Nghị định 67 còn vướng mắc, dự án "khủng" của các đại gia bị lãng quên

24/05/2015 16:00
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Nghị định 67 đang có vướng mắc khiến người dân khó tiếp cận vốn còn những dự án xin nhập tàu cũ ra khơi của Công ty Đức Khải, Trí Việt cũng chìm vào quên lãng.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) ra đời với chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp sửa chữa tàu cá được kỳ vọng sẽ tạo bước đệm để ngư dân yên tâm bám biển. Tuy nhiên đến nay việc triển khai dự án vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. 

Sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay có 23/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới 628 tàu.

Tính đến ngày 24/4/2015, các ngân hàng thương mại đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố, ký hợp đồng tín dụng đóng mới nâng cấp 31 tàu với tổng số tiền là hơn 270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số 31 tàu cá được đóng mới, nâng cấp là quá ít so với kế hoạch đặt ra. Theo Nghị định 67, cả nước cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ xung. 

Ảnh minh họa (nguồn Lao Động)
Ảnh minh họa (nguồn Lao Động)

Lần đầu tiên, những con tàu lớn có sự hỗ trợ của nhà nước bởi ngư dân sẽ được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và công suất máy chính.

Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc; Lãi suất quy định từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên, ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4-6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy.

Tuy nhiên ngay cả khi có chính sách ưu đãi như vậy, ngư dân vẫn ngần ngại lo lắng không biết có trả được nợ ngân hàng hay không. 

Anh Lê Văn Ngọt (phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) chia sẻ, rất muốn vay tiền đóng tàu cá bằng sắt cỡ lớn để ra khơi nhưng thời gian gần đây biển động đi biển làm ăn thất thu, không đảm bảo thu nhập nên sợ vay sẽ không trả được.

Trong khi đó trả lời trên VTV, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khá lo lắng về chỉ tiêu gần 2400 con tàu được nâng cấp, đóng mới theo Nghị định 67. Bởi nếu không nhìn nhận nghề cá là ngành công nghiệp có sự đầu tư, tổ chức bài bản thì tàu đóng mới sẽ khó mang lại hiệu quả cho ngư dân.

“Để ngư dân có lãi thì khâu tổ chức sản xuất, dự báo môi trường… phải phát triển đồng bộ. Dù dự báo môi trường hiện nay có nhưng hệ thống dự báo đó dựa trên cơ sở dữ liệu nào thì không được cập nhật. Đã hơn chục năm nay sơ sở dữ liệu đó chỉ hình thức chứ không phải dựa trên cơ sở đánh giá khoa học thường xuyên ở vùng biển mình bằng các tàu nghiên cứu, bằng đầu thu dữ liệu kết hợp với nông dân vừa đánh cá vừa thu dữ liệu để các nhà khoa học tập hợp lại dự báo môi trường”, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Theo ông Dũng, đây không phải lúc để phân bổ chỉ tiêu mà ngư dân, ngân hàng mới là người đưa ra quyết định đóng tàu hay không, đóng tàu gì, đóng tàu cỡ nào…

Cùng với lo lắng việc vay không trả được ngân hàng ngư dân khó tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67 do thủ tục giấy tờ còn quá nhiều khiến ngư dân chán nản.

Trong khi Nghị định 67 chưa mang lại những hiệu quả như kỳ vọng thì những dự án "khủng" từng được kỳ vọng sẽ vay được nguồn vốn từ Nghị định này như dự án xin nhập khẩu hàng trăm tàu cá của Công ty Đức Khải và Công ty Trí Việt cũng "im hơi lặng tiếng".

Cụ thể vào tháng 7/2014, Công ty CP Đức Khải từng gây chú ý khi tuyên bố đầu tư 1.500 tỷ đồng sắm 100 tàu thủy sẽ có 95 tàu đánh bắt, 5 tàu dịch vụ hậu cần. Để có tiền thực hiện đề án này, Công ty Đức Khải đề xuất Chính phủ tạo cơ chế ưu đãi vay tới 1.350 tỉ đồng (bằng 90% tổng số vốn dự án) với lãi suất 1% từ chính sách Nghị định 67. 

Chưa đầy 1 tháng sau khi Công ty Đức Khải gửi đề xuất mua tàu cá, đến lượt Công ty CP Tập đoàn thủy hải sản Trí Việt do ông Trần Văn Trí (chồng của đại gia thủy sản Diệu Hiền) làm Chủ tịch cũng gây “sốt” với dự án nhập khẩu, đóng mới tới 220 tàu cá.

Điểm chung của hai dự án này là việc xin nhập những tàu cá cũ kỹ từ các nước, trong khi lại muốn xin vay vốn với lãi xuất ưu đãi. Những đề xuất này đã không được chấp nhận vì vi phạm những quy định trong việc nhập đăng ký tàu đã qua sử dụng.

Sau khi đề án ra khơi không được chấp nhận dự án mua sắm tàu cá của công ty Đức Khải và công ty Trí Việt cũng chìm dần trong quên lãng. 

Hồng Minh (Tổng hợp)