Giá đắt+thức ăn nghèo nàn, căn tin đẩy SV ra quán cơm "bụi"

14/10/2011 06:36
Bài, ảnh: Khởi Sự
(GDVN) - Tiết kiệm được vài nghìn đồng cộng thêm một suất ăn bắt mắt, ngon miệng hơn so với cơm ở căn tin là lý do tại sao các SV đổ dồn tới các quán cơm bụi.

Khi vật giá leo thang, thực phẩm cũng trở nên đắt đỏ, để có bữa ăn phục vụ sinh viên với mức giá cạnh tranh nhằm lôi kéo các bạn trẻ, không ít quán cơm bình dân đã nhập nguyên liệu thịt ôi thiu, rau bầm dập hoặc pha chế thêm nhiều phụ gia để tăng màu sắc, mùi vị hấp dẫn cho bữa ăn.

Không ít người đặt câu hỏi, tại sao các cô, câu cử nhân tương lai lại phải ra ngoài ăn cơm hộp, cơm bụi mà không chọn một suất ăn trong căn tin các trường đại học (ĐH)? Những lý do nêu ra dưới đây đã phần nào lý giải điều đó.


“Chọn quán ăn ngoài vì không phải xô đẩy, chen lấn”

Khảo sát một vòng các quán ăn nằm trong khuôn viên kí túc xá các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, điều mà phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ghi nhận được: Mỗi suất ăn của các bạn sinh viên ở đây quá đơn giản và sơ sài.

Tại quán cơm nhỏ của tư nhân nằm trong khuất trong khu kí túc xá trường ĐH Bách Khoa, một tốp nữ sinh viên đang quây quần bên nhau, suất cơm mà họ chọn có giá rẻ nhất là 10.000 đồng.
Suất ăn nghèo nàn tại căn tin của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. "Với chừng ấy tiền, mình buộc phải ăn tại các quán cơm bình dân này, còn nếu có thêm tiền chẳng dại gì mình ăn ở đây!".
Suất ăn nghèo nàn tại căn tin của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. "Với chừng ấy tiền, mình buộc phải ăn tại các quán cơm bình dân này, còn nếu có thêm tiền chẳng dại gì mình ăn ở đây!".
“Thời buổi lạm phát, 10.000 đồng bây giờ ra chợ thì làm gì mua được gì mà ăn. Cơm ở đây, vệ sinh chắc không thể tuyệt đối được nhưng quan trọng là phù hợp với giá cả sinh viên, nói cách khác, với chừng ấy tiền, mình buộc phải ăn tại các quán cơm bình dân này, còn nếu có thêm tiền chẳng dại gì mình ăn ở đây” – Bạn Thu Hương, sinh viên năm 2 trường ĐH Bách Khoa cho biết.

Với Hương và các bạn của Hương, cơm hộp tại các quán cơm nằm trong kí túc xá của trường đều rất "khó nuốt" và khô đến “cháy cổ”.

“Ngày xưa, nhà trường có nhà ăn B13 và A15, cơm nấu ăn cũng được nhưng bây giờ hình như đều đã chuyển cho tư nhân hết, vả lại, sinh viên kí túc xá đi bộ ra đó cũng hơi xa nên nhiều người lựa chọn giải pháp ăn luôn trong quán cơm tại sân kí túc xá vừa gần, vừa thuận tiện, đỡ đi lại xa xôi” – Bạn của Hương tiếp lời.
Ngoài ra, đối với sinh viên Bách Khoa, quán cơm Thanh Hiền và một số quán khác nằm trong con hẻm của phố Tạ Quang Bửu đã từ lâu trở thành địa chỉ khá quen thuộc của nhiều người.

“Mình thấy giá cả ở quán cơm bình dân này cũng tương đương trong nhà ăn của trường Bách Khoa. Với 15.000 – 20.000 đồng, mình có thể có một bữa ăn ngon, thoải mái lựa chọn thay vì phải chen lấn, xô đẩy và chờ đợi nhau trước quầy đồ ăn của các căn tin”, với Nguyễn Quốc (quê ở Hải Hậu, Nam Định), lý do bạn rời nhà ăn tập thể của Bách Khoa ra mua cơm tại quán cơm bụi bên ngoài chủ yếu là do không gian thoáng đãng, rộng rãi hơn.
Quán cơm Thanh Hiền (Tạ Quang Bửu) luôn nườm nượp khách ra vào trong đó phần lớn thực khách là các bạn sinh viên trường ĐH Bách Khoa.
Quán cơm Thanh Hiền (Tạ Quang Bửu) luôn nườm nượp khách ra vào trong đó phần lớn thực khách  là các bạn sinh viên trường ĐH Bách Khoa.
“Mình thấy m ột sự thật ở các căn tin là: Ngày nào cũng xếp hàng mua phiếu, chờ lấy phiếu rồi lại ra xếp hàng lấy đồ ăn, mình cảm thấy rất mất thời gian và mệt mỏi. Năm nhất, mình có thể chầu chực như thế được nhưng từ năm 2 trở đi, khi lịch học dày đặc, tranh thủ ít thời gian ngắn ngủi, hầu hết là mình ăn ngoài. Giá cả cạnh tranh, địa điểm gần nhà trọ thuận tiện, đồ ăn thức uống cũng không đắt hơn căn tin là bao nhiêu,…” – Quốc giải thích thêm cho lựa chọn quán cơm bụi bên ngoài của mình.


