Khó xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm tại Việt Nam

02/07/2018 16:31
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chính sách của Chính phủ đúng đắn, kịp thời ứng phó trước các nguy cơ và lường trước những yếu tố phát sinh khủng hoảng.

Báo cáo trước Thủ tướng, Chính phủ và các lãnh đạo của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có bước tăng vượt bậc, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung;

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,07%, đóng góp 48,9% vào mức tăng trưởng chung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%.

Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học dự báo các nguy cơ xảy ra khủng hoảng 10 năm theo chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam như các đợt khủng hoảng đã xảy ra 1997 - 1998, 2007 - 2008 và dự báo có thể xảy ra trong hai năm 2017 - 2018 là có cơ sở.

Khó xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm tại Việt Nam ảnh 2Năm tỉnh, thành phố hành lang kinh tế cam kết thúc đẩy kết nối giao thông

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, các đợt khủng hoảng trên diễn ra chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Hiện tín dụng của ngân hàng tăng trưởng và kiểm soát tốt; thanh khoản của các ngân hàng thương mại tốt;

Thị trường chứng khoán ổn định, thị trường nhà đất và tín dụng cho bất động sản đã được kìm nén và giải quyết tốt...

Các nguy cơ khách quan phát sinh khủng hoảng đã được để ý, theo dõi và có thống kê cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chính sách của Chính phủ đã đúng đắn, kịp thời ứng phó trước các nguy cơ và lường trước những yếu tố phát sinh khủng hoảng. 

Chính vì vậy, có thể tin tưởng rằng khó có thể xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm như các dự báo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý các yếu tố có thể phát sinh khủng hoảng, không chủ quan với tình hình và nguy cơ như dự báo.

Thu giá dịch vụ chia sẻ dữ liệu dân cư, mỗi năm thu được trên 300 tỷ đồng

Ở đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch Thành phố - ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Trong 6 tháng cuối năm 2018, Hà Nội sẽ triển khai chính sách hỗ trợ toàn diện về đăng ký thành lập mới doanh nghiệp từ ngày 1/8/2018 (sau khi Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua chính sách). 

Tiếp tục thực hiện việc số hóa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu cốt lõi: dân cư, đất đai, doanh nghiệp, cán bộ công chức,...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Báo Hà Nội Mới
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Đồng thời đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch, quy chuẩn kiến trúc xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông

Thành phố sẽ đôn đốc khắc phục các tồn tại thiếu sót theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…). 

Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.

“Đề xuất Chính phủ cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số các lĩnh vực khác.

Và nếu được đồng ý, mỗi năm, thành phố trước mắt sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”, ông Chung nêu.

Hải Phòng đề nghị bổ sung trạm điện để phát triển công nghiệp

Khó xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm tại Việt Nam ảnh 4Hải Phòng được áp dụng cơ chế đặc thù từ 15/9

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho Hải Phòng một trạm điện 220KV tại huyện đảo Cát Hải phục vụ cho phát triển công nghiệp tại khu vực này, đặc biệt là nhà máy VinFast.

Hải Phòng xin được triển khai sớm hai trạm 220kV tại hai huyện An Lão và Kiến Thụy (Thành phố Hải Phòng) đã nằm trong quy hoạch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý xây dựng thêm cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2. 

Bởi theo lãnh đạo Thành phố, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (nối quận Hải An và huyện đảo Cát Hải) mới đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017 nhưng đã xuất hiện tình trạng quả tải. 

Hiện đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 5,44km, chiều rộng 29,5m.

Vì vậy, ông Tùng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng cây cầu thứ hai nối Thành phố Hải Phòng và huyện đảo Cát Hải. 

Tổng vốn đầu tư của cây cầu mới theo đề xuất của Hải Phòng là 7.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách thành phố. 

Lãnh đạo Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư để Thành phố triển khai xây dựng.

Hải Phòng cũng đề xuất Thủ tướng cho phép xây dựng thêm nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. 

Theo ông Tùng, dù nhà ga số 1 mới được khánh thành năm 2016 với công suất thiết kế hơn 2 triệu lượt khách/ năm nhưng đến nay đã vượt công suất thiết kế. 

Cụ thể, từ khi đưa vào sử dụng năm 2016, nhà ga số 1 đón tiếp 1,8 triệu lượt khách, năm 2017 nhà ga đón tiếp hơn 2,3 triệu lượt khách. Vì vậy, Hải Phòng kiến nghị cho phép xây dựng nhà ga hành khách số 2.

"Đề nghị Chính phủ giao Hải Phòng và các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án này theo hình thức hợp tác công tư PPP", ông Tùng đề nghị.

Đỗ Thơm