Hàng TQ giá rẻ 'hấp hối', cơ hội vàng cho hàng Việt thắng trên sân nhà

22/06/2011 00:15
(GDVN) - Theo các doanh nghiệp Việt Nam: Thời điểm hiện tại là "cơ hội vàng" để thương hiệu Việt vươn lên, khẳng định vị thế trên thị trường nội địa.

(GDVN) - Một số chuyên gia trên thế giới đã dự đoán về sự kết thúc cho hàng Trung Quốc giá rẻ trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh. Bruce Rockowitz, giám đốc điều hành của Li&Fung, công ty cung cấp quần áo và sản phẩm gia dụng phổ biến "Made in châu Á" nhiều nhất thế giới, nói: "Đã tới lúc kết thúc thời của hàng hóa giá rẻ". Trong khi đó, theo các doanh nghiệp Việt Nam: thời điểm hiện nay là "cơ hội vàng" để thương hiệu Việt vươn lên, khẳng định vị thế trên thị trường nội địa.

>> Thị trường Việt Nam sắp 'vĩnh biệt' xe máy Trung Quốc?

>> Hàng Trung Quốc giá rẻ không còn làm khó doanh nghiệp Việt?

Theo chuyên viên thị trường Trần Đức Thành (Công ty CP bánh kẹo Hải Hà), hiện nay, thị trường bánh kẹo Trung Quốc chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 5% trong thị trường Việt Nam. “Đối với những người hiểu biết, những loại kẹo Trung Quốc kém chất lượng đã không còn tồn tại từ lâu, nó chỉ có thể có chỗ đứng một phần nào đó ở những vùng biên giáp ranh Trung Quốc hoặc được bày bán lẻ tẻ, lác đác trong các quán cóc ven đường hay gần trường học. Và những sản phẩm bánh kẹo giá rẻ, trôi nổi đó chỉ dừng lại ở những ô mai, những dây thạch hay những que kẹo mút nhựa màu mè, bắt mắt để thu hút, lôi kéo học sinh.

Cũng theo anh Thành, hàng bánh kẹo ở Việt Nam thực sự đã cạnh tranh rất tốt với hàng Trung Quốc trong thời gian vừa qua, thường xuyên xuất khẩu sang Trung Quốc một khối lượng lớn. Do chất lượng bao bì của Việt Nam đã cải tiến, mẫu mã, hình thức đẹp hơn nhiều so với trước cộng với phí nhân công nội địa rẻ đã hỗ trợ tạo ra mức giá tương đối hợp lý cho người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, nếu so sánh về những mặt hàng chính ngạch, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, bánh kẹo Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin đánh bật hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc.

Vừa qua, tại Việt Nam, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã “thổi lửa” cho người tiêu dùng (NTD), khích lệ họ ưu tiên sử dụng hàng hóa nguồn nội địa. Nhiều thương hiệu tên tuổi của Việt Nam cũng bắt đầu nổi tiếng hơn từ đó.

a
Sản phẩm dệt may của Việt Nam dần được NTD chấp nhận.
Nhiều sản phẩm may mặc ngày càng được giới trẻ và người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng như Jean Phong Phú, khăn bông Mollis, thời trang cao cấp Sanciaro, Manhatan của May Việt Tiến; Eternity GrusZ của Tổng Công ty May 10 hay dòng sản phẩm Mattana của Tổng công ty May Nhà Bè... đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt. Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu nội địa của Việt Tiến ước đạt trên 40% trong tổng doanh thu, đem lại giá trị gia tăng lớn cho thương hiệu may mặc uy tín này.

