Hàng tỷ USD kiều hối về Việt Nam: Chưa có chính sách ưu đãi xứng đáng

25/12/2014 07:33
TS Nguyễn Trí Hiếu
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên dành riêng cho những đầu tư lấy vốn từ kiều hối. Thậm chí mức độ ưu tiên phải lớn FDI...

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kiều hối cùng với dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI, vốn ODA nổi lên như là 1 trong 3 nguồn tài chính từ nước ngoài đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam. Vấn đề đặt ra, so với ưu đãi trong thu hút vốn đầu tư FDI, ODA dù nguồn tiền kiều hối đóng góp rất lớn nhưng hiện vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi tương xứng.

Mục đích sử dụng kiều hối thay đổi

40 năm qua, kiều hối đóng góp một phần rất lớn cho kinh tế Việt Nam, kiều hối chia ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu trong vòng 10 năm sau 1975, nguồn tiền kiều hối bao gồm cả hàng hóa được gửi về Việt Nam phục vụ việc chi tiêu, sinh hoạt trong các gia đình. Giai đoạn thứ 2 (khoảng 20 năm tiếp) kiều hối gửi về vừa mang tính cách hỗ trợ gia đình, người thân trong chi tiêu, mang tính tích lũy và một phần trở thành nguồn vốn đầu tư.

Giai đoạn thứ 3 trong khoảng 10 năm gần đây, có thể nói lượng kiều hối đổ về tăng mạnh và phần lớn trong số đó đã được dùng nhiều với mục đích đầu tư và sản xuất kinh doanh trong đó có bất động sản.

Mục đích sử dụng kiều hối được thay đổi qua từng giai đoạn (ảnh minh họa)
Mục đích sử dụng kiều hối được thay đổi qua từng giai đoạn (ảnh minh họa)

Qua ba giai đoạn đó, lượng kều hối gửi về đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ba dòng vốn lớn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam gồm ODA, FDI và kiều hối, có lẽ kiều hối là dòng vốn quan trọng nhất.

Nói như vậy bởi kiều hối là dòng vốn được gửi về trong nước vô điều kiện, không phải dòng vốn cho vay, có thể nói là dòng cho không. Vốn gần như 100% ở trong nước không giống với vốn FDI khi doanh nghiệp nước ngoài có khả năng sẽ rút vốn khỏi các dự án trong nước. Chính yếu tố này dẫn đến kiều hối là dòng vốn rất quan trọng đóng góp cho GDP.

Từ trước đến nay Chính phủ luôn có chính sách để hỗ trợ, thu hút kiều hối về Việt Nam. Hiện tại Chính phủ không đánh thuế trên tiền gửi kiều hối, đây là ưu đãi của Chính phủ. Bởi trên nguyên tắc tất cả thu nhập bao gồm cho, tặng, biếu đều phải đánh thuế.

Trên nguyên tắc tài chính quốc gia, chính sách tài khóa thì nếu Chính phủ có quy định đánh thuế kiều hối là điều hợp lý.Vậy việc không đánh thuế tiền kiều hối liệu đã đủ để thu hút nguồn tiền kiều hối?

Chính phủ hoàn toàn có thể làm được hơn nữa bằng cách thông qua các cơ quan của Việt Nam tại nước ngoài như Đại sứ quán, các hội tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài có những chương trình cổ động mạnh mẽ hơn. Có những hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ hơn tại nhưng nơi có đông người Việt sinh sống.

Cần có chính sách ưu tiên cụ thể

Thu hút được nguồn tiền kiều hối lớn nhưng phải để ra mục tiêu, mục đích sử dụng nguồn tài chính đó. Trong tình hình kinh tế hiện nay khi người dân thắt chặt chi tiêu thì với nguồn tiền kiều hối được gửi về sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng ở một bộ phận người dân.

Tuy nhiên nếu chỉ để kiều hối phục vụ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, hoặc để trong các ngân hàng lấy lãi thì chưa phát huy được hết hiệu quả. Vừa qua Quốc hội đã có Luật sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai cho phép người nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam. Quy định mới này sẽ hỗ trợ rất nhiều thu hút dòng kiều hối đổ vào Việt Nam nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên khác dành riêng cho các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh có vốn từ kiều hối. Ví dụ như thuế, về mặt bằng đất đai… Hiện nay chúng ta đang có rất nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp FDI, điều đó giúp chúng ta thu hút lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng nhìn rộng ra doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam sẽ có lúc họ rút vốn về nước, lợi nhuận doanh nghiệp FDI được chuyển về nước họ.

Như vừa qua báo chí có nói đến vấn đề chuyển giá trốn thuế của nhiều doanh nghiệp FDI, vấn đề tác động môi trường… Rõ ràng vấn đề nhân công rẻ, tài nguyên nhiều là điều doanh nghiệp nước ngoài đưa ra bàn cân trước khi lựa chọn thị trường đầu tư. Trong khi đó với nguồn tài chính kiều hối, khi chuyển về Việt Nam được đầu tư kinh doanh gần đi nguồn vốn đó không mất đi. Doanh nghiệp đó khi sản xuất hàng hóa tại Việt Nam tìm đầu ra thông qua kiều bào sinh sống tại các nước. Như vậy quy trình khép kín không qua trung gian không phụ thuộc vào doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài.

Để làm việc này Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có một phòng ban chuyên trách thu hút đầu tư từ kiều hối gửi về. Đây sẽ là kênh để kêu gọi đầu tư của kiều bào, kêu gọi đầu tư của người dân có kiều hối được gửi về. Đồng thời tư vấn, tham vấn khuyến khích kiều bào trở về đầu tư trong nước.

Bộ Ngoại giao cũng nên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để có ý kiến tham mưu với Chính phủ đưa ra cơ chế chính sách ưu tiên dành riêng cho những đầu tư lấy vốn từ kiều hối. Thậm chí mức độ ưu tiên phải lớn hơn FDI.

TS Nguyễn Trí Hiếu