Người đi chợ "chùn tay" mua sắm vì những thông tin này

04/11/2013 10:21
LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Tuần qua, hàng loạt thông tin về sản phẩm kém chất lượng khiến người tiêu dùng lo lắng.
Chiêu biến lợn siêu nạc thành lợn mán đặc sản
Báo Vietnamnet ngày 2/11 đưa tin tại các quầy thịt lợn ở Hà Nội, lợn mán được bán với giá cao gấp đôi giá thịt thường nhưng lại là thịt lợn sữa, lợn sề bị làm giả. Theo đó, thịt lợn mán gải được bán 1 kg với giá hơn 300 nghìn đồng.
Kinh nghiệm từ một người chuyên buôn lợn từ các vùng núi Tây Bắc đổ về các nhà hàng ở Hà Nội cho biết: Thịt lợn mán có da khá dày và cứng, lớp mỡ cực ít hoặc không có. Da lợn mán sần sùi, không bóng như da lợn nhà hay lợn lai, thường có ba sợi lông mọc chụm ở một chỗ.
Thịt lợn mán có lông da 3 lỗ là đặc điểm nổi bật khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Thịt lợn mán có lông da 3 lỗ là đặc điểm nổi bật khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Thịt lợn rừng có màu nhạt chứ không đỏ như thịt nhà và có mùi hôi khá đặc trưng. Khi chế biến, thịt lợn rừng ngọt và thơm hơn thịt lợn nuôi. Điểm đáng chú ý là bì thịt lợn rừng phải nấu trong vòng 15 – 25 phút thì mới giòn và ăn được. Người ta có thể dùng máy bắn lông để tạo thành chân lông 3 lỗ trên bì lợn. Cũng có thể dùng lợn nhỏ, nuôi cám tăng trọng để giống hệt lợn mán.
Thịt lợn mán có giá đắt gấp đôi, gấp ba thịt lợn nhà. Giá thịt dao động trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy từng phần thịt khác nhau. Có một số loại thịt được gắn mác lợn mán nhưng chỉ có giá dưới 200.000 đồng/kg.
Cua lạ nghi xuất xứ từ... Trung Quốc
Báo Thanh niên ngày 29/10 cho biết, tại nhiều xã ở Nam Định, chỉ cần ra đồng hay tìm kiếm quanh mương, rạch, người dân đã xúc được cả giỏ cua, có người bắt được hàng chục cân mỗi ngày. Nhờ bắt cua quá dễ dàng nên giá bán phổ biến tại các chợ khoảng 120 nghìn đồng/kg giảm chỉ còn 60-70.000 đồng/kg. 
Sau thời gian đầu mua-bán rầm rộ, nhiều người dân giờ không dám ăn cua vì không yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Chị Trịnh Thị Hằng, thôn Trí An, xã Nam Hoa (H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết, người dân chẳng dám ăn loại cua này vì nghi ngờ do người Trung Quốc thả xuống từ đầu nguồn sông Hồng, trong cua có cấy trứng đỉa...(?!).
Cua được giới thiệu là nuôi có giá rất rẻ xuất hiện nhan nhản tại các chợ ở Hà Nội.
Cua được giới thiệu là nuôi có giá rất rẻ xuất hiện nhan nhản tại các chợ ở Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, cua lạ mang danh cua nuôi có giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra, cua nuôi đều nhau chằn chặn, mười con bằng nhau cả mười, hai càng rất cân đối. Đặc biệt, cua nuôi có màu rất lạ như xanh, trắng đục, xám. Cua nuôi không khỏe như cua đồng. Cua đồng khi bắt lên bờ có thể để từ hai tới bốn ngày là bình thường, nhưng cua nuôi thì thời gian không kéo dài được như thế.
La liệt thịt siêu rẻ ở vỉa hè Hà Nội
Các chợ cóc ở gần cổng chợ Tân Xuân, gầm cầu đường sắt Thăng Long thường hoạt động từ 11h30 đến 2h chiều. Đây là bãi đất cát nguyên vật liệu, rộng khoảng 30m2 nhưng có đầy đủ các mặt hàng, từ các loại thịt, cá đến rau, củ, quả. Tất cả hàng hóa đều ngả màu và có mùi lạ, được bày bán trên bao tải dứa hoặc vải nhựa.
Thực phẩm tại đây có giá “siêu rẻ”. Thịt lợn, sườn giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, thịt bò giá 75.000 đồng/kg, trong khi các chợ buổi sáng bán với giá từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi kg. Rẻ nhất tại chợ là thịt chó với giá 45.000 – 60.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng một nửa so với những nơi khác.
