Người tiêu dùng được lợi gì từ thị trường phát điện cạnh tranh?

02/07/2011 03:27
(GDVN) – “Mục tiêu cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh là góp phần đảm bảo khách hàng được sử dụng điện với chất lượng cao nhất và giá phù hợp nhất".

(GDVN) – “Mục tiêu cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh là góp phần đảm bảo cho khách hàng được sử dụng điện với chất lượng cao nhất và giá cả phù hợp nhất", ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực phát biểu tại Lễ Khỏi động thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm ngày 1/7.

Theo ông Cường, hiện nay trong giai đoạn thí điểm, do giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với công ty mua bán điện như thế nào thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu quá nhà nước quy định.

Bắt đầu từ 1/7, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, với  tổng công suất đặt dự kiến 22.878MW, sẽ có khoảng 62% trong số này  được trực tiếp chào giá trên thị trường. Số còn lại không chào giá, không tham gia hoặc được Công ty mua bán điện (thuộc EVN) chào giá thay.

Doanh nghiệp sản xuất điện gặp khó khăn

Dù dã chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, tuy nhiên DN phát điện vẫn còn bộn bề khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là nguyên nhiên liệu: dầu, than đã có cạnh tranh nhau về giá, nhưng giá khí thì chưa bình đẳng.

Một yếu tố khác là dù là chào giá cạnh tranh thì vẫn phải nằm trong một khung do Cục Điều tiết Điện lực thiết kế. Nhận định chung của các công ty sản xuất điện, với cơ chế “nhiều người bán, một người mua” như vậy, các doanh nghiệp phát điện khó chủ động chào giá ở mức tốt nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một khó khăn nữa khiến các doanh nghiệp phát điện phải đối mặt là đàm phán giá bán điện cho EVN. Việc đàm phán kéo dài cả năm nên với cơ chế vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm vừa công bố, thì khó khăn trong đàm phán giá bán điện cho EVN vẫn khó được khắc phục.

Sự bất bình đẳng được thể hiện rõ khi EVN được chủ động điều chỉnh giá bán lẻ điện, nhưng các doanh nghiệp phát điện thì chỉ được xem xét điều chỉnh giá khi được EVN chấp nhận. Nếu không chịu đựng được mức giá của EVN thì sẽ dẫn tới việc ế điện.

Ông Phạm Hồng Khánh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vinacomin cho biết, với mục đích chính là giải quyết nguồn than xấu, khó tiêu thụ nhằm sử dụng tài nguyên khai thác một cách hiệu quả nên các nhà máy của Vinacomin đều có công suất nhỏ, đa phần lại mới đi vào hoạt động (Na Dương, Sơn Động và Cẩm Phả). Vì vậy, khi tham gia vào thị trường sẽ phải cạnh tranh với những nhà máy có qui mô, công suất lớn hơn rất nhiều, nên việc khấu hao còn lớn, vì thế cạnh tranh về giá theo EVN là khá khó khăn.

Với những khó khăn trên, việc các công ty phát điện tham gia thị trường cạnh tranh theo nguyên tắc chào giá thấp hơn sẽ được huy động liệu có khả thi? Bên cạnh đó, nhiều đối tác trên thị trường vẫn còn nhiều nghi ngại về khả năng tài chính của EVN để thanh toán cho các nhà máy khi tham gia vào thị trường điện. Bởi EVN đã từng công bố số nợ của đơn vị này hiện lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó, công nợ của các đơn vị phát điện chiếm phần lớn.

Người tiêu dùng được lợi gì?

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm dự kiến sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Chào giá, xếp lịch và tính toán thanh toán được thực hiện theo đúng các quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhưng việc vận hành điều độ và thanh toán thực tế vẫn áp dụng như hiện tại. Giai đoạn 2: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào và tính toán theo thị trường phát điện cạnh tranh nhưng toàn bộ sản lượng điện năng vẫn được thanh toán theo hợp đồng. Giai đoạn 3: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán thanh toán theo thị trường. Từng bước thực hiện thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện có đầy đủ điều kiện.

Theo đó, từ năm 2005 – 2014 sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; từ 2015 – 2022 sẽ thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh; sau năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, mục tiêu cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh là góp phần đảm bảo cho khách hàng được sử dụng điện với chất lượng cao nhất và giá cả phù hợp nhất. Hiện nay, trong giai đoạn thí điểm, do giá điện vẫn do nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với công ty mua bán điện như thế nào thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá nhà nước quy định.

Cũng theo ông Cường, việc chuyển đổi cơ chế hiện tại sang thị trường phát điện cạnh tranh cũng phải đáp ứng một loạt các điều kiện tiên quyết, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, chất lượng với mức giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.

Đức Trung