Nghi vấn Tân Á Đại Thành xâm phạm kiểu dáng công nghiệp tủ đựng máy lọc nước

23/05/2017 09:51
Mai Anh
(GDVN) - Có dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp xâm phạm kiểu giáng công nghiệp tủ máy lọc nước đã được doanh nghiệp khác đăng ký sở hữu bản quyền.

Nghiều nghi vấn vi phạm bản quyền

Vừa qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả về việc hàng loạt doanh nghiệp như Sơn Hà, Tân Á… xâm phạm sở hữu kiểu dáng công nghiệp - tủ đựng máy lọc nước của hãng Karofi.

Phản ánh cho biết, mẫu tủ lọc nước kính cường lực là của Công ty Cổ phần Karofi Việt Nam nghiên cứu sáng tạo ra.

Ngày 28/8/2015 Karofi gửi hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp bằng chứng nhận sở hữu kiểu dáng công nghiệp mẫu tủ lọc nước kính cường lực ngày 21/12/2016.

Theo phản ánh của độc giả mẫu tủ lọc nước kính cường lực được đăng ký sở hữu - ảnh chụp lại công bố của Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo phản ánh của độc giả mẫu tủ lọc nước kính cường lực được đăng ký sở hữu - ảnh chụp lại công bố của Cục Sở hữu trí tuệ.

“Các doanh nghiệp như Sơn Hà (Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà), Tân Á (Tập đoàn Tân Á Đại Thành) gian lận trong kinh doanh khi “ăn cắp” sở hữu kiểu dáng công nghiệp - tủ đựng máy lọc nước của Karofi và vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ”, phản ánh cho biết.

Trước thông tin phản ánh trên với mong muốn thông tin khách quan, đa chiều và rõ ràng vụ việc, ngày 21/4/2017 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng như Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Theo phản ánh mẫu tủ máy lọc nước của Tân Á và...
Theo phản ánh mẫu tủ máy lọc nước của Tân Á và...
...Sơn Hà đã "ăn cắp" bản quyền kiểu dáng công nghiệp tử máy lọc nước - ảnh do độc giả cung cấp
 ...Sơn Hà đã "ăn cắp" bản quyền kiểu dáng công nghiệp tử máy lọc nước - ảnh do độc giả cung cấp 

Trao đổi với phóng viên sáng ngày 21/4 bà Ngô Thị Quỳnh Vi – Phụ trách truyền thông Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho biết sẽ tiếp nhận thông tin và báo cáo lãnh đạo công ty này sau đó sẽ có thông tin phản hồi. 

Sau hơn 10 ngày không có phản hồi của Sơn Hà, phóng viên Báo Điện tử liên hệ lại với bà Vi và được trả lời: “Nội dung em đã chuyển email nhưng sếp em đi công tác nước ngoài nên hiện tại chưa có câu trả lời”.

Trong khi đó trong văn bản trả lời thông tin phản ánh, bà Đào Hồng Anh - Trưởng Phòng Truyền thông (Tập đoàn Tân Á Đại Thành) cho biết: “Chúng tôi luôn nghiêm ngặt tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có các quy định về quyền Sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. 

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước thông tin phản ánh cho rằng Tân Á Đại Thành vi phạm bản quyền về kiểu dáng công nghiệp - tủ đựng máy lọc nước”.

Qua hình ảnh phản ánh của độc giả được phóng viên cung cấp đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho rằng, đây là máy lọc nước RO Tân Á Pro+ được doanh nghiệp này triển khai từ năm 2015.

Phía Tân Á Đại Thành cũng cho biết sau khi tiếp nhận thông tin đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát lại thông tin và khẳng định không có việc vi phạm bản quyền về kiểu dáng công nghiệp của tủ đựng máy lọc nước như thông tin phản ánh. 

Ngoài ra Tân Á Đại Thành cũng cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ khẩn trương cung cấp thông tin cho Cục Sở hữu trí tuệ để xem xét lại việc cấp văn bằng kiểu dáng công nghiệp và sẵn sàng đối thoại trực tiếp với đơn vị được cấp văn bằng để làm rõ thêm các thông tin, tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Tân Á Đại Thành”.

Như vậy qua trả lời của Tân Á Đại Thành có thể thấy đến thời điểm có phản ánh thì máy lọc nước RO Tân Á Pro+ của Tân Á Đại Thành vẫn chưa được cấp sở hữu bản quyền kiểu dáng công nghiệp.

Có cơ sở khẳng định xâm phạm bản quyền

Trước thông tin phản ánh và phản hồi của các doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sáng ngày 8/5/2017, ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam) cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký kiểu dáng công nghiệp tủ đựng máy lọc nước khác nhau, để xem doanh nghiệp nào vi phạm kiểu dáng phải dựa vào phản ánh của chính doanh nghiệp được cấp bằng.

