Ngay từ nhận thức đã phải bình đẳng đối với kinh tế tư nhân

03/06/2019 06:10
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Cần phải có sự đối xử công bằng, bình đẳng ngay từ trong nhận thức giữa khối kinh tế tư nhân và các khối kinh tế khác”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ" do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua đã tạo cơ hội cho các doanh nhân tư nhân, cơ quan, tổ chức đối thoại, hiến kế, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.

Trong phát biểu khai mạc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Nhất là, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng: “Những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa”.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: Quochoi.vn

Vậy đâu là giải pháp để cho kinh tế khu vực tư nhân phát triển? Bên hành lang kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – đoàn Lạng Sơn cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là nhận thức.

Nhận thức đúng và hiểu đúng, thống nhất theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về xác định rõ tầm quan trọng và vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập hiện nay.

“Từ nhận thức đúng mới thực sự quan tâm, tận tâm, tận lực cho việc thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển bằng việc tháo bỏ, giải quyết những vấn đề liên quan tới hành lang pháp lý, cơ chế, thủ tục đối với quá trình thành lập, vận hành, hoạt động của khối này”, đại biểu Thành nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, cần phải có một hệ thống chính sách thực sự khuyến khích khối kinh tư tư nhân phát triển.

Các hỗ trợ về tín dụng, lao động, sáng kiến khởi nghiệp... cần được ban hành rõ ràng, đầy đủ và phải đủ sức để làm khối kinh tế này vươn lên được.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích, hiện nay chỉ có một số tập đoàn kinh tế lớn, bằng sự vận động, phát triển và sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ đã bật lên và tạo được tảng vững chắc.

Các tập đoàn này đã trở thành những đơn vị trụ cột trong nền kinh tế của đất nước với những đóng góp rất tích cực.

Cần những doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt nền kinh tế

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân còn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới tới 97% tỉ trọng các doanh nghiệp. Nhóm này cũng có tác động lớn tới các vấn đề xã hội, nên cần phải được đẩy mạnh phát triển.

Theo đại biểu Thành, thực tế thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cải tiến trong thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phàn nàn vì bị gây khó dễ về mặt thủ tục, trong quá trình doanh nghiệp vận hành nảy sinh nhiều vấn đề gây bất lợi trong sản xuất, kinh doanh, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Từ đó, đại biểu Thành nhấn mạnh: “Cần phải có sự đối xử công bằng, bình đẳng ngay từ trong quan điểm, nhận thức, trong cách nhìn và cả những thứ đằng sau nữa... giữa khối kinh tế tư nhân và những khối kinh tế khác”.

Thông tấn xã Việt Nam đăng tải phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng: 

quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng cho được doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn có tính chất xuyên quốc gia, mang tính dẫn dắt.

Việt Nam cũng mong muốn và chủ trương phải có những doanh nghiệp tầm cỡ như vậy.

Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách.

Thời gian qua, chúng ta có nhiều quyết sách với khu vực tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp lớn.

Nhưng thật sự các quyết sách riêng dành cho những doanh nghiệp lớn của Chính phủ chưa đủ mạnh. Thời gian tới, đây là điều cần phải xây dựng.

Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, VietJet, Viettel…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp tự lực, tự thân là chính, tất nhiên có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng không nhiều.

Tôi nghĩ sắp tới phải có chính sách riêng để có những hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp lớn như thế này. Ví như hỗ trợ tiếp cận về khoa học công nghệ, tín dụng, đất đai.

Và điều quan trọng nhất là Nhà nước tạo ra một sân chơi lớn hơn, để các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.

Đỗ Thơm