Hàng triệu xe máy điện sắp thành sắt vụn?

23/05/2014 15:39
Theo GiadinhNet
Theo góc nhìn pháp lý của luật sư và cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện giao thông thì kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.

Với quy định bắt buộc phải có hóa đơn theo chuẩn của Bộ Tài chính thì xe máy điện mới được đăng ký, như vậy, liệu cả triệu xe máy điện đã sử dụng và đang lưu thông, buôn bán trên thị trường sẽ trở thành… sắt vụn? Theo góc nhìn pháp lý của luật sư và cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện giao thông thì kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.

Xe không rõ nguồn gốc thì không thể đăng ký

Ngày 22/5, trả lời PV, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra, xử lý tai nạn giao thông và tuyên truyền, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, con số xe máy điện theo thống kê từ các nhà nhập khẩu thì có khoảng 700.000 chiếc đang có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số “ngoài luồng” thì khó có thống kê cụ thể. Theo quy định, từ ngày 1/6 tới, loại phương tiện này buộc phải làm các thủ tục đăng ký với cơ quan công an.

Theo Thiếu tá Phạm Quang Huy, thực tế trên thị trường và sử dụng của người dân có thể chia ra thành các nhóm xe máy điện: Xe nhập khẩu; Xe lắp ráp và xe nhập lậu; Xe không rõ nguồn gốc. Thiếu tá Huy cho biết, theo quy định của Thông tư số 15 (tháng 4/2014), xe máy điện được người dân sử dụng trước ngày 1/7/2009, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chuyển nhượng thì chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương sẽ được cơ quan công an thực hiện thủ tục đăng ký.

Tuy nhiên, với xe không rõ nguồn gốc, xe nhập lậu sẽ không đủ điều kiện để đăng ký. Riêng xe nhập khẩu thì phải có hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn đã được công bố. Với xe sản xuất, lắp ráp, phải có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ GTVT.

Cả triệu xe máy điện sẽ thành sắt vụn khi không đủ điều kiện đăng ký?
Cả triệu xe máy điện sẽ thành sắt vụn khi không đủ điều kiện đăng ký?


Trong trường hợp xe máy điện được xuất theo lô cho cửa hàng, sau đó cửa hàng bán lẻ cho người dân thì có thể sử dụng hóa đơn xuất cho lô hàng thay cho hóa đơn cho từng phương tiện. “Khi thanh lý xe vi phạm thì cơ quan chức năng thường xuất hóa đơn theo lô xe. Hóa đơn này sẽ được dùng để chứng minh nguồn gốc của từng phương tiện trong lô đó khi làm các thủ tục hành chính”, Thiếu tá Huy nói.

Với các điều kiện cơ bản nêu trên, theo khảo sát của PV, phần lớn các cửa hàng bán xe máy điện không cung cấp đủ các hồ sơ nêu trên cho người mua. Như vậy, sẽ có một lượng không nhỏ loại phương tiện này không được đăng ký. Về số phận của lượng phương tiện này, một CSGT (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Chỉ còn cách tháo gỡ từng bộ phận dùng cho thay sửa khi các phương tiện hợp lệ cùng chủng loại bị hư hỏng”. Điều này đồng nghĩa cả triệu xe máy điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ sau 1/7/2009 trở lại đây sẽ trở thành... sắt vụn. Tại Hà Nội, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã tổ chức họp để hướng dẫn cho các đơn vị phụ trách đăng ký thực hiện đăng ký đối với xe máy điện.

Nên yêu cầu phải có hóa đơn khi mua hàng

Trao đổi với PV về vấn đề trên, Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH YouMe (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Thông tư 15 thì tất cả xe máy điện nhập lậu, xe không rõ nguồn gốc sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu có hóa đơn theo chuẩn của Bộ Tài chính. Quy định đã rõ, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi… Nội dung trên hóa đơn phải đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh; Không được tẩy xóa, sửa chữa; Phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; Chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống.

Như vậy, nghĩa vụ lập hóa đơn bán hàng để giao cho khách hàng của người bán hàng, nghĩa vụ nhận hóa đơn của người mua hàng theo quy định hiện hành là bắt buộc, trừ trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán dưới 200.000 đồng/lần. “Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, người vi phạm sẽ đối mặt với rủi ro. Cụ thể trong trường hợp này, người mua xe không thể thực hiện đăng ký xe theo quy định của pháp luật. Thực tế, hiện nay người mua hàng là cá nhân thường không có thói quen lấy hóa đơn. Đồng thời các đơn vi bán hàng cung cấp dịch vụ thường “quên” trách nhiệm cấp hóa đơn bán hàng cho khách hàng. Vì vậy, người dân nên mua xe tại đơn vị có uy tín, xe có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng nên tập thói quen yêu cầu người bán hàng, cung cấp dịch vụ giao hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ, để góp phần hạn chế hành vi trốn thuế, gian lận thuế và để đảm bảo quyền lợi của chính mình”, Luật sư Phạm Ngọc Minh khuyến cáo.

Theo Thông tư 39 của Bộ GTVT, xe máy điện là xe hai bánh, vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ không lớn hơn 250W, vận tốc thiết kế không lớn hơn 25 km/h, khối lượng bản thân cả ắc quy không quá 40 kg. Như vậy, tất cả các phương tiện có kêt cấu tương tự, có tốc độ lớn hơn 25km/h và khối lượng nặng hơn 40kg đều thuộc diện phải đăng ký.

Theo GiadinhNet