Nguyên Thống đốc chỉ ra lỗ hổng lớn của các NH tranh chấp kho cà phê

26/12/2013 10:08
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Cao Sĩ Kiêm, vụ việc đã bộc lộ sự buông lỏng quản lý của chính các ngân hàng thương mại, trong khi ngân hàng nhà nước cũng như các cơ quan quản lý thiếu thiếu kiểm tra, kiểm soát, quản lý chưa rõ ràng, xử lý thiếu nghiêm minh.

Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Trường Ngân dùng một kho cà phê nhân thô thế chấp vay hơn 600 tỉ đồng của 7 ngân hàng khác nhau dẫn đến việc các ngân hàng xảy ra tranh chấp được báo chí đề cập suốt thời gian qua, mới đây Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức cuộc họp có đại diện Công ty Trường Ngân, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đại diện cơ quan điều tra.

Vụ tranh chấp kho cà phê vẫn chưa có lời giải
Vụ tranh chấp kho cà phê vẫn chưa có lời giải

Tại cuộc họp này, Ngân hàng Quân đội chủ yếu đưa ra bằng chứng chứng minh lô hàng 615 tấn cà phê Trường Ngân thế chấp cho MB không trùng lắp với lô hàng thế chấp cho các ngân hàng khác. Tuy nhiên, trong số các ngân hàng tham dự chỉ duy nhất Ngân hàng Agribank thừa nhận điều này.

Còn lại đại diện 4 nhà băng gồm Vietinbank, Maritime Bank, VIB và Techcombank đều khẳng định lô hàng đó trùng hoặc có sự xáo trộn hàng, vì vậy cuộc họp dừng lại với ý kiến các ngân hàng đề nghị các bên liên quan phải giữ nguyên hiện trạng kho hàng, tránh làm sai lệch hồ sơ, tẩu tán chứng cứ...

Nhìn lại hoạt động của ngành ngân hàng có thể nhận thấy, chưa khi nào các vụ việc sai phạm của các ngân hàng lại xảy ra nhiều và nghiêm trọng như trong năm 2013. Những sai phạm được làm rõ càng ảnh hưởng nhiều hơn đến hệ thống ngân hàng, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay.

TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)
TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ảnh: Hoàng Lực)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những sai phạm thời gian qua của các ngân hàng, cũng như vụ việc tranh chấp kho cà phê của Trường Ngân, TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: “Có hai lý do xuất phát từ phía ngân hàng dẫn đến những sai phạm: Thứ nhất là buông lỏng quản lý của các ngân hàng thương mại, cho vay dễ dãi, cho vay thiếu kiểm soát, cho vay từ lợi ích cá nhân cục bộ biểu hiện rất rõ. Thứ hai, với ngân hàng nhà nước cũng như các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra, kiểm soát quản lý chưa rõ ràng, xử lý thiếu nghiêm minh”.

Đưa ra đánh giá hoạt động ngân hàng trong năm 2013, bên cạnh những kết quả mà toàn ngành đã nỗ lực đạt được, theo TS Cao Sĩ Kiêm có 4 việc ngân hàng vẫn chưa làm được: Thứ nhất, vốn cho nền kinh tế vẫn còn hạn chế. Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2013 đạt 7,89%, có cơ sở để cả năm đạt khoảng 11-12% trong khi mọi năm tăng trưởng tín dụng 30 – 40% năm. Việc vốn cho nền kinh tế thiếu dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn của các ngân hàng.

Thứ hai, lãi suất tuy hạ xuống nhưng vẫn còn ở mức cao so với yêu cầu khả năng chi trả.

Thứ ba, nợ xấu tuy bắt đầu giải quyết được nhưng mới chỉ gạt từ ngân hàng thương mại sang công ty xử lý nợ xấu, vấn đề giải quyết tiếp theo vẫn chưa được.

Thứ tư, hệ thống vàng với giải quyết được cung cầu còn chưa tạo được độ liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, chưa huy động được vốn vàng trong dân

“Trong những yếu điểm của ngành ngân hàng năm qua thì sai sót hệ thống ngân hàng, nợ xấu, vi phạm của hệ thống ngân hàng xảy ra nhiều, một số cán bộ ngân hàng phải vào vòng pháp lý với số lượng ngày càng đông và nghiêm trọng là vấn đề nổi cộm dễ nhận thấy nhất”, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết.

Hoàng Lực