Nguồn lực đất đai cho nông nghiệp chưa được vận hành theo cơ chế thị trường

26/12/2019 14:56
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khái niệm về thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Ngày 26/12, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách".

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các diễn giả là các nhà quản lý, nhà tư vấn, chuyên gia kinh tế - bất động sản – nông nghiệp hàng đầu Việt Nam cùng chủ đầu tư các dự án bất động sản nông nghiệp lớn.

Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Thơm

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, khái niệm về thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu tính nhất quán; nguồn lực tài sản đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường; cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nói chung và cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều bất cập…

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên dẫn đến kết quả thực hiện chủ trương lớn của Đảng - Nhà nước về phát triển nông nghiệp còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam; chưa huy động được hết được nguồn lực và nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp của các thành phần kinh tế.

“Trước thực trạng trên; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Việc xác định, công nhận bất động sản nông nghiệp là một loại hình sản phẩm bất động sản là điều cần thiết và phù hợp với nhu cầu thị trường (loại hình này đã có ở nhiều quốc gia). Việc đánh giá quy mô, tiềm năng phát triển; từ đó có các định hướng phát triển, đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp cho loại hình này cũng là điều hết sức cấp thiết”, ông Chiến nhấn mạnh.

Các chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: reatimes
Các chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: reatimes

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung làm rõ khái niệm, đặc điểm, những nhân tố tác động, bối cảnh của “bất động sản nông nghiệp”, “thị trường bất động sản nông nghiệp” Việt Nam; phân tích thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và các địa bàn trọng điểm nói riêng; phân tích làm rõ những vướng mắc pháp lý, chính sách và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam.

Tập trung kiến nghị chính sách đất đai cho nông nghiệp cần phải điều chỉnh, gồm: Quy hoạch sử dụng; Giao cho thuê đất; Quyền của chủ thể sử dụng; Hạn mức và thời hạn giao cho thuê; Hạ tầng phục vụ các giao dịch về quyền sử dụng đất và thu hồi đất; Thứ tư là, phân tích mô hình và kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường bất động sản nông nghiệp và khả năng áp dụng cho Việt Nam.

Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, năm 2019, nông nghiệp có nhiều điểm sáng nổi bật: đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ước tính tốc độ tăng GDP đạt 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2018.

Ở cấp quốc gia đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu), 8 khu khác đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

Hiện cả nước có 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là ngành nghề còn chưa phát triển mạnh bằng các ngành nghề khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: reatimes.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: reatimes.vn

“Bất động sản nông nghiệp là lĩnh vực “bất động” đúng nghĩa do không được - khó thay đổi “mục đích sử dụng” ruộng đất, dẫn đến “bất động chức năng” vì tư duy “an ninh lương thực” và hạn chế tối đa quyền sở hữu kinh tế đối với ruộng đất của các chủ thể thực tế (xóa bỏ tư hữu ruộng đất). Do đó, không có (và khó phát triển) thị trường bất động sản nông nghiệp đúng nghĩa”, ông Trần Đình Thiên đưa ra nhận định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần dần xây dựng được các khái niệm về bất động sản nông nghiệp và thị trường bất động sản nông nghiệp. Thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam là một bộ phận của thị trường bất động sản Việt Nam.

Bất động sản nông nghiệp được hiểu là bất kỳ phần bất động sản nào được chỉ định hoặc được phép thực hiện hoạt động nông nghiệp. Thị trường bất động sản nông nghiệp có thể hiểu là thị trường mà ở đó, bất động sản nông nghiệp và dịch vụ bất động sản nông nghiệp được giao dịch.

Tiến sĩ Trần Kim Chung phân tích, thị trường bất động sản nông nghiệp có thể phân loại thành 3 thị trường bộ phận:

Thị trường bộ phận thứ nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đây là phần căn bản nhất.

Đây là thị trường giao dịch các thửa đất nông nghiệp trong quá trình dồn điền, đổi thửa, tập trung hóa, tích tụ ruộng đất; không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, chỉ làm thay đổi chủ sử dụng đất hoặc thay đổi diện tích thửa đất.

Thị trường bộ phận thứ hai là thị trường đất ở nông thôn. Phân mảng thị trường này không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, nếu làm chỉ thay đổi chủ sử dụng đất hoặc loại đất (từ đất ở nông thôn sang đất ở thành thị).

Thị trường bộ phận thứ ba rất quan trọng là phân mảng thị trường đất nông nghiệp có yếu tố chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chẳng hạn từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị, chuyển từ “tiểu điền” thành “đại điền”. Bộ phận thị trường này diễn ra khá rộng.

Ông lấy dẫn chứng, ví dụ ở Ba Lan, thị trường đất trồng trọt ở Ba Lan có thể được chia thành hai phân khúc cơ bản: Phân khúc thứ nhất liên quan đến giao dịch đất thuộc sở hữu tư nhân, thứ hai liên quan đến các lô đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó vai trò chính là của Cơ quan Tài sản nông nghiệp (APA). Vừa có đất đai tư nhân và đất đai nhà nước.

Ban Tổ chức cho biết, sau hội thảo sẽ có văn bản kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về các vấn đề được nêu trong hội thảo; đặc biệt là định hướng xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này.

Đỗ Thơm