Kinh doanh siêu lãi với trà chanh pha bằng... nước lã

14/06/2011 00:14
(GDVN) - Khu chế xuất trà chanh có duy nhất một phích nước nóng để pha trà nguyên chất còn lại chế thêm nước lã vào...

(GDVN) - Khu chế xuất trà chanh có duy nhất một phích nước nóng để pha trà nguyên chất còn lại chế thêm nước lã vào. Trong khi đó, bà chủ quán liên tục giục chồng: “Mau vào nhà vặn nước vào chai chế đi chứ, sắp hết nước rồi”.

Chỉ cần một cốc trà đá thông thường cho thêm một ít đường và cắt nửa quả chanh, người bán đã "lên đời" cốc trà đá 2.000 đồng thành cốc trà chanh có giá từ 7 đến 15 nghìn đồng.

Công thức pha chế siêu đơn giản


Vào mùa hè, từ công viên, góc phố đến những quán cóc ven đường của thành phố Hà Nội đâu đâu người ta cũng gặp những quán trà đá, mía đá. Khoảng 1,2 năm trở lại đây, khách hàng còn có thể lựa chọn một sản phẩm đồ uống khác với giá bình dân là trà chanh.

Trà chanh Hà Nội từ lâu nổi tiếng với các quán trên phố Nhà Thờ, phố Nhà Chung và lan tỏa ra khắp các phố phường khác trong thủ đô. Bán trà đá vỉ hè đã mang lại món lợi nhuận khổng lồ cho người bán hàng, tuy nhiên, trà chanh cònlợi nhuận gấp nhiều lần trà đá.

Theo chân một người chuyên làm trà chanh trên phố Lò Đúc, Hà Nội phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam được dịp mục kích nguyên liệu pha chế trà chanh hết sức đơn giản. Với số vốn ban đầu chưa đến 2 triệu đồng, người kinh doanh chỉ cần sắm vài cái ghế và ít cốc, chén thủy tinh loại bình dân là thành một hàng trà chanh để phục vụ khách hàng.

Đi đâu người ta cũng dễ gặp nhứng biển trà chanh như thế này
Đi đâu người ta cũng dễ gặp nhứng biển trà chanh như thế này.
Việc kinh doanh trà lãi nhiều hay ít nhờ vào nguyên liệu làm trà. Người bán hàng tên Trang dẫn chúng tôi lên phố Cao Thắng, Hoàn Kiếm, Hà Nội để mua chè khô và chanh. Một kg chè khô loại ngon để làm trà chanh có giá 150 nghìn, chè khô loại bình thường để làm trà đá có giá 80 nghìn đồng/kg. Trang không quên nhấn mạnh, muốn trà chanh ngon trước tiên chè pha phải ngon trước.

Sau khi mua chè, Trang ghé vào quầy bán chanh buôn bên đường mua 10 kg chanh với giá 17 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi tối Trang pha hết khoảng 2 lạng chè ngon và 3 lạng chè bình dân và khoảng 2kg chanh.
Cốc trà chanh đơn giản có giá 7 đến 12 nghìn đồng/cốc
Cốc trà chanh đơn giản có giá 7 đến 12 nghìn đồng/cốc.
Một cốc trà chanh được pha chế một phần trà, 1 phần nước lọc cho thêm 1 thìa đường và vắt nửa quả chanh. Có đường và chanh, cốc trà đá có giá 2.000 đồng đội lên 10 nghìn đồng. Trang cho biết, mỗi cốc trà chanh vốn chung mất khoảng 1.500 đồng, bán ra được 10 nghìn đồng. Một tối Trang bán được từ 80 đến 100 cốc. Ngoài ra, các sản phẩm ăn kèm như kẹo lạc hạt hướng dương cũng mang lại lợi nhuận lớn cho những người bán này.

“Ở đây bọn tớ bán với giá bình dân đấy, một số nơi giá 12 đến 15 nghìn đồng/cốc. Họ chỉ dùng loại chè pha bình thường nên lãi lắm. Nếu trừ hết chi phí mỗi lần mở hàng từ 6h chiều đến 10h đêm hai người bán hàng cũng lãi 5, 7 trăm nghìn là bình thường”.

