Khi đại gia thương hiệu trắng trợn "bịt mắt" người tiêu dùng

12/09/2011 14:51
Khởi Sự (tổng hợp)
(GDVN) - Chỉ vì lợi nhuận, không ít các đại gia, thương hiệu lớn sẵn sàng dùng mọi chiêu thức "móc túi" người tiêu dùng.

Báo Giáo Dục Việt Nam xin điểm lại một số “sự cố” tiêu dùng đáng chú ý tuần qua, qua đó "bóc mẽ" nhiều chiêu thức đằng sau các quảng cáo bóng bẩy, che mắt người tiêu dùng.

Tự phong kỷ lục bán hàng Việt Nam: Pico biến “không” thành “có”

Sau chương trình khuyến mại khai trương siêu thị mới tại Tây Sơn, khách hàng vào mua sắm có thể tận mắt chứng kiến tấm bảng to được treo ngay cửa ra vào với dòng chữ hoành tráng “Công ty nghiên cứu thị trường GfK ghi nhận: Kỷ lục bán hàng Việt Nam”.

Pico tự trưng biển, tự tổ chức, chứ chúng tôi không chứng nhận - Cty nghiên cứu thị trường GfK khẳng định.
Pico tự trưng biển, tự tổ chức, chứ chúng tôi không chứng nhận - Cty nghiên cứu thị trường GfK khẳng định.

Tuy nhiên, thực chất tấm biển này lại là “hàng giả”. Bởi lẽ, trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Trần Long - đại diện phía Bắc của GfK Group khẳng định: “Việc này Pico tự tổ chức”. GfK không hề chứng nhận gì cho Pico cũng như “không làm bất cứ việc gì phục vụ cho việc chứng nhận của Pico”.

Giám đốc điều hành GfK Việt Nam cũng tuyên bố với báo chí: “GfK không bao giờ xác nhận cho nhà bán lẻ và GfK cũng không có ý định làm việc này trong tương lai”.

Như vậy, có thể thấy Pico đã “lợi dụng” uy tín của GfK để nêu cao thành tích, quảng cáo hoạt động kinh doanh khuếch trương thương hiệu. Hành động này không khác việc lừa dối thông tin tới khách hàng khi trưng ra một tấm biến lớn chứng nhận kỷ lục hoàn toàn không có thật.

Rinnai giả như thật, người tiêu dùng hoang mang

Để kiếm lợi nhuận, chủ cửa hàng bếp gas đã thu gom hàng từ Trung Quốc sau đó giả mác hàng xịn để hưởng tiền chênh lệch.

Sáng sớm ngày 7/9 vừa qua, các trinh sát Đội chống hàng giả, PC46 – CATP.Hà Nội bất ngờ đột kích vào ngôi nhà trọ số 72 Lê Gia Khảm (đối diện bến xe Long Biên, Hà Nội) và phát hiện cả một kho bếp gas giả.

Để thu lợi nhuận, chủ cửa hàng bán bếp ga đã nhập hàng Trung Quốc về rồi dán mác bếp ga "xịn" để "đội giá".
Để thu lợi nhuận, chủ cửa hàng bán bếp ga đã nhập hàng Trung Quốc về rồi dán mác bếp ga "xịn" để "đội giá".

Qua kiểm đếm, có khoảng 30 chiếc bếp gas mang nhãn hiệu nổi tiếng Rinnai (hãng bếp nổi tiếng của Nhật) được chất đầy 2 tầng của ngôi nhà. Tuy nhiên, chủ lô hàng là Đồng Văn Đạo (SN 1985) ở Dương Kinh, Hải Phòng đã không thể xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của những chiếc bếp gas này khi được lực lượng chức năng yêu cầu.

Tất cả lô hàng này đều được nhập về từ Trung Quốc sau đó gắn mác hàng Nhật đem bán rộng rãi cho người dân, đánh lừa người tiêu dùng.

Nước mắm chứa chất bảo quản vẫn quảng cáo “siêu sạch”

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít các hãng nước mắm đều quảng cáo “siêu sạch” đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng. Như quảng cáo nước mắm Kabin với công nghệ tiệt trùng UHT giúp khử sạch các vi khuẩn gây hại hay quảng cáo nước mắm của Masan Food với cái xua tay của mẹ khi con định chấm vào bát mắm thơm ngon khác.

Tuy nhiên, khi nói về quảng cáo nước mắm siêu sạch trên, một cán bộ tại Viện Công nghệ thực phẩm Bách Khoa, Hà Nội thốt lên: “Thời bây giờ sao cái gì cũng lạm dụng từ siêu sạch, nói là siêu sạch nhưng chưa chắc đã sạch - Đó chỉ là quảng cáo…".

Nước mắm Kabin tự quảng cáo là tiệt trùng, siêu sạch.
Nước mắm Kabin tự quảng cáo là tiệt trùng, siêu sạch.

Không ít người tiêu dùng sau khi xem quảng cáo về khái niệm nước mắm “siêu sạch” đã không khỏi hoang mang về chất lượng sản phẩm nước mắm truyền thống.

Trong khi trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Thị Dung - chuyên gia công nghệ chế biến thủy sản và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khẳng định: nước mắm truyền thống không có vi trùng gây hại cho sức khỏe con người. Trong thành phần của nước mắm truyền thống chủ yếu là muối ăn bão hòa và a-xit a-min tự do ở nồng độ cao nên không cần phải sử dụng chất bảo quản.

