Hạt nêm Maggi ngon nhờ 2% thịt+xương, Hải Châu chứa... E102

16/09/2011 06:00
- Trần Nguyên
(GDVN) - Xem lại thành phần in trên bao bì của những loại hạt nêm mình đang dùng, nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình...
Hoang mang quảng cáo quá sự thật về thành phần của hạt nêm Knorr, nhiều người tiêu dùng xem lại thành phần in trên bao bì của những loại hạt nêm mình đang dùng và không khỏi giật mình.

Hạt nêm Maggi chỉ... 2% thịt và xương
Thông tin hạt nêm không hoàn toàn làm từ thịt thăn và xương ống như các hãng sản xuất vẫn quảng cáo, khi các thành phần này chỉ chiếm không quá... 2%, khiến nhiều người tiêu dùng thực sự hoang mang. Chị Loan (Trương Định, Hà Nội) cho biết, chị đã đoạn tuyệt với mì chính được vài năm nay khi có nhiều thông tin đồn thổi cho rằng mì chính có chứa chất gây ung thư và chuyển sang sử dụng hạt nêm làm gia vị chính cho bữa ăn gia đình mình với niềm tin chắc chắn: hạt nêm “lành” hơn mì chính. Bên cạnh đó, chị còn bị thuyết phục bởi những clip quảng cáo tôn vinh hạt nêm là “tuyệt chiêu của chị em chúng mình”. Song gần đây, khi nghe thông tin phần nước hầm xương, thịt chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong gói hạt nêm, chị không khỏi hoang mang. Đến lúc này chị mới để ý đến thành phần thực của hạt nêm là gì. Chị Loan mang một trong các gói hạt nêm Maggi mà gia đình đang sử dụng ra để đọc thử.
Bao bì quảng cáo hạt nêm Maggi thể hiện rõ vị ngọt của sản phẩm này là "ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy".
Bao bì quảng cáo hạt nêm Maggi thể hiện rõ vị ngọt của sản phẩm này là "ngọt thịt, ngọt xương, ngọt tủy".
Và chị không khỏi thất vọng vì “những cái mình tin là đa số thì giờ chỉ là một lượng quá nhỏ bé. Mình cứ nghĩ, hạt nêm có thể thay thế nước hầm xương nên phụ thuộc vào hạt nêm". Điều khiến chị Loan lo lắng nhất là chị đã hoàn toàn thay hạt nêm cho các thực phẩm khác khi nấu cháo cho quý tử nhà mình. Có khi vì vội vàng, chị chỉ cho thìa hạt nêm vào cháo của con vì tin tưởng hạt nêm cung cấp đủ dinh dưỡng. Trong khi đó, theo thông tin ghi trên bao bì của sản phẩm Maggi (sản xuất tại Công ty Nestle Việt Nam, khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai), phần chủ yếu tạo nên sản phẩm này là chất điều vị và tinh bột sắn. Cụ thể như sau: Muối, chất điều vị (621, 631, 627), đường, tinh bột sắn, bột thịt heo sấy và nước cốt xương, tủy hầm (20g)*, dầu cọ tinh luyện, hương thịt heo và hương vị thịt tổng hợp, màu Beta - caroten tổng hợp (160al) và các gia vị khác. (Theo chú thích, (*) tính trên 1kg sản phẩm)
Trong khi thành phần thịt + xương chỉ chiếm một phần quá nhỏ trên 1kg hạt nêm Maggi.
Trong khi thành phần thịt + xương chỉ chiếm một phần quá nhỏ trên 1kg hạt nêm Maggi.
Như vậy, dễ thấy cũng giống như hạt nêm Knorr, với tỷ lệ 20g/1kg, thành phần thịt + xương trong 1 kg hạt nêm Maggi chỉ chiếm 2%, còn lại chủ yếu là các phụ gia, tinh bột sắn và hương liệu. Nhiều người tự đặt câu hỏi không hiểu các chất phụ gia và chất điều vị ấy có lợi hay hại thế nào khi có thể ạo ra vị ngon, ngọt đậm đà như thế trong khi hầu hết nhà sản xuất đều không thể hiện thông tin cụ thể và coi đó là bí quyết riêng mình.Hạt nêm Hải Châu cũng có... E102 Tương tự như hạt nêm Maggi, Knorr... sản phẩm hạt nêm Hải Châu của Công ty Bánh kẹo Hải Châu cũng bị khách hàng tố cáo vì thành phần chủ yếu là chất điều vị và tinh bột, trong khi đó thịt và xương chiếm một lượng hiếm hoi... 1,7%. Chiếm một tỉ lệ nhỏ như vậy nhưng các hãng đều giật mạnh lời quảng cáo là hạt nêm có thể tạo ra vị “ngon từ thịt, ngọt từ xương”. Chị Mai (Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) nói: “Chị thường mua bột canh Hải Châu về ăn, gần đây thấy của hàng quảng cáo có thêm hạt nêm Hải Châu nên chị mua thử về dùng với niềm tin "hàng Việt Nam chính gốc” nhưng khi xem kỹ thành phần chị cũng hoa mắt bởi một loạt những chất điều vị, tinh bột,… và đặc biệt có sự góp mặt của phẩm màu E102 còn đang gây nhiều tranh cãi trong giới sản xuất thực phẩm cũng như người tiêu dùng.
Thành phần của hạt nêm Hải Châu có ghi thêm phẩm màu E102
Thành phần của hạt nêm Hải Châu có ghi thêm phẩm màu E102

