Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng ủng hộ bầu Đức đầu tư vào BĐS Myanmar

08/01/2013 10:07
Hà Nhi
(GDVN) - “Đầu tư vào Myanmar, chúng ta vừa xuất khẩu vốn, vừa xuất khẩu xây dựng sang bên ấy, tôi rất hoan nghênh và nên ủng hộ bầu Đức trong lĩnh vực này” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là bầu Đức) tiếp tục gây sốt thị trường BĐS vốn khá trầm lắng với tuyên bố: Sẽ có thể hái được tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới. 
Theo kế hoạch của bầu Đức, năm 2013 sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon, biến Hoàng Anh Gia Lai không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch tại Myanmar mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar.
Bàn luận về con đường đi và lựa chọn đầu tư của ông Đoàn Nguyên Đức, chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, TS.Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: ông Đoàn Nguyên Đức đã rất có kinh nghiệm trong vấn đề này vì kinh doanh đạt lợi nhuận cao nhất thường đến trong buổi giao thời dẫn tới chuyển đổi của các quốc gia.

Phối cảnh giai đoạn 1 của khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Myanmar
Phối cảnh giai đoạn 1 của khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Myanmar

“Khi tôi về Bộ Xây dựng, lúc đó là thời điểm giao thời của nước ta, tôi được tiếp xúc với nhiều Việt kiều về nước, tôi đã từng thắc mắc: “Nước tôi còn nghèo lắm, sao các vị lại quan tâm nhiều thế”. Họ đã trả lời: “Chính lúc này mới là cơ hội tốt cho những người kinh doanh dám mạo hiểm, dám đi tiên phong”. 
Sau đó, tôi nghiệm ra điều này rất đúng, vì lẽ gì mà các “đại gia” của chúng ta phất nhanh lên như vậy, chính là bởi họ đã dựa vào kinh doanh trong buổi giao thời, lúc các luật lệ chưa rõ ràng, chưa có các điều khoản bó buộc và quan trọng là sự cạnh tranh còn yếu ớt do số người tham gia chưa nhiều. Hơn nữa, quốc gia đó vào thời mở cửa nên lại rất cần sự chuyển động theo hướng mới nên rất hoan nghênh các đối tác bỏ tiền ra đầu tư” – TS.Liêm nhấn mạnh. Trong khi đó, theo Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành và Ủy ban Đầu tư nước này được thành lập vào năm 1988, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã ngấp nghé lĩnh vực khách sạn du lịch. Tuy nhiên, vốn FDI và số dự án chỉ tăng mạnh khi lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ.
Đến giữa tháng 12 năm nay, Myanmar có 35 dự án khách sạn có vốn nước ngoài với công suất 6.235 phòng trên khắp đất nước. Số tiền đầu tư và tài sản tích lũy đạt hơn 1.116 triệu USD. Trước đây Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư và tài sản, theo sau là Thái Lan, Nhật và Hong Kong. Trong quá khứ không có khách sạn nào của nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar.
“Tôi nghĩ: ông Đoàn Nguyên Đức đã từ kinh nghiệm của nước ta, nhận thấy được điều cốt tử đó nên đã nhảy vào kinh doanh Myanmar. Tôi thấy rất tốt, các nhà kinh doanh khác cũng nên nhận diện thời buổi giao thời, chuyển đổi này để biến nó thành cơ hội” – Ông Phạm Sỹ Liêm nói. 
Hơn nữa, theo TS.Liêm, Myanmar lại là đất nước của gỗ, ông Đoàn Nguyên Đức chuyên kinh doanh về gỗ nên sự hợp tác – kinh doanh này sẽ rất thuận lợi...
Ngoài ra, TS.Liêm còn cho rằng: Việc đầu tư sang Myanmar cũng là một cơ hội giúp cho nền kinh tế của nước ta phát triển hơn, ví dụ lực lượng lao động nhàn rỗi hiện đang dư thừa giờ sẽ có công ăn, việc làm, các vật liệu xây dựng đang ế ẩm vì BĐS đóng băng, giờ sẽ được vận chuyển sang Myanmar để sử dụng.
Như ông Đoàn Nguyên Đức đã từng tiết lộ với báo giới, điểm thuận lợi khi đầu tư khu phức hợp tại Yangon là giá sắt từ nhà máy vận chuyển sang Myanmar rẻ hơn về Việt Nam 20%. Xi măng đưa từ Quảng Ninh tới Yangon bằng giá về Sài Gòn. Gỗ đá của Hoàng Anh Gia Lai chở từ Quy Nhơn sang Miến Điện rẻ hơn vận chuyển đường bộ về TP.HCM. Lương công nhân lao động phổ thông tại Myanmar chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.
“Chúng ta nên học ở Hàn Quốc. Đất nước này trong thời buổi đầu xây dựng, họ rất cần ngoại tệ, nhưng lại không có tài nguyên như VN để bán, lúc đầu, họ thuê rất nhiều kỹ sư của Hoa Kỳ làm cán bộ kĩ thuật, cán bộ tiếp thị cho họ, họ chỉ làm lao động. Mỗi năm, riêng khâu xây dựng, Hàn Quốc thu về khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam ta từ trước tới nay luôn xuất khẩu lao động riêng rẽ, chứ không phải kinh doanh trong xuất khẩu. 
Vì vậy, ông Đoàn Nguyên Đức đang tạo ra hướng đi mới, vừa xuất khẩu vốn, vừa xuất khẩu xây dựng sang Myanmar, tôi rất hoan nghênh và tôi nghĩ, chúng ta nên ủng hộ Bầu Đức trong lĩnh vực này” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kết luận.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Myanmar đã cấp giấy phép cho Ngân hàng Standard Chartered mở cửa trở lại văn phòng đại diện tại Yangon.

Sự trở lại của Ngân hàng Standard Chartered nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ quốc tế đang ngày càng tăng để hỗ trợ những nỗ lực hội nhập toàn cầu của Myanmar. 

Standard Chartered có số lượng sản phẩm dịch vụ Ngân hàng bán buôn và bán lẻ đa dạng nhất Đông Nam Á. Với mạng lưới 1.700 văn phòng rộng khắp trên 70 thị trường, Standard Chartered sẽ giúp các khách hàng quốc tế dễ dàng tiếp cận các cơ hội tại Myanmar. 

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi