Giám sát toàn diện BOT, Kiểm toán nhà nước không thể ngoài cuộc

17/09/2016 08:27
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên, những bất cập dự án BOT giao thông đòi hỏi một cơ quan giám sát toàn diện. Xét khía cạnh đó, chỉ Kiểm toán Nhà nước là phù hợp.

Đứng vai trò đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội là người có nhiều ý kiến kiến nghị, đóng góp cho dự án BOT giao thông.

Ý kiến của ông Bùi Danh Liên khi thì bằng văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính khi là những phát biểu trên các phương tiện truyền thông.

Bất cập BOT rõ như ban ngày

Tham dự Hội thảo khoa học về những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước được Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/9/2016 bằng bài tham luận tài tới 7 trang giấy khổ A4, ông Bùi Danh Liên khẳng định tất cả những vấn đề dự án BOT giao thông đã được ông và các chuyên gia nhà khoa học khác nêu ra tại hội thảo.

Bất cập dự án BOT giao thông rất rõ vấn đề cón lại cách khắc phục xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Bất cập dự án BOT giao thông rất rõ vấn đề cón lại cách khắc phục xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Liên, tại hội thảo có đến 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như đại diện các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước.

“Hội thảo Kiểm toán Nhà nước tổ chức có sự tham dự đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia giao thông, chuyên gia kinh tế cho thấy những vấn đề xung quanh dự án BOT giao thông không chỉ là doanh nghiệp vận tải, người có phương tiện ô tô quan tâm mà nó đang nhận sự quan tâm của toàn xã hội”, ông Bùi Danh Liên nói.

Những bất cập dự án BOT giao thông nêu ra tại hội thảo, theo ông Liên đã rõ như ban ngày, cả cơ quan quản lý cũng biết rõ, có thể tóm tắt theo hai khía cạnh: Thứ nhất bất cập trạm thu phí BOT, trong đó bao gồm khoảng cách trạm thu phí chưa đúng quy định 70km/ trạm thu phí. 

Cùng với đó là mức thu phí tại các trạm BOT đang cao, mặt khác do hầu hết các dự án BOT giao thông hiện nay không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. 

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội người có nhiều góp ý với hình thức đầu tư BOT giao thông - ảnh: H.Lực
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội người có nhiều góp ý với hình thức đầu tư BOT giao thông - ảnh: H.Lực

Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi).

Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tài chính ban hành Thông tư riêng về mức thu phí cho từng dự án để áp dụng trên cơ sở phù hợp với khung mức phí được quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Tuy nhiên, độ dao động trong khung mức phí này đối với từng loại xe là tương đối cao. 

Cụ thể, đối với loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng hiện có khung mức phí dao động từ 15.000 - 52.000 đồng/lượt.

Giám sát toàn diện BOT, Kiểm toán nhà nước không thể ngoài cuộc ảnh 3

Vì sao đến bây giờ mới kiểm toán các dự án BOT giao thông?

Giám sát toàn diện BOT, Kiểm toán nhà nước không thể ngoài cuộc ảnh 4

Mới kiểm toán 4 trạm BOT đã rút ngắn được 5-11 năm thu phí

Chính vì mức độ dao động lớn như vậy nên các trạm thu phí khác nhau trên cùng tuyến quốc lộ có mức thu rất khác nhau. Hơn nữa, việc ban hành từng Thông tư riêng về mức phí vừa phức tạp thêm thủ tục hành chính, vừa thiếu minh bạch về cơ sở xác định mức thu phí, hình thành cơ chế xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ hai, bất cập trong thực hiện dự án BOT bao gồm thực hiện dự án BOT giao thông đường bộ ồ ạt trong thời gian ngắn, phí chồng phí, thu phí dù người dân không đi đường BOT… Mặt khác là sự buông lỏng cơ quan quản lý nhà nước. 

Sự buông lỏng cơ quan quả lý nhà nước ở chỗ, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần nhà đầu tư và vốn đầu tư. Bộ Giao thông vận tải thì cần các công trình hạ tầng.

Như vậy với xuất phát đó, mỗi Bộ với lĩnh vực quản lý của mình đều muốn đóng góp vào sự phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên sự mong mỏi đó trở thành cái cớ cho nhóm lợi ích hình thành khi chỉ ra sức kêu gọi đầu tư còn việc kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư chưa đươc quan tâm đúng mức.

Kiểm toán nhà nước không thể ngoài cuộc

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, bất cập dự án BOT giao thông dẫn đến bài học nhãn tiền người dân, phương tiện vận tải chắn trạm thu phí gây ách tắc giao thông, mất trật tự an ninh khư vực trạm thu phí. 

“Tuy nhiên nếu không có giải pháp từ gốc dễ thì sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực khác, nếu có phản ứng tiêu cực thì ý nghĩa phát triển hạ tầng giao thông thúc đầy phát triển kinh tế trong dự án BOT giao thông không còn”, ông Liên nhận định.

Để giải quyết những bất cập dự án BOT giao thông, phải có cơ quan riêng rẽ đứng ra thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án BOT giao thông.

Ông Liên phân tích, các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đều có thanh tra chuyên ngành tuy nhiên ít nhiều các Bộ này đều tham gia trong vấn đề quyết định chủ trương đầu tư hay phê duyệt dự án. Do đó nếu để lực lượng thanh tra chuyên ngành các Bộ chỉ có thể trên lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

“Vấn đề bất cập dự án BOT giao thông là tổng thể dự án từ vốn đầu tư, chi phí đầu tư, yếu tố kỹ thuật dự án, đòi hỏi một cơ quan giám sát toàn diện. Xét khía cạnh đó chỉ Kiểm toán Nhà nước là phù hợp bởi họ không tham gia phê duyệt, cấp phép đầu tư dự án”, ông Liên nhận xét.

Theo đó, ông Liên cho rằng cơ quan kiểm toán nên kiểm toán suất đầu tư, chi phí hợp lý, các ưu đãi đổi đất lấy hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Xác định vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, quyết toán công trình, tỷ lệ lãi suất kinh doanh của nhà đầu tư. 

Kiến nghị xử lý theo pháp luật, nghiêm khắc xử lý những người thi hành công vụ lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh lại cự ly các trạm thu phí, kiên quyết dừng các dự án BOT chưa cấp bách, làm đường cao tốc phải đầu tư xây dựng mới đúng quy chuẩn. Trong hoàn cảnh nào cũng phải có Quốc lộ song song để người dân lựa chọn, đồng thời minh bạch suất đầu tư và vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh triển khai sớm thu phí một dừng và không dừng.

Cũng theo ông Liên, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát các văn bản quy phạm, trước mắt điều chỉnh cự ly các trạm thu phí, dừng ngay dự án BOT giao thông chưa cấp bách; Làm đường cao tốc không được nâng cấp từ đường quốc lộ mà phải xây dựng mới; dự án BOT phải có đường quốc lộ song song không thu phí để người dân được lựa chọn; phải yêu cầu quyết toán xong dự án mới được thu phí tránh việc dự án vừa làm vừa thu phí.

Mai Anh