Khuyến khích cá nhân sáng tạo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

07/04/2021 13:06
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được chú trọng, khuyến khích các cá nhân phát huy khả năng đổi mới, sáng tạo...

Chia sẻ những mong muốn, kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới, nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được chú trọng; đồng thời, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, khuyến khích các cá nhân phát huy khả năng đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Cácđại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Cácđại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nhấn mạnh việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và phải có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng sáng tạo là nền tảng để tạo ra được đột phá, chuyển biến nhanh chóng, vươn lên là một nước công nghiệp phát triển, tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Tuy nhiên, đại biểu thành phố Hà Nội phân tích trong công tác quản lý, mọi việc phải thực hiện theo các quy trình, quy định.

Những người muốn đổi mới để tạo ra cách làm khác hiệu quả hơn, dễ vi phạm quy định và không tuân thủ đúng nguyên tắc; động cơ tốt nhưng xét về quy định vẫn là sai.

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần có cơ chế đặc biệt để bảo vệ những người có tư duy mới, đột phá, khuyến khích các cá nhân đổi mới, sáng tạo...

“Thay đổi được phương thức quản lý, chúng ta mới có thể thay đổi được những rào cản, ràng buộc mà bấy lâu nay thường nói đến như vì thủ tục hành chính. Nếu giải quyết được các 'nút thắt' trong khâu quản lý, sẽ khơi thông các nguồn lực, sức mạnh, phát huy giá trị sáng tạo làm nền tảng quan trọng cho phát triển,” đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Khẳng định nhiệm kỳ qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong đối ngoại và hội nhập đỉnh cao, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhấn mạnh Việt Nam thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng là một tấm huân chương nữa dành cho cả hệ thống chính trị, cho toàn dân và cho Chính phủ.

Nhiệm kỳ 2016-2020 cũng là một nhiệm kỳ mà công cuộc cải cách được thúc đẩy. Hàng ngàn giấy phép con bị xóa sổ, 50-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa và cắt bỏ.

Chính phủ điện tử được khởi động; đổi mới sáng tạo được đề cao; khởi nghiệp được khơi dậy. Chỉ số hài lòng của người dân được cải thiện. Việt Nam thăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu...

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hành trình cải cách và phát triển đất nước còn rất nhiều việc phải làm và rất gian nan.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao năng lực của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính về những kết quả ông đã làm được khi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đưa tỉnh này trở thành “chiếc nôi cải cách” trong thời kỳ mới ở Việt Nam.

"Với những sáng kiến và mô hình cải cách đầy thuyết phục mang dấu ấn tiên phong, với tư duy và tầm nhìn sắc sảo, với sự quyết đoán trong hành động, chúng ta kỳ vọng người đứng đầu Chính phủ sẽ thúc đẩy một Chính phủ hành động", ông Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - ông Vũ Tiến Lộc phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - ông Vũ Tiến Lộc phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bày tỏ tin tưởng vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ mới, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại biểu tỉnh Vĩnh Long mong muốn, bằng những kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội của mình, các lãnh đạo sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều là những đồng chí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương đánh giá tín nhiệm với số phiếu rất cao.

Trong phát biểu khi nhậm chức, các đồng chí đều nói lên tâm huyết, trách nhiệm, cũng như định hướng rất rõ cho từng vị trí công tác.

"Tôi tin rằng, tập thể các đồng chí lãnh đạo mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, cũng như thực hiện dân chủ thực sự, huy động tối đa sự đóng góp trí tuệ của nhân dân, của tầng lớp trí thức, những người có kinh nghiệm, năng lực trong quản lý để góp phần xây dựng đất nước phát triển,” đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Tăng cường phòng, chống tham nhũng

Một trong những nội dung mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) rất quan tâm là làm sao để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri cả nước.

“Đây là vấn đề cốt lõi mà người dân mong muốn, đặt niềm tin vào Chính phủ mới - Chính phủ liêm khiết, công chính, liêm minh, trung thực, quyết tâm xử lý tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu,” đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Chính phủ, Nhà nước đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn được nhân dân tín nhiệm và tin tưởng. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn là vấn nạn đang tồn tại. “Đây là vấn đề làm nhức nhối trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, Thủ tướng tiền nhiệm đã nhìn nhận vấn đề tham nhũng vặt vẫn còn len lỏi, tồn tại ở nhiều nơi,” đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Đại biểu đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định đây là vấn đề hết sức cơ bản, căn cơ, mà quần chúng nhân dân đặc biệt tin tưởng và chờ đợi hành động quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra là tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh. Việc thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, với mục đích “không để ai bị bỏ lại phía sau” là một vấn đề hết sức quan trọng.

Để đạt được mục tiêu đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan, chức năng tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống; quan tâm chăm sóc những người yếu thế, các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...

Những vấn đề người dân thắc mắc, kiến nghị chính đáng, Chính phủ cần giải quyết đến nơi, đến chốn; một số trường hợp bị oan sai cần được giải quyết công tâm, khách quan và đền bù thích đáng cho người dân theo quy định của Nhà nước.

Theo đại biểu, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách để ổn định cuộc sống, chăm lo cho người nghèo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số cá nhân đã cấu kết, lợi dụng chính sách để trục lợi bằng nhiều cách, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng tham nhũng vặt khiến người dân không hài lòng, cần phải bài trừ, xóa bỏ trong nhiệm kỳ tới.

Chia sẻ những kỳ vọng vào các tư lệnh ngành trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết rất tin tưởng những lãnh đạo được bầu lần này, bởi đã có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, tính tiền phong, gương mẫu, được đông đảo đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ tín nhiệm.

“Nhiệm vụ trong 5 năm tới tuy không ngắn, mà cũng không dài, nhưng đủ để các vị tư lệnh ngành thực hiện nhiệm vụ của mình, thỏa lòng mong đợi của các vị đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm phê chuẩn theo đề xuất của Chính phủ,” đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay./.

Theo TTXVN