Nhiều người dân thủ đô đang ăn thịt lợn nhiễm khuẩn gây tiêu chảy

01/07/2014 07:36
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Có đến 7/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản xuất tại Hà Nội) vượt mức giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật (chiếm 58,33%).

Nhiễm E.coli, Salmonella

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hà Nội đã thu thập tổng cộng 142 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó có 27 mẫu sản phẩm sản xuất ở ngoại tỉnh được đưa vào Hà Nội tiêu thụ gồm: 6 mẫu thủy sản,  9 mẫu chè, 9 mẫu rau và 115 mẫu sản phẩm được sản xuất tại địa bàn Hà Nội gồm: 9 mẫu chè, 12 mẫu rau, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 7 mẫu sản phẩm thủy sản và 75 mẫu thủy sản tại vùng nuôi.

Hiện nay, Sở NNPTNT TP. Hà Nội đã có kết quả vi sinh của 38 mẫu nông, lâm, thủy sản và 31 mẫu có kết quả hóa lý.

Theo kết quả được công bố, trong số 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm được kiểm tra có 2 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh và E.Coli; 3 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 1 mẫu thịt gà nhiễm E.Coli.

E.coli, Salmonella... đều là những chủng bất lợi. Ăn những loại thực phẩm nhiễm những khuẩn này sẽ bị đi ngoài, gây bệnh tả hay các bệnh đường ruột rất nặng.

Khuẩn E.Coli, Salmonella thường sống nội sinh trong niêm bao ruột của người, động vật hoặc trong môi trường. Ngoài những chủng có lợi, thì đa phần là những chủng có hại. Các khuẩn này khi ăn vào sẽ khiến con người, gia súc bị đi ngoài, tả, đường ruột nặng.

Đây chính là lý do vì sao tại miền Bắc vào mùa nóng, sau khi ăn cưới thường có hiện tượng bị ngộ độc tập thể. Bởi người dân ăn phải thịt nhiễm các khuẩn E.Coli, Salmonella do thịt bị ôi thiu.

Thịt không an toàn bày bán tràn lan.
Thịt không an toàn bày bán tràn lan.

Ngoài ra, còn có 3/9 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản phẩm chuyển từ các tỉnh được tiêu thụ tại Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.Coli (chiếm 33,33%) và 1/7 mẫu sản phẩm thủy sản (chuyển về tiêu thụ ở Hà Nội) có kết quả vượt giới hạn tối đa cho phép về E.Coli (chiếm 14,2%).

Các mẫu có kết quả về chỉ tiêu hóa lý đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả phân tích.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng khẳng định, tỷ lệ cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn hiện vẫn cao với 345/2.940 cơ sở vi phạm, chiếm 11,73%.  Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày.

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra 123 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. 46 tổ chức, cá nhân bị xử phạt với số tiền gần 280 triệu đồng.

Mời gọi thịt ôi thiu giá "bèo"

Chiều tối ngày 30/6, trong vai một khách hàng đi mua thịt tại chợ tạm chân cầu Thăng Long (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), chúng tôi bất ngờ khi được mời mua thịt lợn với giá rẻ “cuối ngày” chỉ 55-60.000 đồng/kg. Đáng lưu ý là số thịt này trông nhợt nhạt, không có màu tươi như thịt lợn bình thường. Nhiều miếng đỏ au, thậm chí có mảng còn trắng bệnh, sờ tay vào thì nhơn nhớt.

“Em lấy đi chị để rẻ cho. Cuối ngày rồi mua nhanh chị còn về, không mua được ở đâu rẻ hơn giá đó đâu. Nếu lấy nhiều về làm hàng cơm thì chị bớt cho một chút. Em yên tâm, nhiều người mua thịt của chị rồi, người ta ăn cả và vần khen ngon. Vừa miệng hay không là do mình chế biến thôi”, một người phụ nữ trung tuổi mời gọi PV mua thịt.

Theo tìm hiểu của PV, tại đa số các khu chợ cóc, chợ tạm của Hà Nội như tại khu vực Cầu Giấy, Láng Hạ, Ngã Tư Sở… gia súc, gia cầm được giết mổ không qua kiểm dịch, bày bán công khai.

Nhiều mặt hàng được giết mổ một cách tùy tiện, trang thiết bị, vật dụng cũng không đạt tiêu chuẩn. 

Anh Văn Hải, một người bán thịt lợn tại chợ Cầu Diễn cho biết, thịt lợn anh bán được mua lại từ một người khác: “Khách thấy thịt ngon thì mua nhiều, không ngon thì mua ít, nhưng nói chung là vẫn mua bán bình thường”.

Khi được hỏi về việc có bị xử lý khi buôn bán thực phẩm không đạt yêu cầu hay không thì nhiều chủ buôn cũng cho biết là hiện nay cơ quan kiểm dịch cũng tiến hành kiểm tra khá sát sao nhưng do số lượng quá đông nên cũng không thể kiểm soát hết.

“Anh đi khắp chợ này hỏi xem, chúng tôi bày bán như thế này là tốt lắm rồi. Nhiều người đặt ngay dưới đất, ruồi nhặng bâu vòng quanh mà vẫn có người mua đấy thôi”, chủ một hàng bán thịt lợn thẳng thắn.

“Dẫu biết thịt bán ở chợ không được “sạch” và có thể mắc bệnh, tuy nhiên, hàng ngày gia đình vẫn phải ăn vì không có nhiều sự lựa chọn cho một bữa cơm. Mong rằng cơ quan nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra để người tiêu dùng chúng tôi yên tâm hơn”, chị Loan (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa) chia sẻ.

Tuy nhiên, trước thông tin được cho vẫn còn thấp về tỷ lệ nhiễm bệnh này, nhiều bà nội trợ đã lựa chọn việc đổi thực phẩm khác hoặc tìm nguồn tin cậy để mua thịt. 

Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi cũng liên hệ với người nhà ở quê để được cung cấp thịt lợn, thịt gà sạch, về cho vào tủ đá dùng dần. Giờ ăn gì cũng nơm nớp lo sợ”.
NHẤT NGÔN