GS Nguyễn Mại: "Bà Thái Hương đã chớp được cơ hội đầu tư vào Nga"

18/11/2015 07:42
Mai Anh
(GDVN) - GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lúc này là cơ hội thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nga.

Mô hình đầu tư bài bản

Cuối tháng 10/2015, Tập đoàn TH (do bà Thái Hương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) và tỉnh Matxcơva (Liên bang Nga – gọi tắt là Nga) thống nhất ký thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Matxcơva. 

Dự án có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn I có vốn đầu tư 500 triệu USD.

Tập đoàn TH sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết vào cuối năm nay để có thể chính thức khởi công Dự án vào tháng 4 sang năm. Dự kiến, giữa năm 2017, sản phẩm sữa TH đầu tiên sẽ ra mắt tại Liên bang Nga.

Gian hàng TH true MILK tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao (đang diễn ra tại Liên Bang Nga) thu hút rất nhiều khách hàng Nga tới tham quan, mua sản phẩm (Ảnh: Điệp Anh, Hải Nam).
Gian hàng TH true MILK tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao (đang diễn ra tại Liên Bang Nga) thu hút rất nhiều khách hàng Nga tới tham quan, mua sản phẩm (Ảnh: Điệp Anh, Hải Nam).

Dự án Sữa tươi sạch tại Nga sẽ được TH triển khai tương tự mô hình dự án mà tập đoàn này đang triển khai tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) và được thực hiện trong 10 năm, từ năm 2015 đến 2025.

Ngoài Tập đoàn TH, một “đại gia” nữa trong ngành sữa Việt Nam là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đang xây dựng chương trình hợp tác và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Nga.

Tập đoàn TH có kế hoạch đầu tư sữa tươi sạch, thực phẩm, dược liệu sạch. Kế hoạch này sẽ kéo dài suốt 10 năm, với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 vừa được ký kết với mức vốn là 500 triệu USD chủ yếu tập trung sản xuất, chế biến sữa tươi sạch.

Tập đoàn TH đang hoàn thành các thủ tục đầu tư sang Nga. Tiếp đến, trong vòng 2 tháng đầu năm 2016 Tập đoàn TH sẽ tiến hành xong thủ tục cấp đất để tới tháng 4, khi tuyết tan sẽ khởi công xây dựng. 

Khẳng định sản phẩm sữa TH sẽ sớm có mặt tại nước Nga, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH tin tưởng mạnh mẽ vào sự thành công của Dự án. 

Xu hướng đầu tư vào Nga của doanh nghiệp Việt đang gây bất ngờ cho giới đầu tư trong và ngoài nước. 

Trao đổi với với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Đây là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và ngành sữa Việt Nam nói riêng”.

"Nói tín hiệu đáng mừng bởi từ trước đến nay, doanh nghiệp Việt hầu hết tìm thị trường mới nổi, thị trường tại các nước đang phát triển, tính cạnh tranh thấp... nhưng nay đã dám tìm đến thị trường lớn, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm các thương hiệu lớn", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Theo GS. Nguyễn Mại, để dự án đầu tư tại nước ngoài thành công phải được chính phủ và các cơ quan chức năng của nước sở tại ủng hộ. Điều kiện này Tập đoàn TH đã có khi phía Nga hoan nghênh dự án đầu tư của Tập đoàn.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, không phải tự nhiên chính quyền tại Nga hoan nghênh doanh nghiệp Việt đến đầu tư, chắc chắn trước đó Nga đã có những tìm hiểu Tập đoàn TH là ai, đầu tư lĩnh vực gì, mô hình ra sao, ở đâu… Tức là bản thân họ phải tìm hiểu dự án Tập đoàn TH đã đầu tư tại Việt Nam.

"Có thể nói, chính sự thành công dự án trang trại tập trung chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An của Tập đoàn TH là cơ sở để Nga chào mời doanh nghiệp này đến đầu tư. Nhấn mạnh điều này để thấy doanh nghiệp Việt chỉ thành công khi có mô hình đầu tư bài bản”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng xu hướng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt.
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng xu hướng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt.

Về khả năng thành công của doanh nghiệp Việt tại thị trường Nga, GS. Nguyễn Mại cho rằng thành công của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài trong những năm qua là nền tảng để tin tưởng vào dự án của Tập đoàn TH. 

GS Nguyễn Mại: "Bà Thái Hương đã chớp được cơ hội đầu tư vào Nga" ảnh 3

Dự án 2,7 tỷ USD của Tập đoàn TH: Cú hích cho doanh nghiệp khai phá thị trường

GS Nguyễn Mại: "Bà Thái Hương đã chớp được cơ hội đầu tư vào Nga" ảnh 4

TH true MILK đầu tư dự án bò sữa 1 tỷ USD tại Nga

“Những câu chuyện thành công của Viettel khi đầu tư viễn thông ra quốc tế hay như Hoàng Anh Gia Lai đầu tư thành công lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản tại các nước trong khu vực là minh chứng khẳng định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ lực để đầu tư ra nước ngoài, ngay cả những thị trường khó tính”, GS. Nguyễn Mại nói.