“Doanh nghiệp được cấp bằng độc quyền kiểu dáng phải tự kiểm soát trên thị trường xem có doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm giống với kiểu dáng mà họ được cấp bằng độc quyền.

Nếu phát hiện có doanh nghiệp khác xâm phạm kiểu dáng mà họ đã đăng ký, họ có quyền đề nghị cơ quan quản lý thị trường vào cuộc xem xét xử lý”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam) có cơ sở để cho rằng sản phẩm máy lọc nước RO Tân Á Pro+ xâm phạm bản quyền mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi - ảnh H.Lực
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam) có cơ sở để cho rằng sản phẩm máy lọc nước RO Tân Á Pro+ xâm phạm bản quyền mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi - ảnh H.Lực

Theo ông Tuấn khi cơ quan chức năng xử lý xâm phạm kiểu dáng có thể tham khảo ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ để làm rõ sự giống và khác nhau ở kiểu dáng từ đó mới có kết luận.

“Một doanh nghiệp được xem là đã xâm phạm độc quyền kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp khác khi sản phẩm của doanh nghiệp này sản xuất có những đặc điểm kiểu dáng cơ bản không khác biệt với kiểu dáng đã được doanh nghiệp khác đăng ký và được cấp bằng độc quyền”, ông Tuấn cho hay

Phân tích hình ảnh sản phẩm máy lọc nước RO Tân Á Pro+ và hình ảnh mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đăng ký bán quyền được phóng viên cung cấp ông Tuấn cho biết, trên thị trường có nhiều mẫu bình đựng máy lọc nước có hình hộp chữ nhật. Vì thế kiểu dáng hình hộp chữ nhất không phải là kiểu dáng cơ bản khác biệt, không phải đặc điểm mới.

“Tuy nhiên phía trước máy lọc nước RO Tân Á Pro+ và mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đăng ký bán quyền có chung đặc điểm: Thứ nhất mặt trước cùng được chia làm 2 phần, phần trên có khoang hình chữ nhật trong suốt, phần dưới là phần không trong suốt; Thứ hai mặt trước cùng bị vát hai bên.

Trường hợp này có thể kết luận hai mẫu này có kiểu dáng cơ bản không khác biệt nhau. Không khác biệt có nghĩa giống nhau, một trong hai xâm phạm bản quyền”, ông Tuấn cho biết. 

Trước hình ảnh phóng viên cung cấp ông Tuấn phân tích giữa máy lọc nước RO Tân Á Pro+ và mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đăng ký bán quyền có chung đặc điểm: Mặt trước cùng có khoang hình chữ nhật trong suốt (mũi tên mầu đỏ) phần dưới là phần không trong suốt. Ngoài ra mặt trước cùng bị vát hai bên (mũi tên mầu xanh) - ảnh: Hoàng Lực.
Trước hình ảnh phóng viên cung cấp ông Tuấn phân tích giữa máy lọc nước RO Tân Á Pro+ và mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đăng ký bán quyền có chung đặc điểm: Mặt trước cùng có khoang hình chữ nhật trong suốt (mũi tên mầu đỏ) phần dưới là phần không trong suốt. Ngoài ra mặt trước cùng bị vát hai bên (mũi tên mầu xanh) - ảnh: Hoàng Lực.

Như vậy theo khẳng định của ông Tuấn trong khi mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đã được đăng ký và cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp điều này đồng nghĩa sản phẩm máy lọc nước RO Tân Á Pro+ đã xâm phạm kiểu dáng công nghiệp bình đựng máy lọc nước của doanh nghiệp khác?

Không chỉ máy lọc nước RO Tân Á Pro+ mà theo quan sát bề ngoài bình đựng máy lọc nước của Sơn Hà cũng có đặc điểm kiểu dáng tương tự như mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi đã được đăng ký và cấp bằng độc quyền. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc kết luận doanh nghiệp có hay không xâm phạm kiểu dáng công nghiệp cần phải có kết luận của đơn vị quản lý thị trường.

Tuy nhiên bằng mắt thường quan sát có thể thấy giữa máy lọc nước RO Tân Á Pro+ và hình ảnh mẫu tủ lọc nước kính cường lực được Karofi có đặc điểm kiểu dáng giống nhau.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp A không có bằng độc quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp nhưng nếu chứng minh được những sản phẩm họ sản xuất ra đời trước thời điểm doanh nghiệp B nộp hồ sơ đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp thì có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bằng độc quyền.

“Còn nếu không chứng minh được hiển nhiên họ đang xâm phạm kiểu dáng và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn cho biết. 

Mai Anh