Không có ngân hàng, không làm được BOT?

03/10/2016 14:30
Mai Anh
(GDVN) - Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chính sách đầu tư BOT dựa vào nguồn vốn ngân hàng là quan niệm sai mà đến nay không sửa.

Không vay ngân hàng, doanh nghiệp không sức làm BOT

Điều 51, Nghị định 15/2015 quy định đầu tư đối tác công tư, đối với dự án BOT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ cần có ít nhất 15% vốn; Dự án từ 1.500 tỷ đồng trở lên, yêu cầu vốn tối thiểu của nhà đầu tư là 10%.

Trên thực tế, để có vốn doanh nghiệp tìm cách huy động từ nhiều phía. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại.

Nhìn vào thực tế này, Luật sư Trương Thanh Đức - Ủy viên BCH Trung ương - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng: Chính các cơ chế chính sách hiện nay đang đẩy rủi ro các dự án BOT giao thông sang phía nhà nước và người dân.

Quốc lộ 51, dự án gây nhiều tranh cãi vì chưa quyết toán, đơn vị đầu tư chưa đóng đủ vốn góp - ảnh Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 (nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu).
Quốc lộ 51, dự án gây nhiều tranh cãi vì chưa quyết toán, đơn vị đầu tư chưa đóng đủ vốn góp - ảnh Trạm thu phí trên Quốc lộ 51  (nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu).

Phần lớn BOT giao thông chủ yếu là dự án sửa chữa nâng cấp các đường quốc lộ được đầu tư trước đó bằng ngân sách nhà nước. Điển hình như các dự án BOT giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14.

Với vị trí độc đạo, các tuyến đường quốc lộ huyết mạch lâu nay người dân được dự do đi lại không phải trả phí thì sau khi cho phép cải tạo nâng cấp bằng hình thức BOT, các trạm thu phí BOT mọc lên, người dân và các doanh nghiệp vận tải gần như là bị “cưỡng bức” phải đi đường BOT và đóng phí vì không còn cách nào khác. 

Giải quyết những tồn tại và bức xúc này, Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Từ nay về sau, việc đầu tư các dự án BOT sẽ theo hướng làm mới từ đầu, khi triển khai xây dựng dự án BOT phải có phương án để người dân có quyền lựa chọn. 

Tuy nhiên, làm BOT hoàn toàn mới yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. “Nhìn vào khả năng tài chính sao doanh nghiệp làm BOT giao thông hiện nay, nếu không vay ngân hàng khẳng định doanh nghiệp không đủ sức làm đường BOT”, Luật sư Đức khẳng định.

Không có ngân hàng, không làm được BOT? ảnh 2

Không có chuyện chênh 500 triệu đồng/ngày ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Không có ngân hàng, không làm được BOT? ảnh 3

Vay ngân hàng gần 90% để làm BOT, mức phí cao là đương nhiên

Không có ngân hàng, không làm được BOT? ảnh 4

Ông Cao Sỹ Kiêm: Siết cho vay BOT là tránh rủi ro cho ngân hàng

Trước phản ánh về việc hơn 80% vốn đầu tư BOT phải vay ngân hàng kéo theo nhiều hệ lụy sau đó, trong vòng 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Nhưng cũng chính động thái siết vốn vay này đang làm khó nhiều dự án BOT. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, chính sách đầu tư BOT dựa vào nguồn vốn ngân hàng là quan niệm sai mà đến nay không sửa.

“BOT không thể dùng vốn ngân hàng thương mại như hiện nay, trừ khi vốn đó được lấy từ các ngân hàng chuyên cho vay các dự án như ngân hàng đầu tư. Trong khi vốn cho vay BOT hiện đều lấy từ ngân hàng thương mại”, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Luật sư Đức phân tích: Ngân hàng đầu tư chỉ được phép môi giới chứng khoán, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán và thực hiện các dịch vụ liên quan đến hoạt động đó bên cạnh chức năng thu xếp vốn, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình mua bán sáp nhập (M&A). 