Còn đối với nước mắm công nghiệp, TS. Dung cho rằng vì được pha chế nên hầu hết rất cần sử dụng chất bảo quản.

Thông thường, để tạo ra “nước mắm công nghiệp”, nhà sản xuất mua nước mắm truyền thống về để pha chế (cũng có thể từ nguồn đạm hòa tan khác nữa). Theo đó, tỷ lệ pha nước muối có nồng độ thấp hơn nồng độ quy định tại TCVN 5107:2003, đủ để pha loãng hàm lượng đạm và muối của nước mắm truyền thống được mua về, bổ sung thêm phẩm màu, chất tạo ngọt nhân tạo (các loại đường, mì chính…), hương nhân tạo (hương cá hồi…) và một số chất hỗ trợ chế biến khác, và điều không thể thiếu được là bổ sung chất bảo quản để phòng thối.

"Thêm" vây cá, yến sào... bánh Trung thu Vân Nam hét giá "khủng"

Sáng 10/9, Đoàn Thanh tra liên ngành số 1 về An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đi kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu của Nhà hàng Vân Nam có địa chỉ tại số 27B phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã phát hiện các sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo đều ghi thành phần bao gồm có vây cá và yến sào (vốn là 2 nguyên liệu quý hiếm) để “đội” giá bán cao ngất ngưởng.

Theo giá niêm yết tại tờ rơi giới thiệu sản phẩm của nhà hàng thì tùy theo từng sản phẩm, mức giá ở khoảng 430.000 - 3.150.000 đồng/hộp. Đối với sản phẩm có mức giá "khủng" nhất là 3.150.000 đồng/hộp được giới thiệu là có tới 50g yến sào.

Thế nhưng, khi không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu yến sào, vây cá... chủ nhà hàng, ông Phạm Đức Vinh lại đổ lỗi do nhân viên ghi… nhầm (!?). Mùa trung thu năm nay nhà hàng không sản xuất loại bánh có nguyên liệu này-ông chủ này cho biết.

Người tiêu dùng thất vọng khi bỏ ra số tiền không nhỏ cho mỗi sản phẩm có ghi thành phần yến sào, vây cá nhưng thực chất, nguyên liệu này chỉ là "ảo'.
Người tiêu dùng thất vọng khi bỏ ra số tiền không nhỏ cho mỗi sản phẩm có ghi thành phần yến sào, vây cá nhưng thực chất, nguyên liệu này chỉ là "ảo'.

Ông Kiều Đình Cảnh - Kiểm soát viên, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho rằng, việc sản phẩm không có thành phần vây cá, yến sào nhưng lại ghi trên sản phẩm là hành vi gian lận thương mại.

Với hành vi vi phạm này cơ quan chức năng cần làm rõ và có mức xử phạt thích đáng để người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn và phải trả lại tiền cho người tiêu dùng đã mua. Bởi lẽ, mỗi người khi đi mua thực phẩm, bánh kẹo chỉ có thể căn cứ vào những thông tin ghi trên nhãn mác, theo thương hiệu sản phẩm (2 yếu tố này tại nhà hàng đều đã có) chứ không có điều kiện và không thể mang thiết bị xét nghiệm đi xem có đúng, đủ thành phần hay không rồi mới mua.

Ngoài việc cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn cần tăng cường quản lý hơn nữa để doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thực hiện đúng thì cũng cần đến cái tâm của người làm kinh doanh. Không thể để gian lận thương mại gây thiệt hại cho khách hàng.

Quảng cáo mì ăn liền của Masan “lừa” khách hàng thế nào?

Ngay sau khi có đoạn quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua - Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành) được phát trên truyền hình, khán giả ngay lập tức có cảm giác lo sợ về việc ăn phải loại mỳ có chứa chất transfat và tin tưởng mỳ Tiến Vua của công ty CP Hàng tiêu dùng Masan mới là loại tốt cho sức khỏe.

Điều đáng nói, không chỉ quảng cáo, mà trong mục thành phần ghi trên bao bì của mỳ Tiến Vua, hàm lượng transfat được ghi là 0g (Hàm lượng transfat ghi nhãn theo quy định số 86 FR 41434 của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Hàm lượng Transfat được ghi rõ 0g trên bao bì
Hàm lượng Transfat được ghi rõ 0g trên bao bì

Với cách ghi này, người tiêu dùng Việt Nam hiểu ngay mì Tiến Vua an toàn, không chứa trannsfat. Nhưng một lần nữa, người tiêu dùng “không còn biết tin ai” khi kết quả kiểm định mẫu mì Tiến Vua của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TP. HCM) cho thấy, trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%, chứ không phải là zero, tức là hoàn toàn không có như đã quảng cáo.

Không chỉ liên quan đến chất transfat, gần đây mì Tiến Vua của Masan lại một lần nữa khiến dư luận phải chú ý khi tung lên truyền hình đoạn clip quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua với sợi mì không phẩm màu độc hại E 102 (còn có tên gọi màu tổng hợp Tartranzine 102).

Trong khi đó, khi khảo sát trên thị trường, một số sản phẩm của Masan, trong đó có mỳ Tiến Vua (loại cũ) và mì Omachi đều chứa E 102, và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).

Đặc biệt, kèm theo clip quảng cáo là những thông tin về tác động của chất E102 đến sức khỏe con người, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang khi lựa chon các sản phẩm mì gói.

Khởi Sự (tổng hợp)