Pha trà chanh bằng nước lã

Chúng tôi ghé vào một quán trà chanh gần công viên Thủ Lệ, Ba Đình, Hà Nội. Bên ngoài quán treo biển “Trà chanh 7.000 đồng/cốc”. Thắc mắc, tại sao ở một nơi địa thế đẹp mà giá lại mềm thế, tôi được bà chủ cho biết đang trong gia đoạn bán thử nên khuyến mại.
 
Vô tìn theo chân bà chủ vào phía bên trong khu “chế xuất” trà chanh, chúng tôi không khỏi giật mình tận mắt chứng kiến những cốc trà chanh được pha hết sức mất vệ sinh. Bà chủ quán khá tỉnh táo nên khi phát hiên có người đi theo mình đã nhanh chóng đuổi khéo khách ra ngoài chờ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dễ dàng quan sát đôi tay trần của bà thoăn thoắt pha rất nhanh một ít trà từ chiếc ca cáu đen, một ít nước lọc trắng từ một chai Lavi loại 5 lít méo mó. Bà lấy thìa đường khuấy lên và vắt nửa quả chanh vào, với vội tay nhặt 2 cục đá cho vào cốc mang cho khách.
Một khu chế xuất trà chanh, trà đá vỉ hè
Một khu chế xuất trà chanh, trà đá vỉ hè.
Khu chế xuất có duy nhất một phích nước nóng để pha trà nguyên chất còn lại chế thêm nước lã vào. Trong khi đó, bà chủ quán này đang giục chồng: “Mau vào nhà vặn nước vào chai chế đi chứ sắp hết nước rồi”.

Tương tự, ghé vào một quán trà chanh gần trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ngồi gần bà chủ quán pha chế chè chúng tôi mới được tận mắt nhìn thấy công nghệ pha rất mất vệ sinh. Một thùng nhỏ nước đục ngàu được bà rửa cốc từ sáng, ống hút nổi trên mặt thùng nước được bà nhặt lên phơi khô dành cho vị khách sau.
Những can nước lã để chế nước trà.
Những can nước lã để chế nước trà.
Bà cho một túi chè lụn vụn vào chiếc ấm tích và đổ nước sôi vào đậy vung lên luôn. Khi khách hàng thắc mắc “bác không tráng chè trước để tẩy thuốc sâu hay bụi bẩn”, bà chủ trấn an “người nhà bác ở Thái Nguyên trồng chè nên gửi cho chè ngon, không có thuốc sâu xuống để bác bán hàng”.

Trời oi nóng, đá rơi ra nền đất bà lại lấy tay nhặt bỏ vào thùng. Mỗi khi mồ hôi nhiều bà lại cho tay vào xô nước rửa chén để rửa mặt luôn. Khi có khách, đôi tay đen cáu kỉnh lại làm nhiệm vụ bốc đá cho vào cốc.

Thấy hết nước pha chế, bà cầm vội chai nước to sang một quán phở bên cạnh và chỉ 3 phút sau bà lễ mễ xách về một bình nước đầy. Bà cho biết nước này đun sôi để nguội nhưng với số lượng vài trăm cốc trà đá, trà chanh mỗi ngày liệu những chủ quán bán vội này có đun nước sôi để nguội phục vụ khách?. Quỹ thời gian này còn chưa tính đến những lần bị công an truy đuổi.
Khu để đá cũng rất mất vệ sinh
Khu để đá cũng rất mất vệ sinh.
Chị Mi, một người từng bán trà đá trên phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy thành thật: “Mỗi ngày bán ra hàng trăm lít nước. Ít người có đủ điều kiện để đun sôi nhất là những quán cóc, vỉa hè”.

Hầu hết những quán trà chanh, trà đá từ cửa ngõ thủ đô đến các ngóc ngách đều luôn đông tấp nập khách. Với công nghê pha chế trà từ nước lã như trên cộng với đá không an toàn có thể nhiều người sẽ ngậm ngùi an ủi khuất mắt trông coi.

Lan Chi