Chớp cơ hội đầu tư

Bỏ số vốn không nhỏ lên đến 2,7 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 50.000 tỷ đồng vào thị trường có tính cạnh tranh cao như Nga, đã có không ít lo ngại cho TH True MILK khi phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu sữa lớn.

Tuy nhiên, trái với lo lắng này TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế độc lập cho biết, có ba lý do đảm bảo sự thắng lợi của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sữa nói riêng khi đầu tư vào Nga lúc này.

Thứ nhất, mối quan hệ lâu bền giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Liên Xô trước đây). Lãnh đạo hai nước qua các thời kỳ cũng như doanh nghiệp hai nước đều mong muốn hợp tác đầu tư.

Thứ hai, Việt Nam tham gia cùng các nước trong khối Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Kyrgyzstan) ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Theo Hiệp định này, hàng rào thuế quan hàng hóa xuất, nhập khẩu các nước trong khối sẽ giảm thậm chí về 0. Mở ra cơ hội hợp tác mới.

Thứ ba kinh tế Nga đang gặp khó khăn khi bị một số nước châu Âu cô lập vì vậy nguồn cung hàng hóa đang thiếu, đây cơ hội hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường nhiều hơn. Đồng thời doanh nghiệp Việt có cơ hội đầu tư mạnh hơn vào thị trường Nga. 

Đồng quan điểm trên, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh: Việt Nam và Nga có quan hệ truyền thống lâu năm. Từ năm 2000, lãnh đạo hai nước rất muốn đưa kim ngạch xuất khẩu hai nước trong giai đoạn 2010 – 2020 lên 10 -15 tỷ USD. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là vấn đề thanh toán.

Cụ thể, cả đồng Rúp của Nga và VND đều không thể thanh toán quốc tế được và phải sử dụng đồng USD. Tuy nhiên sử dụng phương thức thanh toán chung qua đồng USD cả hai bên sẽ chịu ảnh hưởng biến động giá của đồng tiền này.

“Nút thắt phương thức thanh toán đã được hai nước thống nhất trong đầu tháng 11 vừa qua, đó là thanh toán theo đồng nội tệ. Tức là hàng hóa Nga xuất khẩu sang Việt Nam sẽ hạch toán bằng đồng Rúp còn về Việt Nam tiêu thụ sẽ tính ra VND. Ngược lại khi Việt Nam xuất khẩu sẽ tính theo Việt Nam Đồng hàng hóa khi sang Nga sẽ quy đổi tính theo đồng Rúp”, GS. Nguyễn Mại cho hay.

Phương thức thanh toán theo đồng nội tệ được nhiều nước đã làm mà không phải thông qua USR, EURO hay một đồng tiền chung nào mà thanh toán trực tiếp giữ hai nền kinh tế với nhau được xem là giải pháp phù hợp tốt nhất hiện nay và giải quyết được trở ngại lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hai nước.

“Nga là thị trường lớn với tất cả doanh nghiệp các nước muốn đầu tư. Lúc này nền kinh tế của Nga đang trong giai đoạn bị cấm vận do đó nhiều mặt hàng hóa của châu Âu không vào Nga. Trong khi đó nhiều mặt hàng hàng hóa Nga cần Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tại Hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015" đang diễn ra tại Nga, hàng hóa Việt Nam được người Nga rất thích. Với tiềm năng của doanh nghiệp Việt và truyền thống quan hệ hai nước cho thấy Nga là thị trường đầu tư đầy tiềm năng của Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói. 

Mặt khác, GS. Nguyễn Mại cho rằng lợi thế nữa của doanh nghiệp Việt Nam là có lượng kiều bào người Việt lớn đang sinh sống làm việc tại Nga. Đây sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt dễ tiếp cận thị trường Nga hơn. 

“Người Nga cũng đánh giá tiềm năng của Việt Nam rất khác so với trước đây, cái nhìn của Nga về Việt Nam cũng khác không giống với trước đây. Nếu như trước đay Nga và Việt Nam chỉ hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí thì nay có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác, thị trường sẽ sẵn sàng mở của nếu nhận thấy doanh nghiệp đủ tiềm năng, chiến lược kinh doanh rõ ràng”, GS. Nguyễn Mại kết luận.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 9/2015, Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD.

Nga hiện đứng thứ 17/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 114 dự án đầu tư còn hiệu lực. Tính đến cuối tháng 9/2015, số vốn đầu tư đăng ký của Nga vào Việt Nam là 1,961 tỷ USD, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng. 

Mai Anh