“Cơm ngoài rẻ hơn căn tin là cái chắc”

Có mặt tại cổng trường kí túc xá trường ĐH Kinh tế quốc dân trong giờ ăn trưa, theo ghi nhận của phóng viên, có rất nhiều bạn sinh viên xách những bao ni lông trắng, trong đó có suất cơm hộp mà mình vừa mới mua ở bên ngoài về phòng ăn. Trò chuyện với bạn sinh viên tên Yến, K53 trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chúng tôi đã hiểu lý do tại sao bạn chọn mua cơm hộp bên ngoài thay vì chọn một suất ăn ở căn tin của trường.
Nhiều bạn sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân tới bữa ăn là ra ngoài mua cơm về phòng, chứ không dùng cơm ở căn tin trong khuôn viên kí túc xá.
Nhiều bạn sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân tới bữa ăn là ra ngoài mua cơm về phòng, chứ không dùng cơm ở căn tin trong khuôn viên kí túc xá.
“Trường mình có tất cả 2 nhà ăn nhưng thức ăn trong căn tin không đa dạng như ngoài. Không chỉ có mình mà rất nhiều bạn bè trong kí túc xá đều ra ngoài ăn cơm. Đôi khi nó còn là thói quen và “hiệu ứng đám đông”, mỗi lần sinh viên năm nhất mới nhập học, nghe các anh chị khóa trước giới thiệu về quán cơm ngoài cổng trường và than thở về nhà ăn cho sinh viên trong khuôn viên kí túc xá, bạn ra ngoài ăn thử và thấy hợp miệng, lần sau cứ thế ăn ngoài thôi” – Yến nói.
Theo lời Yến kể, với suất cơm 20.000 đồng, Yến có thể đảm bảo sức khỏe của mình với 2 loại rau và các thức ăn mặn như thịt và cá.

“Cơm căn tin bao giờ cũng đắt hơn cơm ngoài do phí dịch vụ. Bình thường chọn suất 12.000 – 15.000 đồng, mình được 2 món mặn và rau, như vậy là đủ ăn. Trong khi đó, nếu ở căn tin, cơm 15.000 đồng chẳng có gì. Có lần mình mua 14.000 đồng chỉ được 2 miếng đậu phụ cuộn thịt nho nhỏ và 1 miếng trứng mỏng tang. Về cơ bản, suất ăn 12.000 đồng ở căn tin sẽ tương ứng với suất 10.000 đồng ở bên ngoài. Vả lại vì luôn phải cạnh tranh, quán ăn ngoài thường đưa ra mức giá ưu đãi nhất có thể nên sinh viên bọn mình được hưởng lợi đôi chút”, Thu Huyền sin- h viên K50 trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay.
Theo ý kiến của nhiều sinh viên: Giá một suất cơm ở căn tin vẫn đắt hơn cơm ngoài.
Theo ý kiến của nhiều sinh viên: Giá một suất cơm ở căn tin vẫn đắt hơn cơm ngoài.
Trong khi đó, với các bạn sinh viên, tiêu chí giá rẻ luôn được đưa lên đặt hàng đầu. Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Quốc Khánh, sinh viên năm nhất trường ĐH Mỏ - địa chất Hà Nội nhận xét: “Hầu hết sinh viên bọn mình đều nhận thức được rằng: Cơm bụi giá rẻ chắc chắn không vệ sinh được như cơm nhà hoặc căn tin trong trường nấu. Nhưng với số tiền hạn hẹp, lại muốn ăn nhiều nên các bạn trẻ vẫn phải ra ngoài ăn cơm theo kiểu: biết bẩn mà vẫn phải ăn”.

“Cơm bụi ngon hơn”

Đó là nhận xét chung của hầu hết các bạn sinh viên khi đưa ra phép so sánh giữa cơm bụi bên ngoài và cơm căn tin trong các trường Đại học.

“Rau trong căn tin trường mình chủ yếu là món luộc và xào, còn thịt thì chỉ có thịt rán, thịt kho tàu, nhưng nếu mình ra ăn ngoài thì có thể lựa chọn rau nộm, giả cầy, chuối om,… và được đổi khẩu vị liên tục” – Oanh, sinh viên K50 trường ĐH Kinh tế Quốc dân tâm sự.
Oanh cho biết: Từ năm thứ 2 trở đi, Oanh thường xuyên ăn ngoài cùng bạn bè. “Chỉ khi nào tan học muộn, cơm ở ngoài hết thì mình mới phải tính tới giải pháp cuối cùng là ăn cơm căn tin”.
Món khoai tây xào nát vụn và một số món ăn quen thuộc tới nhàm chán tại căn tin các trường đại học.
Món khoai tây xào nát vụn và một số món ăn quen thuộc tới nhàm chán tại căn tin các trường đại học.
Với 10.000 – 15.000 đồng, các sinh viên nếu vào căn tin chỉ có thể gọi được các món ăn đơn giản và với số lượng ít, còn nếu ra ngoài, những “thượng đế” này sẽ tha hồ lựa chọn các món ăn phong phú và đa dạng.

Thêm vào đó, “thái độ phục vụ của quán ăn ngoài bao giờ cũng niềm nở hơn bởi lẽ mình bỏ tiền ra để mua dịch vụ của họ, còn ở căn tin, mọi thứ đều gò bó và cứng nhắc, người đứng quầy lúc nào cũng nhăn nhó, bực bội vì phải phục vụ quá nhiều sinh viên” – Một bạn sinh viên năm cuối nhận xét.
Bài, ảnh: Khởi Sự