Làm gì để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng?

23/05/2018 10:21
Diệu Linh
(GDVN) - Sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra nhiều vấn đề quản lý rủi ro đối với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng.

Ngày 22/5/2018, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, thị trường tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao.

Điều này thể hiện nỗ lực của các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng trong việc đưa ra những sản phẩm phù hợp, phục vụ “nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn” về tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng của người dân. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đặt ra các yêu cầu cấp thiết về việc phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng sản phẩm…

Thị trường tài chính tiêu dùng có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. ảnh: LH.
Thị trường tài chính tiêu dùng có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. ảnh: LH.

Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng. 

Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; giúp người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Chỉ tính riêng các công ty tài chính đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng. 

Bên cạnh, đó các công ty tài chính đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến tháng 4 năm 2017, các công ty tài chính đã có số lượng nhân sự lên đến 40.000 người); trong đó riêng FE Credit có đến 15.000 nhân viên. Số lượng nhân viên này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo trong xã hội.

Sự phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dù mới nhưng phát triển bùng nổ như vậy sẽ đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào là rất lớn cho các công ty tài chính.

Khác với ngân hàng, theo quy định pháp luật hiện hành các công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi từ người dân nên nguồn cung vốn chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế cho nên việc giải quyết vấn đề nguồn vốn của các công ty tài chính là một thách thức rất lớn. 

Ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh: “Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, cũng vì đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các tổ chức tín dụng và người đi vay còn non trẻ, do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước và với cả khách hàng”.

Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng, theo Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân: “Người tiêu dùng phải hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính tiêu dùng cá nhân thật tốt để giá trị những giao dịch tín dụng tiêu dùng thể hiện được giá trị tích cực. 

Cần truyền thông cho người dân hiểu hơn về tài chính tiêu dùng bởi hoạt động này là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được lưu thông tốt hơn.

Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Các công ty tài chính cần coi trọng việc quản trị rủi ro trên các khoản vay, không nên quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá”. 

Diệu Linh