Từ những chỉ số thành phần trên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tự mình sàng lọc được thông tin liệu khi nêm 1 thìa hạt nêm vào nồi canh có thể cho ra vị ngon từ thịt ngọt từ xương hay không? Vị ngọt của bát canh có thực sự từ xương hay từ một chất “lạ” nào đó?

Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng tin tưởng hoàn toàn vào thành phần dinh dưỡng của hạt nêm nên đã sử dụng sản phẩm này thay thế thịt lợn khi chế biến cháo, súp, canh... cho con, cháu mình.

Chị Mai Lan (công nhân một công ty may tại Hoài Đức, Hà Nội) thừa nhận: "Nhiều khi bận việc, tôi chỉ nấu cháo trắng, sau đó đánh nhuyễn thêm vào 1 thìa hạt nêm và ít rau băm nhuyễn là có được bát cháo cho con gái. Thực sự, khi nêm nếm, tôi thấy bát cháo có vị ngọt không thua kém cháo thịt là bao, con lại ăn ngon miệng nên tôi không suy nghĩ gì".

Khi phóng viên cho chị Lan biết về thành phần thực của lượng thịt + xương trong mỗi gói hạt nêm, chị Lan vội vàng lấy gói hạt nêm Maggi đang dùng dở ra xem và không khỏi bần thần.

"Những quảng cáo hạt nêm Maggi cũng như nhiều loại hạt nêm khác đang được phát hàng ngày trên các kênh truyền hình có uy tín đều cho thấy nó được chiết xuất từ thịt thăn và xương ống, không ngờ thành phần này lại chiếm một tỷ lệ quá nhỏ như vậy. Tôi thực sự lo lắng không biết con gái mình có bị suy dinh dưỡng không vì tôi cho cháu ăn hạt nêm đã hơn 1 năm nay. Quảng cáo như thế này chẳng khác nào đánh lừa người tiêu dùng như chúng tôi", chị Lan bức xúc. Trong khi đó, theo khuyến cáo của một chuyên gia hàng đầu về thực phẩm, quan niệm như chị Lan "thành phần dinh dưỡng của hạt nêm có thể thay thế các chế phẩm từ thịt" là hoàn toàn sai lầm vì bột thịt có trong hạt nêm (chiếm trọng lượng hiếm hoi ấy) thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô chứ không phải chiết xuất nước hầm xương ống và thịt thăn. Từ những khẳng định trên, chuyên gia này cho rằng quảng cáo chiết xuất từ nước hầm thịt thăn, xương ống, tủy là không đúng, lập lờ để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi người tiêu dùng không thể thành thạo về các chất phụ gia trong thực phẩm. "Người tiêu dùng nên tập thói quen đọc kỹ bao bì sản phẩm, không nên đặt 100% niềm tin vào quảng cáo. Hạt nêm, xét trên phương diện nào nó cũng chỉ là một loại gia vị không hơn không kém nên không thể thay thế bất cứ loại thịt, cá nào", vị chuyên gia khẳng định.
- Trần Nguyên