Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 - NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, khối doanh nghiệp tư nhân bước đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn và từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong tổng thể cơ cấu kinh tế quốc gia.
Từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, trong 2 năm 2017 - 2018 có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Điểm tích cực trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng, công nghệ, du lịch, nghỉ dưỡng... góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu Quốc gia Việt Nam ở những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động và hiện có hơn 3000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.
Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.
Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm).
Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).
Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động).
Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet chính thức khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Bali, kết nối thành phố lớn nhất Việt Nam và điểm đến du lịch nổi tiếng của Indonesia. Ảnh: Vietjet. |
Kinh tế tư nhân trở thành trụ cột chính của nền kinh tế
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế tài chính, Tiến sĩ - Nguyễn Trí Hiếu, chia sẻ: “Trong hai năm 2017 - 2018, khu vực Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thu ngân sách Nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực Kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15% năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư Nước ngoài, trong khi nộp ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm”.
Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
“Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của Kinh tế tư nhân. Đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của kinh tế tư nhân ngày càng lớn.
Từ năm 2016 trở về trước, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% tổng thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thấp hơn cả tỷ trọng của doanh nghiệp Nhà nước (thấp hơn đến 11%) và tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tỷ trọng này của kinh tế tư nhân đã đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia”, ông Hiếu đánh giá.
Sự nổi lên của một số Tập đoàn tư nhân như Vingroup, Sun Group, VietJet Air... có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ cho thấy thực lực của nền kinh tế Việt tăng lên mà còn gợi cho chúng ta một cách tư duy mới về sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Điểm đặc biệt đã được khẳng định đó là sau khủng hoảng kinh tế thế giới, khối doanh nghiệp tư nhân là động lực hồi sinh nền kinh tế và họ xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp quan trọng ấy.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort mà Sun Group là khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới 4 năm liên tiếp (2014 - 2017). Ảnh: Sun Group. |
Khắc phục một số tồn tại, hạn chế
Những năm qua, môi trường kinh doanh ở nước ta đã được cải thiện nhiều, song vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực Kinh tế tư nhân phát triển mạnh... nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, và chồng chéo.
Doanh nghiệp tư nhân còn bị đối xử chưa công bằng so với các đối tượng doanh nghiệp khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến doanh nghiệp Nhà nước mà chưa đề cập đến doanh nghiệp tư nhân.
Ông Hiếu nêu quan điểm: “Để kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển, cần tập trung giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa các chủ thể kinh doanh, giữa kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, phần lớn sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu.
Công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung ở một số ít doanh nghiệp tư nhân, ở một số ít lĩnh vực. Các doanh nghiệp tư nhân phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, rất ít vươn được ra thị trường nước ngoài.
Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp tư nhân lớn có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các doanh nghiệp nước ngoài”.
Việc giải quyết những rào cản về thủ tục hành chính là bắt buộc, nhưng để doanh nghiệp có thể phát triển thì vấn đề thị trường, đầu ra và hình thành nơi trao đổi buôn bán... giúp các doanh nghiệp phát triển đột phá là rất quan trọng.
Vingroup xây thêm nhà máy sản xuất điện thoại thông minh. Ảnh: Vingroup. |
Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững
“Nhà nước cần nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho Kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển Kinh tế tư nhân.
Tăng cường cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển Kinh tế tư nhân”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đó, vấn đề thiết yếu đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế, tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo quy luật thị trường.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới |
“Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm cao”, ông Hiếu nói.
Các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý trên cơ sở hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, đẩy mạnh hoạt động Marketing.
Để hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả như mong muốn, các doanh nghiệp tư nhân cần coi trọng yếu tố công nghệ trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Các doanh nghiệp tư nhân cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị một lộ trình thích hợp, không loại trừ việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác cũng như tranh thủ các cơ hội.
Bên cạnh sự quan tâm khuyến khích của Đảng và Nhà nước, thực tế cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân phần lớn do khu vực kinh tế tư nhân quyết định với nỗ lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thông qua tăng cường tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội.
Ông Hiếu nhận định: “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại... thì những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư là rất cần thiết.
Nền kinh tế Việt Nam hiện có nhiều trụ cột trong các ngành không phải là doanh nghiệp nhà nước mà do doanh nghiệp tư nhân chi phối và đa phần làm ăn có hiệu quả.
Một nền kinh tế muốn chuyển sang sáng tạo thì buộc phải đạt hiệu quả cao với nhiều giá trị gia tăng, trong đó vai trò của kinh tế tư nhân ở góc độ nào đó thậm chí còn mang tính quyết định.
Việt Nam nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa”.
Coi tư nhân là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng tôi phải cảm ơn chủ trương này của Đảng, Nhà nước. Để thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tôi thấy rằng từ Chính phủ tới các cấp, ngành đều phải có chung một hành động. Thủ tướng đã nói những gì tư nhân làm tốt thì tạo điều kiện để cho tư nhân làm, vậy Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khai thác tốt nguồn lực tư nhân, cho phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng hàng không. Tận dụng tốt cơ hội 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi cũng mong được ứng xử bình đẳng, công bằng để hướng tới việc xây dựng tập đoàn kinh tế tư nhân làm đầu tàu. (Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air). |