc “mua một bán mười” của các doanh nghiệp đã bị cơ quan nhà nước phát hiện. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 5, Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vạn Gia Hảo và phát hiện hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm quảng cáo qua truyền hình và bán hàng qua điện thoại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, ngoài các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dán nhãn phụ thì đoàn kiểm tra cũng phát hiện mức độ “thổi phồng” giữa giá bán với giá nhập khẩu của các sản phẩm. Ví dụ,  sản phẩm máy mátxa Body Pro nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng). Tuy nhiên, sau khi “thổi phồng” công hiệu trên các kênh truyền hình, sản phẩm được bán gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo công bố trên một số kênh truyền hình, mức giá này đã được giảm 50%.

Đặc biệt, một loại quần lót định hình có giá gốc chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng giá bán lẻ lên đến gần 400.000 đồng mỗi chiếc.

Đại diện Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, ngay sau thông tin Vạn Gia Hảo bị “sờ gáy”, các đài truyền hình phát các quảng cáo máy matxa của Body Pro của công ty này đã chủ động rút các quảng cáo xuống và không tiếp tục cho phát.

Đây không phải là lần đầu tiên các công ty bán hàng qua truyền hình bị phát hiện có vấn đề. Tháng 10/2012, kiểm tra chi nhánh Công ty Home Shopping tại đường Vân Côi, quận Tân Bình do người Hàn Quốc làm chủ, quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ 390 máy tập đi bộ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Số hàng nhập lậu tại công ty này là 19 vali, 900 máy sấy tóc, cùng hàng trăm máy xay sinh tố, bàn ủi...

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, theo phản ánh hầu hết người tiêu dùng sau khi đặt mua hàng và sử dụng thì mới phát hiện ra chất lượng của sản phẩm không như nội dung quảng cáo. Cách đây không lâu, xảy ra vụ việc công ty mua sắm Happy Shopping bán hàng giả hàng nhập lậu và quảng cáo sai sự thật đã bị xử phạt. Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chăm sóc có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng hiện tượng này cũng rất phổ biến.

Ngoài hình thức này, nhiều đơn vị bán hàng đề nghị người tiêu dùng đặt cọc tiền mua rồi không giao sản phẩm hoặc giao loại kém chất lượng. Sau khi nhận sản phẩm, người tiêu dùng cố gắng liên lạc với đơn vị bán hàng thì không gặp được người chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, sau khi mua hàng, sản phẩm hỏng, lỗi, nhiều người tiêu dùng chuyển hàng lại để công ty bảo hành nhưng không được. Đến trực tiếp địa chỉ bảo hành do công ty quảng cáo trên truyền hình thì không thấy văn phòng, nhiều khi chỉ là một quán trà đá hoặc địa chỉ của bưu điện nơi đơn vị bán hàng đăng ký dịch vụ chuyển phát thư từ, bưu phẩm.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, hiện chủ yếu các mua bán này chỉ chấp nhận giao dịch qua điện thoại và không có cửa hàng tiêu thụ trực tiếp. Qua cách này, người tiêu dùng rất khó để có thể liên hệ với bên bán khi xảy ra sự cố với sản phẩm.

Cơ quan này nhận định, tuy là một hình thức giao dịch mới xuất hiện nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mua bán qua truyền hình đã biến tướng rất nhiều hình thức lừa đảo người tiêu dùng. Do vậy, Cục cảnh báo người tiêu dùng khi mua bán qua các kênh truyền hình nên chọn những kênh uy tín, kiểm tra lại thông tin quảng cáo trước khi quyết định đặt hàng, xác định rõ danh tính và địa chỉ của đơn vị bán hàng...

Người tiêu dùng có thể khiếu kiện

Với hàng loạt vụ sai phạm như trên, cơ quan chức năng cho rằng cần siết chặt hơn nữa hình thức này nếu không muốn sản phẩm kém chất lượng, bán giá cao, không rõ nguồn gốc liên tục tới tay người dân.

"Tuy hình thức bán hàng qua tivi có ưu điểm là tiếp thị hàng đến mọi người xem, giá cả có, giao hàng tận nơi nhưng có thể thấy các doanh nghiệp vi phạm trên khi quảng cáo thì đều không để địa điểm kinh doanh. Sản phẩm thì chất lượng không rõ ràng, có khi còn được rao quá mức", đại diện Đội quản lý thị trường 2A TP.HCM phân tích.

Đội 2A kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình, yêu cầu các đơn vị này khi quảng cáo phải thông tin rõ địa điểm kinh doanh để thuận tiện, minh bạch cho người tiêu dùng.

Về khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng khi nhà cung cấp quảng bá sản phẩm kém chất lượng, bán ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe... thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.

"Người dùng chỉ cần chứng minh mình bị thiệt hại và không phải nộp án phí, tạm ứng lệ phí khi kiện. Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng nêu rõ, trường hợp kinh doanh hàng hóa dịch vụ qua bên thứ 3 (như truyền hình) thì bên thứ 3 này phải đảm bảo thông tin chính xác đầy đủ, giấy chứng nhận đảm bảo của doanh nghiệp muốn quảng cáo và họ cũng liên đới chịu trách nhiệm khi có khởi kiện", ông Hậu khẳng định.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có nhà đài nào bị xử phạt về việc bán hàng qua truyền hình, lời ông Hậu.
Theo Vnexpress