Và “ngân hàng đầu tư” chỉ huy động vốn dưới dạng cổ phần, phát hành chứng khoán, không được phép huy động vốn dưới dạng tài khoản tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế. 

Ngược lại, ngân hàng thương mại là định chế trung gian tài chính huy động vốn dưới dạng tài khoản tiền gửi từ dân cư, tổ chức kinh tế và cho vay mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng các dịch vụ tài chính ngân hàng khác không có trong chức năng của ngân hàng đầu tư. 

Dù sự tách bạch hoạt động rõ ràng như vậy nhưng thực tế ngân hàng thương mại hiện nay đang lấn sân sang nhiệm vụ ngân hàng đầu tư khi cho vay BOT quá nhiều.

Kêu gọi doanh nghiệp ngoại

Mới đây trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc đầu tư vào các dự án BOT cần có sự tham gia của Nhà nước để giảm áp lực cho cả nhà đầu tư và cho cả phía ngân hàng.

Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất mức độ tham gia của Nhà nước vào các dự án BOT khoảng 30 - 40%. Như vậy, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư, của phía Nhà nước vào các dự án BOT cũng chỉ khoảng 50%, phần vốn 50% vay của ngân hàng.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, doanh nghiệp nên nhìn lại khả năng tài chính, nếu không có tiền không nên đầu tư dự án BOT giao thông.

“Nếu muốn đầu tư BOT, doanh nghiệp phải huy động bằng các kênh như phát hành cổ phiểu trên thị trường chứng khoán, thị trường tài chính để lấy vốn đầu tư chứ không phải vay trắng ngân hàng như hiện nay.

Còn nếu không có khả năng tài chính, doanh nghiệp Việt Nam không nên làm mà nhường lại cho doanh nghiệp nước ngoài làm. Hoặc nhà nước nên đứng ra làm”, Luật sư Đức đề nghị.

Luật sư Trương Thanh Đức - Uỷ viên BCH Trung ương - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) - ảnh H. Lực.
Luật sư Trương Thanh Đức - Uỷ viên BCH Trung ương - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) - ảnh H. Lực.

Theo đó, nếu để doanh nghiệp nước ngoài làm sẽ lợi nhiều mặt như chất lượng công trình, kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp và quan trọng vốn vay doanh nghiệp nước ngoài tự bố trí bằng kênh riêng. Tất nhiên phải lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, có kinh nghiệm.

Nếu không chọn nhà đầu tư ngoại, nhà nước nên đứng ra làm.

Hiện doanh nghiệp đầu tư BOT phải vay tiền của ngân hàng làm dự án và chịu lãi suất lớn, từ đó đẩy giá đầu tư dự án lên, làm tăng thời gian thu phí, tăng phí BOT.

Thay vào đó, nếu nhà nước đứng ra làm giá sẽ giảm hơn do lãi suất vay nhà nước từ nước ngoài hay huy động trái phiếu chính phủ sẽ thấp hơn mức lãi suất doanh nghiệp đang vay ngân hàng để làm dự án BOT như hiện nay.

“Nhà nước đên đứng ra làm bởi cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định sự phát triển vững chắc của đất nước. Nhà nước huy động vốn vay thực hiện các dự BOT sẽ không chịu mức lãi suất cao như doanh nghiệp đang vay ngân hàng thương mại như hiện nay, từ đó giảm thời gian thu phí và mức phí, giảm rủi ro cho nhà nước và người dân”, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất. 

Việc các ngân hàng cho vay đầu tư BOT và coi đó là hình thức sinh lợi nhuận, theo Luật sư Đức là sai lầm của chính sách. Đáng nhẽ tiền huy động ngân hàng cho vay thương mại chứ không phải vay đầu tư với thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều rủi ro mà rủi ro ấy nhà nước và người dân phải chịu. Vì vậy phải ban hành chính sách về việc cho vay đầu tư BOT, không thể vay ngân hàng như hiện nay. 

Mai Anh