Muốn vào chợ cóc bán hàng giá siêu rẻ, người kinh doanh cũng phải bỏ ra một khoản tiền “làm luật” là 5.000 đồng mỗi ngày. Ảnh: Phương Nhung.
Muốn vào chợ cóc bán hàng giá siêu rẻ, người kinh doanh cũng phải bỏ ra một khoản tiền “làm luật” là 5.000 đồng mỗi ngày. Ảnh: Phương Nhung.  
Theo các chủ kinh doanh tại chợ, hàng bán tại đây là hàng buổi sáng còn thừa. Không riêng gầm cầu Long Biên, thịt chuyển màu, có mùi lạ, giá bèo còn được bày bán tràn lan tại nhiều khu chợ khác. Khảo sát ở chợ Vồ, Quang Trung, một bộ nội tạng lợn có giá chỉ ngang với mớ rau, 15.000 đồng/kg lòng lợn, 4.000 đồng/bộ lòng gà, 45.000 đồng/kg thịt lợn.
Ngoài thịt lợn, mặt hàng tại đây còn có những bộ lòng được gói sẵn trong những túi ni lon sũng nước và ruồi nhặng bâu quanh.
Hà Nội thu giữ số lượng lớn xe đạp điện không rõ nguồn gốc
Báo VTV ngày 3/11 đưa tin, hơn 60 xe đạp điện và xe điện được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc cùng hàng nghìn phụ tùng, linh kiện lắp ráp các loại xe này vừa bị đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) thu giữ.
Số sản phẩm trên thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ hóa chất HFT, Cụm công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, giám đốc công ty là người Trung Quốc không có mặt. Đại diện công ty không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng.
Doanh nghiệp này bắt đầu sản xuất, kinh doanh các loại xe điện từ tháng 6/2012. Cơ sở này đã đưa ra thị trường hàng nghìn chiếc xe tương tự.
Ngâm măng chua bằng hóa chất độc hại
Báo Thanh niên ngày 2/11 đưa tin, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh (PC49) phát hiện măng chua bán tại một số chợ trên địa bàn TX.Tây Ninh có chứa hóa chất cấm nên đơn vị đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 24/9/2013, đoàn tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến măng chua của ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, H.Châu Thành. Qua kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Lâm có chứa gần 100 tấn măng chua nhưng ông Lâm không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc được cấp phép kinh doanh, sản xuất hay chế biến măng muối, cũng như không có hồ sơ về lĩnh vực môi trường hay an toàn thực phẩm.

Gần 100 tấn măng chua trên địa bàn Tây Ninh được phát hiện có sử dụng a xít oxalic, một loại hóa chất dùng để tẩy rửa hoặc chống gỉ sét, cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Gần 100 tấn măng chua trên địa bàn Tây Ninh được phát hiện có sử dụng a xít oxalic, một loại hóa chất dùng để tẩy rửa hoặc chống gỉ sét, cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ngày 28/10/2013, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3, TP.HCM trả lời kết quả giám định: 6/6 mẫu măng và nước ngâm măng đều có chứa a xít oxalic từ 59,9 mg/kg đến 710 mg/kg.
Ông Lâm cho biết số măng trên ông mua của bà Võ Thị Liễu, ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Ngày 17/10/2013, PC49 kiểm tra cơ sở luộc măng của bà Liễu và thu mẫu gửi đi giám định. Kết quả giám định cho biết: ngoại trừ mẫu măng tre luộc, tất cả các mẫu nước luộc măng, măng le, măng lồ ồ luộc đều có chứa a xít oxalic hàm lượng từ 96,2 mg/kg đến 627 mg/kg. Bà Liễu khai số măng trên do bà mua lại của một số người dân Campuchia mang sang bán (!?)./.

LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)