Mỗi người Việt dùng 4 thẻ ngân hàng: Mừng hay lo?

13/11/2015 14:04
Mai Anh
(GDVN) - “Có hiện tượng ngân hàng chạy theo doanh số, số lượng dẫn đến lượng thẻ nhiều nhưng sử dụng ít”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng, trong khi đó số lượng thẻ phát hành lên đến 86 triệu thẻ, cao hơn gấp 4 lần.

Nói cách khác, nếu chia số thẻ phát hành với người dùng thực tế thì hiện mỗi người Việt đang sử dụng đến 4 thẻ ngân hàng. So với nhu cầu thực tế, dường như đang có sự lãng phí vì số thẻ ngân hàng không phát sinh giao dịch là rất lớn.

Việt Nam đang lãng phí tài khoản thẻ khi thẻ phát hành nhiều nhưng phát sinh giao dịch ít (ảnh nguồn TheBank)
Việt Nam đang lãng phí tài khoản thẻ khi thẻ phát hành nhiều nhưng phát sinh giao dịch ít (ảnh nguồn TheBank)

Theo đó, chi phí phát hành thẻ hiện đang mới ở mức 3 - 5 USD (60.000 - 100.000 đồng), số tiền này nhân với số lượng thẻ ngân hàng dễ thấy chi phí hao tổn phát hành thẻ lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Nhìn vào con số được Tổng cục Thống kê đưa ra, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV cho rằng, có sự sai lệch với số liệu của Tổng cục Thống kê với Ngân hàng thế giới.

“Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng thế giới, năm 2014 số người có tài khoản, sử dụng thẻ ngân hàng tại Việt Nam chiếm 31% người lớn. Người lớn quy ước chung từ 15 tuổi trở lên. Con số của Tổng cục Thống kê đưa ra 20% là không rõ bao gồm cả trẻ em hay chỉ là người lớn, nếu bao gồm trẻ em thì con số không chính xác vì trẻ em Việt Nam chưa sử dụng thẻ và tài khoản ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy cho rằng số sự sai số nhưng TS. Cấn Văn Lực thừa nhận Việt Nam hiện đang phát hành hơn 80 triệu thẻ.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV: “Trên thị trường có hiện tượng ngân hàng chạy theo doanh số, số lượng dẫn đến số lượng thẻ nhiều nhưng sử dụng ít".
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV: “Trên thị trường có hiện tượng ngân hàng chạy theo doanh số, số lượng dẫn đến số lượng thẻ nhiều nhưng sử dụng ít".

“Chúng ta cũng không ngạc nhiên 1 người có từ 2-3 thẻ, một người ít nhất 2 thẻ: 1 thẻ ATM để rút tiền; 1 thẻ tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra có trường hợp một người dùng dịch vụ 2 ngân hàng khác nhau nên có thêm thẻ nữa”, TS. Lực lý giải.

Nguyên nhân dẫn đến số lượng thẻ ngân hàng phát hành lớn, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Trên thị trường có hiện tượng ngân hàng chạy theo doanh số, số lượng dẫn đến số lượng thẻ nhiều nhưng sử dụng ít. Về mặt đúng, các ngân hàng cần khuyến khích người dùng thẻ nhiều hơn để tránh lãng phí".

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng hiện tượng một người sở hữu nhiều thẻ ngân hàng là điều dễ hiểu. 

“Không chỉ Việt Nam mà ngay tại Mỹ, tình trạng một người sở hữu nhiều thẻ ngân hàng rất phổ biến. Thậm chí có người sở hữu đến cả 10 thẻ ngân hàng. Tuy nhiên số thẻ ngân hàng phát sinh giao dịch rất ít, điều này thể hiện sự lãng phí lớn”, TS. Hiếu cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên nguyên tắc một người nên có 2 tài khoản của 2 ngân hàng khác nhau để đề phòng trục trặc. “Nhưng con số Tổng cục Thống kê đưa ra với tỷ lệ một người sử dụng 4 thẻ ngân hàng là quá nhiều, quá lãng phí”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Một người sử dụng 4 thẻ ngân hàng là quá nhiều, quá lãng phí. (Ảnh nhân vật cung cấp).
TS Nguyễn Trí Hiếu: Một người sử dụng 4 thẻ ngân hàng là quá nhiều, quá lãng phí. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Sự lãng phí này thể hiện ở chỗ: Thứ nhất chi phí khởi đầu, do quá trình làm thẻ trải qua nhiều công đoạn để thiết lập mối quan hệ với khách hàng, sử dụng công nghệ thiết lập tài khoản…; Thứ hai chi phí bảo trì thẻ đó gây ra phí tổn liên quan đến đầu tư công nghệ, bảo mật, bảo vệ dữ liệu.

“Tại Việt Nam, ngân hàng muốn đẩy mạnh phát hành thẻ nhằm bán sản phẩm của mình. Thực tế có nhân viên ngân hàng bị ép chỉ tiêu mỗi năm phải phát hành bao nhiêu thẻ. Vì thế dù biết cha, mẹ, họ hàng, bà con... dù không có nhu cầu sử dụng thẻ nhưng vì áp lực chỉ tiêu nên cán bộ nhân viên ngân hàng đó vẫn làm thủ tục để phát hành”, TS. Hiếu thẳng thắn.

Mặt khác, theo ông Hiếu khi phát hiện ra sự lãng phí "rất ít ngân hàng hủy thẻ vì “bệnh thành tích”. Nhiều ngân hàng lấy con số phát hành thẻ như một thành tích để báo cáo Ngân hàng Nhà nước, báo cáo Hội đồng quản trị. 

Số lượng thẻ phát hành được coi là biểu tượng của thành tích chứng tỏ hiệu quả trong đầu tư. Chính vì điều này vô hình chung tạo thành áp lực phát hành thẻ với ban điều hành và giám đốc chi nhánh. Cuối cùng dẫn đến cuộc đua phát hành thẻ giữa các ngân hàng. Hệ lụy dẫn đến sự lãng phí”.

Để giải quyết vấn đề trên, theo TS. Hiếu các ngân hàng nên 6 tháng kiểm tra 1 lần nếu các thẻ trong vòng 6 tháng không phát sinh giao dịch nên hủy tài khoản thẻ.

Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đến năm 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đạt gần 86 triệu thẻ, tăng 30% so với cuối năm 2013. Trong đó, gần 90% là thẻ nội địa, 10% là thẻ quốc tế. Số lượng thẻ phát hành vẫn đang tăng trưởng đều qua các năm. 

Mai Anh