Mua nhau thai tẩm bổ, cẩn thận “dính” HIV

06/10/2011 14:40
Người ta phát hiện nhau thai của các sản phụ không khỏe mạnh có thể bị nhiễm HIV, viêm gan siêu vi C, B, giang mai…
Trước thực trạng người dân đi mua nhau thai về tẩm bổ một cách vô tội vạ, PV đã có buổi làm việc với bác sĩ Trần Ngọc Hải - Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM nhằm làm rõ thực hư tác dụng của nhau thai cũng như tìm hiểu quy trình xử lý nhau thai của bệnh viện này.

Sử dụng nhau trôi nổi dễ nhiễm bệnh nguy hiểm

Trước khi phân tích về những lợi và hại trong việc mua bán sử dụng nhau thai trôi nổi của người dân, bác sĩ Hải muốn mọi người hãy hiểu rõ nhau thai là gì.

Theo ông, nhau thai là một bộ phận nuôi em bé trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nó cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Phòng sanh của Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thanh Huyền.
Phòng sanh của Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thanh Huyền.
Sau 3 tháng, nhau thai có vai trò là hàng rào, màng lọc các chất dinh dưỡng từ máu mẹ truyền qua cho con. Từ bánh nhau có dây rốn đưa máu đi vào cơ thể em bé. Nhau có các hóc môn cung cấp cho thai nhi. Thành phần của nhau thai đến 70% là nước.

“Trong đông y nhau thai được coi như một vị thuốc. Người ta cứ nói là bổ lắm, tốt lắm nhưng cũng chưa hề có một nghiên cứu thực tiễn nào chứng minh điều đó” – Bác sĩ Hải nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bổ đâu chưa thấy nhưng trước mắt việc sử dụng nhau thai trôi nổi đem đến rất nhiều cái hại. Việt Nam có một loại thuốc bổ có tên là Philatop.
Nhau thai được lấy ra từ sản phụ, đưa qua cánh cửa chuyên dụng. Ảnh: Thanh Huyền.
Nhau thai được lấy ra từ sản phụ, đưa qua cánh cửa chuyên dụng. Ảnh: Thanh Huyền.
Loại thuốc này được chiết xuất từ chế phẩm của nhau thai. Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây gần như không thấy loại thuốc này nữa vì người ta phát hiện nhau thai của các sản phụ không khỏe mạnh có thể bị nhiễm HIV, viêm gan siêu vi C, B, giang mai…

Từ đó, việc sử dụng các chế phẩm từ nhau thai được quản lý rất nghiêm ngặt, nhau phải có 'lý lịch' rõ ràng và xử lý theo một quy trình đảm bảo.

Bác sĩ Hải cho biết, việc mua bán nhau thai trên thị trường bị nghiêm cấm. Nhau thai nhiễm bệnh không chỉ nguy hại đối với người sử dụng mà còn có thể lây bệnh cho cả người bán, người tiếp xúc.

Xử lý nhau thai thế nào?

Giải thích cho việc tại sao vẫn có người mua được nhau thai tươi, vậy nhau thai này ở đâu ra, Bác sĩ Hải nói: “Trên toàn quốc có biết bao nhiêu cơ sở sinh sản từ lớn đến nhỏ. Có thể các khâu kiểm soát, xử lý của các cơ sở nhỏ lẻ không chặt chẽ đã tuồn nhau thai ra ngoài.
Nhau thai được phân loại, bảo quản lạnh, chờ đem đi tiêu hủy. Ảnh: Thanh Huyền.
Nhau thai được phân loại, bảo quản lạnh, chờ đem đi tiêu hủy. Ảnh: Thanh Huyền.
Tuy nhiên, riêng đối với các bệnh viện phụ sản lớn như Từ Dũ thì chuyện đó hoàn toàn không có. Nhau thai ở đây được xử lý theo một quy trình khép kín rất nghiêm ngặt”.

Và bác sĩ Ngọc Hải không ngần ngại cho chúng tôi chứng kiến quy trình xử lý nhau thai của bệnh viện mình.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan quy trình xử lý nhau thai là Hộ sinh trưởng của Khoa Sanh – Phan Thị Phương Trinh và bác sĩ Như Anh, Phòng Kế hoạch tổng hợp.

Theo sự chỉ dẫn của chị Trinh, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhau thai được lấy ra từ sản phụ, đựng trong một chiếc chậu bằng inox, đưa qua một chiếc cửa nhỏ chuyên dụng ra ngoài hành lang.

Tại đây nhau thai được đổ vào trong chiếc thùng có dán nhãn, để trong tủ ướp lạnh từ 2 độ C đến 5 độ C. Nhau bệnh lý được để riêng.
Chậu đựng nhau thai được ngâm rửa tại đây. ảnh: Thanh Huyền.
Chậu đựng nhau thai được ngâm rửa tại đây. ảnh: Thanh Huyền.
Cứ mỗi ngày vào lúc 7h sáng và 16h chiều lại có nhân viên xử lý rác thải y tế đến, bỏ nhau thai phân loại vào trong bịch ni lông, niêm phong, dán nhãn, đưa thẳng ra nhà xử lý rác thải y tế của bệnh viện.

Tại nhà xử lý rác thải y tế, nhau thai được phân loại bỏ vào thùng có dán nhãn và xử lý như đối với các mô mềm, bệnh phẩm chứ không giống như các loại rác y tế thông thường.

Bệnh viện Từ Dũ đã ký hợp đồng với một công ty xử lý rác thải. Nhân viên của công ty này sẽ tới nhà rác của bệnh viện, vận chuyển những thùng rác đã được phân loại sẵn, đem đi. Công ty này có trách nhiệm tiêu hủy các loại rác nói trên theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo Vietnamnet