Nếu bán đồ gia dụng, Nguyễn Kim sẽ đánh mất thương hiệu

10/09/2013 07:36
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khi nói về sự chuyển hướng bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng như bột giặt, dầu gội đầu… của “đại gia” điện máy Nguyễn Kim.
Những ngày gần đây khách hàng đến một số siêu thị thuộc chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim tại TP.HCM khá bất ngờ khi tại đây bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng. Giới kinh doanh điện máy cho rằng, việc chuyển hướng kinh doanh này chứng tỏ đại gia điện máy Nguyễn Kim đang gặp khó khăn. Dễ thấy, khó khăn thị trường cũng đang ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh điện máy như Pico, TopCare, Trần Anh, Nguyễn Kim, Việt Long… theo dự báo năm 2013 mức tăng trưởng của ngành này ở mức âm 20%. Riêng Nguyễn Kim cũng vừa phải đóng chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24G tại TP.HCM. Đánh giá về tình hình kinh doanh điện máy hiện nay, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong năm 2013 kinh doanh điện máy được dự đoán là rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp điện máy phải dùng các chiêu thức giảm giá, mua hàng bốc thăm trúng thưởng, đưa hàng về nông thôn… nhằm tăng sức mua nhưng kết quả đạt được không như mong đợi.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (ảnh H.Lực)
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (ảnh H.Lực)
Khó khăn trên thị trường điện máy theo ông Vũ Vinh Phú có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất vòng đời sử dụng điện máy thời gian dài hơn nữa những mặt hàng điện máy thông dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính… hầu hết gia đình tại thành phố lớn như Hà Nội đều có. Nhu cầu thay đổi mẫu mới của người tiêu dùng là rất ít nhất là trong lúc nền kinh tế không mấy sáng sủa.
Thứ hai sự phát triển ồ ạt nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy trong thời gian ngắn, gần như ở đâu có siêu thị bán hàng tiêu dùng, có cửa hàng bán hàng tiêu dùng thì ở đó có cửa hàng và siêu thị điện máy. Chính lượng cung phát triển nhanh trong khi nhu cầu thị trường về mặt hàng điện máy không giống như mặt hàng khác. “Ngay trong chính các sản phẩm điện máy không phải mặt hàng nào cũng gặp khó, ví dụ những mặt hàng điện máy thông thường như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện… nhà ai cũng có, người ta chỉ mua sắm thêm khi có sự di chuyển về cơ học ví dụ chuyển nơi ở, mua nhà mới..v..v.. vì thế mặt hàng này tiêu thụ chậm. Nhưng điện thoại di động như smartphone, iPad vẫn thu hút người mua nhiều, riêng trong quý 2/2013 Việt Nam tiêu thụ gần 6 triệu điện thoại, tăng gấp đôi so với quý 2/ năm 2012” – Ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Trở lại câu chuyện khó khăn trong kinh doanh khiến Nguyễn Kim phải chuyển hướng, bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng như bột giặt, dầu gội đầu, nước xả vải… theo ông Phú hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Nguyễn Kim mà ở nhiều siêu thị điện máy khác.

“Đây là tín hiệu cho thấy sự Nguyễn Kim đang gặp khó khăn trên thị trường kinh doanh điện máy, việc chuyển hướng này là cần thiết trong một thời gian ngắn nhưng nếu chú tâm quá nhiều mặt hàng tiêu dùng, ngoài ngành các doanh nghiệp kinh doanh điện máy sẽ mất đi thương hiệu” – Ông Phú nhận định.

Theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp kinh doanh điện máy như Nguyễn Kim chỉ nên dùng dưới 20% số vốn cho kinh doanh mặt hàng tiêu dùng và chỉ duy trì trong một thời gian ngắn 1 – 2 năm trong lúc kinh doanh điện máy khó khăn hiện nay. Sau khi kinh tế phục hồi trở lại, thị trường ấm lên doanh nghiệp nên rút vốn khỏi mặt hàng tiêu dùng để tập trung vào điện máy.

“Không thể bày bán nước mắm, muối, mì chính với tivi, tủ lạnh, iPhone, iPad được, làm gì cũng chỉ chính chuyên một nghề mới tồn tại và làm nên thương hiệu” – ông Phú khẳng định.

Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp kinh doanh điện máy “vượt khó” lúc này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp điện máy không nên chạy đua về giá bằng các chiêu khuyến mại giảm giá sốc như trước đây mà nên tập trung nâng cao chất lượng phục vụ đặc biệt là việc bảo hành, bảo trì sản phẩm.

Bên cạnh đó, các siêu thị, doanh nghiệp điện máy không nên sử dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để “triệt hạ” đối thủ. Ngược lại đây là lúc các siêu thị, doanh nghiệp điện máy nên hợp tác cùng nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng hàng hóa để có được lòng tin từ người tiêu dùng.

Theo tính toán của các chính doanh nghiệp, chi phí một tháng cho một siêu thị điện máy không dưới 5 tỷ đồng, 1 năm 60 tỉ vì vậy một tháng siêu thị điện  máy phải đạt doanh số 15 tỷ đồng, có nghĩa nếu 1 ngày siêu thị điện máy không bán được 500 triệu đồng thì coi như lỗ.
Hoàng Lực