Hệ lụy từ phát triển quá nóng của thị trường điện máy 2013

01/01/2014 10:14
Bình An (Nguồn VTV)
(GDVN) - Năm 2013, thị trường điện máy dù đã dùng mọi chiêu thức kích cầu nhưng khó khăn và phá sản vẫn là một cái kết không có hậu với một số doanh nghiệp.
Năm 2013, hàng loạt các siêu thị điện máy đã ra đời, năm thương hiệu điện máy lớn nhất trên thị trường đã mở rộng hệ thống, tăng từ 35 - 100% quy mô nhằm giữ thị phần và tăng sức cạnh tranh với đối thủ. Theo doanh nghiệp, việc tăng số lượng siêu thị điện máy như hiện nay cũng là cách giảm chi phí đơn vị và tăng tổng doanh thu.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Thương mại VHC cho biết: "Về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thì gần như không tăng trưởng nhiều, nhưng mình đi về số lượng, tăng về doanh thu, doanh số, mở rộng hệ thống để phát triển. Như vậy, tổng doanh thu tăng thì tổng lợi nhuận sẽ tăng lên. Bởi vì chi phí lợi nhuận sẽ giảm. Nếu chúng ta chỉ có từ 2 - 3 siêu thị thôi chi phí sẽ gánh rất nặng, không biết bao nhiêu lâu mới hoàn vốn được. Nhưng nếu chúng ta mở ra 10 - 20 siêu thị, chi phí đơn vị sẽ giảm dần. Đó là bài toàn kinh doanh hiệu quả".

Năm 2014 dự báo là một năm tiếp tục khó khăn cho thị trường điện máy trong nước.
Năm 2014 dự báo là một năm tiếp tục khó khăn cho thị trường điện máy trong nước.
Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, trong bối cảnh sức mua thị trường điện máy ngày càng giảm thì sức mua thị trường chỉ bằng 70% năm ngoái. Do đó, các doanh nghiệp đã dùng nhiều các thức để câu kéo khách hàng, từ khuyến mãi, tặng quà, và mạnh nhất vẫn là giảm giá lên tới 50%. Chấp nhận tỷ lệ lãi ít hoặc không có lãi ở một số mặt hàng để lấy cái nọ bù cái kia.
"Tất nhiên không phải ở tất cả các mặt hàng, ở đây mình có cả chục ngàn model sản phẩm của các lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Có nghĩa là tỷ lệ phần trăm là tỷ lệ cao nhất có thể đạt đến để mình có sản phẩm tối ưu nhất mang đến cho người tiêu dùng. Có thể những sản phẩm ấy mình chấp nhận lỗ. Nhưng ngược lại, mình sẽ thu được lãi từ những sản phẩm khác", ông Tiến cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không phải siêu thị nào cũng đủ tiềm lực tài chính để duy trì chiến lược vừa nới rộng quy mô và vừa chịu lỗ doanh số. 

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: "Mua sắm điện máy có chu kỳ rất là dài. Anh dùng tủ lạnh có khi phải 10 năm mới hỏng hoặc thay đổi model. Cách làm ăn của chúng ta là chưa có chiến lược, gặp đâu làm đấy. Có bất động sản, có diện tích tốt, có nhà cung ứng hàng hóa là ta mở, giành giật nhau thị trường. Ví dụ như nhìn nhau để giảm giá thì cùng chết. Anh phải tùy theo lực của anh để anh làm. Bởi vì tôi biết có những siêu thị điện máy thế chấp ngân hàng bằng những tồn kho của siêu thị mình để vay ngân hàng. Đến khi họ báo động thu hồi vốn thì anh có thể dẫn đến phá sản".

Trên thực tế, có không ít đối thủ bị đánh bật khỏi đấu trường điện máy cam go như: Wonder Buy năm 2011, Best Carings năm năm 2012 và gần nhất là chuỗi 3 siêu thị Home One tháng 9 vừa qua tại TP.HCM với số vốn đầu tư ban đầu lên đến vài trăm tỷ đồng. Và với sức mua dự báo trong năm 2014 tiếp tục yếu kém, thật khó có  thể nói trước thị trường điện máy sẽ đi đâu về đâu, nhất là trong giai đoạn mở cửa với sự  tấm công ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài./.
Bình An (Nguồn VTV)