Nâng cao vai trò của kinh tế tập thể

07/11/2018 07:20
An Nhiên
(GDVN) - Ngày 6/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo bàn, thống nhất kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW.

Ngày 6/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo bàn, thống nhất kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Tham gia buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và lãnh đạo của nhiều bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhận thức của hệ thống chính trị, của toàn xã hội về kinh tế tập thể đối với sự phát triển của đất nước đã có những chuyển biến rõ nét, hợp tác xã có sự biến đổi nhanh chóng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả cao.

Do vậy, các bộ đề nghị cần tổng kết để có chỉ đạo về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới cho phù hợp, trong đó, cần bám sát nghị quyết, nghiên cứu cả về lý luận, quan điểm luận chứng, thực tiễn để loại hình kinh tế này phát triển hiệu quả hơn.

Vừa qua, nhiều địa phương cũng ban hành nghị quyết của tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, cần làm rõ việc tổ chức hội nghị tổng kết của các tỉnh, thành ủy và nên tổng kết từ cơ sở.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phải đánh giá cho được thực trạng của kinh tế tập thể hiện nay, cả về mặt số lượng, chất lượng, tính bền vững của loại hình kinh tế này.

Phó Thủ tướng yêu cầu nội dung tổng kết phải bám sát Nghị quyết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết, đi vào những vấn đề về thể chế, chính sách, nhất là đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực kinh tế tập thể, hợp tác xã; đánh giá thực trạng và vai trò của quản lý nhà nước, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, vai trò của liên minh hợp tác xã.

Nâng cao vai trò của kinh tế tập thể ảnh 2Không để các hợp tác xã tồn tại hình thức

Đồng thời làm rõ những vướng mắc, rào cản để tháo gỡ, tìm ra điển hình mới, động lực mới, hướng đi mới, tạo động lực cho loại hình kinh tế này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Trên cơ sở tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, có bổ sung, trên cơ sở đó tạo luận cứ cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật hợp tác xã vào năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng, cần tổng kết từ cơ sở, cấp đứng ra tổ chức là cấp tỉnh. Ngoài việc tổ chức tổng kết theo địa bàn, kế thừa kinh nghiệm sơ kết 5 năm thực hiện Luật hợp tác xã, các bộ cần chủ trì tổng kết theo lĩnh vực chuyên đề.

Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã mà trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về thực thi chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các vấn đề về đất đai, tín dụng, đào tạo, kinh nghiệm quốc tế…

Trung ương sẽ tổ chức đoàn khảo sát đi một số địa bàn trọng điểm, mang chất vùng miền, để nghiên cứu một số mô hình mới thành công, những nơi còn vướng mắc.

Thời điểm tổng kết cần được tính toán tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đại hội Đảng các cấp. Việc tổng kết ở cấp Trung ương do Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

An Nhiên