Gỡ nút thắt để kinh tế tư nhân thành trụ cột mới

31/10/2019 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cần khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực lâu nay doan nghiệp nhà nước độc quyền như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay...

Ngày 30/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Như So - đoàn Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tham gia đóng góp rất sâu về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu bày tỏ sự đồng tình Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Như So - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Như So - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu nhấn mạnh, trong tất cả các nền kinh tế không phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, kinh tế tư nhân luôn tồn tại. Sự khác biệt chỉ là vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế.

Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp trên 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm và tránh được hiện tượng tiêu cực.

Tuy nhiên, kinh tế trong khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được trụ cột mới của nền kinh tế. Vậy nút thắt ở đây là gì?

Nhà nước cần làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân cần phải làm gì để lớn mạnh.

Đóng góp một số giải pháp thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo, đại biểu tham gia ba nội dung sau:

Một là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, chúng ta có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân từ Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 19 của Chính phủ và số 02, những chính sách đó đã đúng và trúng để giải bài toán nâng cao nội lực của khu vực này chưa?

Tại sao phần lớn các doanh nghiệp đều không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định? Theo đại biểu cần nhanh chóng tháo gỡ ba nguyên nhân sau.

Thứ nhất, phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.

Năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 trên thế giới, tăng 10 bậc và 3,5 điểm.

Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ mặc dù trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, thế nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018.

Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển?

Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp, các giấy phép con cháu.

Chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên doanh nghiệp.

Theo đại biểu, nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng của nó.

Thứ hai, xác định chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

Do đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa theo Nghị quyết 39 năm 2019 của Bộ Chính trị là cân bằng căn cơ, là bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay năng suất lao động ở Việt Nam khá thấp, thiếu nhiều lao động ở phân khúc trình độ cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng chứng chỉ chỉ chiếm 2,2% và tỷ lệ những người có trình độ đào tạo phù hợp với công việc khoảng 40%, nhưng tỷ lệ này lại đang có xu hướng giảm xuống trong khi xu hướng của các nước đã tăng lên.

Do vậy cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực, chất lượng gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng, theo quy hoạch của từng ngành nghề địa phương.

Nếu không làm tốt vấn đề này, Việt Nam có thể bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.

Thứ ba, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

6 nhóm giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân
6 nhóm giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân

Hiện chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thương hiệu.

Hiệu quả chuyển giao công nghệ của Việt Nam ở mức thấp, đứng thứ 103 trên thế giới và đi sau rất nhiều so với khu vực.

Do vậy, nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.

Tiếp đó là khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc...

"Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực. Do vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, công khai, mời gọi tư nhân tham gia vào các dự án này.

Với cơ chế chính sách thân thiện, rõ ràng, cần sớm cho ý kiến thông qua Luật Đối tác công tư nhằm tháo gỡ rào cản bài toán cho đầu tư lĩnh vực đặc thù của doanh nghiệp tư nhân.

Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thu nhập.

Thực lực của nền kinh tế Việt Nam tăng lên trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia, ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt", đại biểu nhấn mạnh.

Đỗ Thơm