Nếu tính chung, doanh thu từ thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt May Việt Nam năm 2010 đạt 15.400 tỷ đồng, vượt mức 20% so với năm 2009 – mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Năm 2011, dự kiến doanh thu từ thị trường nội địa của toàn Tập đoàn ước đạt trên 17.000 tỷ đồng. Đặc biệt là ngay trong đầu năm 2011, mặc dù, xu thế chung của NTD là thắt chặt chi tiêu nhưng doanh thu của Tập đoàn này vẫn tăng trưởng ổn định, ước đạt 8.300 tỷ (trong 6 tháng đầu năm), tăng 22 - 23% so với cùng kỳ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban Thị trường trong nước của Vinatex, trong thời kỳ lạm phát như hiện nay, việc người Việt vẫn quan tâm dùng hàng Việt, điều đó cho thấy: NTD không chỉ nhận thức việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam đem lại lợi ích cho bản thân mà còn góp phần kích thích phát triển sản xuất trong nước, mang lại công ăn việc làm cho người lao động, tăng GDP và quan trọng hơn hết là khuếch trương thương hiệu Việt.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dệt may cũng nhận định: “Có thể nói, hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng ngày càng vững chắc trong lòng người Việt, chuyển từ chiếm giữ thị phần một cách thông thường, sang chiếm giữ não phần của NTD, và đang hướng tới chiếm giữ tâm phần, như là một nét văn hóa không thể hiết trong đời sống người Việt Nam”. 
a
Lương thực - thực phẩm trong nước dần chiếm lĩnh thị trường VN.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hương - Tổng Giám Đốc công ty cổ phần phân phối - bán lẻ VNF1.: “Sau hàng loạt những sự cố tiêu dùng về VSATTP như sữa Trung Quốc có melamine, gạo giả có xuất xứ từ Trung Quốc..., rất nhiều người không còn "dám" mua những mặt hàng chỉ có một số chữ ngoại in trên bao bì mà không rõ chất lượng và khâu kiểm duyệt như thế nào? Trước tình hình này, nhiều người dân đã xem lại thói quen mua sắm của mình và rất cân nhắc để chọn hàng nội hay hàng ngoại”.

Theo ông Nguyễn Văn Hương, nếu thị trường hàng Trung Quốc giá rẻ kết thúc, “đây có thể coi là thời cơ vàng để VNF1 khi tung ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã cải tiến đẹp sẽ dễ dàng chinh phục niềm tin của khách hàng trong nước”.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều luồng thông tin gây nhiễu loạn như: gạo giả có xuất xứ từ Trung Quốc, gạo ướp hương liệu.... người tiêu dùng đã ngày càng tin tưởng đến thương hiệu gạo chất lượng cao, ngon và sạch của Việt Nam.

Đại diện của một doanh nghiệp kinh doanh chăn, ga, gối đệm hàng đầu Việt Nam cũng chia sẻ. “Một loạt các khuyến cáo về đồ chơi trẻ em chứa chất gây ung thư, đồ nội tạng, đồ hộp xuất khẩu,… chúng ta liên tục kêu gọi “tẩy chay” hàng kém chất lượng, các sản phẩm độc hại, tuy nhiên, không ít người dân vẫn vô tình mắc phải vì thói quen ham “ngon – bổ - rẻ” vốn đã cố hữu từ lâu.

Nếu trước đây vì những nguyên nhân khách quan mà người Việt vô tình không quan tâm tới hàng trong nước thì thời điểm này thực sự là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nội địa khẳng định chỗ đứng của mình. Mặc dù vậy, nếu không xuất phát từ nội lực bên trong, từ cái tốt gốc rễ của mình thì cơ hội này cũng sẽ dễ dàng qua đi khi chưa kịp nắm bắt”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Văn Minh - đã đưa ra ý kiến: “Hàng rẻ luôn có cái giá của nó. Đã đến lúc chúng ta phải làm một cuộc “cách mạng” trong mua sắm, trong đầu tư và  trong quản lý để nhanh chóng đẩy lùi những mặt hàng kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường Việt Nam. Đừng để đến lúc quá muộn, khi hàng hóa Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại của nước ngoài”.

Mặc dù, trên thị trường hiện nay, đồ chơi Trung Quốc độc hại vẫn còn lấp ló không ít, nhưng ông Minh luôn nhấn mạnh: “Nếu có sự hỗ trợ, chung tay của Nhà nước, sự hiệp lực của các doanh nghiệp tư nhân cùng với sự khơi dậy lòng yêu nước, ủng hộ của kiều bào ta ở nước ngoài, sau một thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi được hàng giá rẻ, trôi nổi, kém chất lượng”.